4 năm chống chọi với ung thư
VĐV Nguyễn Thị Huyền Trang bắt đầu phát hiện ra ung thư vú giai đoạn cuối năm 2014. Trang từng là VĐV giành thành tích nổi bật khi vô địch SEA Games 22, vô địch thế giới năm 2005 và năm 2007. Thế nhưng khi nhập viện, Trang thậm chí còn không có bảo hiểm y tế. Đó là câu chuyện vẫn không khiến người thân, bạn bè của cô thôi xót xa mỗi lần nhắc lại. Do phát hiện quá muộn, ung thư đã di căn đến xương khiến Huyền Trang liệt nửa người.
Năm 2007, sau khi lấy chồng, sinh con, Huyền Trang không được may mắn trong hôn nhân, cô và chồng đã chia tay cách đây 5 năm và đúng 1 năm sau sự đổ vỡ ấy thì Trang đổ bệnh. Nghĩ về Trang, nhiều người cảm thương cho 2 đứa con của Trang nhiều hơn.
Ông Nguyễn Đức Hồng - bố của Huyền Trang - từng chia sẻ rằng cũng vì hai đứa trẻ mà Trang mới có nghị lực để sống những ngày tháng lạc quan trên giường bệnh như vậy. 2 con của Huyền Trang còn nhỏ, một bé gái 8 tuổi, 1 bé trai 9 tuổi và đều ý thức được bệnh tình của mẹ. Điều ông Hồng trăn trở nhất đã đến là ngày Trang mất đi, những đứa con mất mẹ khi còn nhỏ, đó sẽ là sự thiệt thòi.
Sau khi phẫu thuật, tuân thủ phác đồ điều trị bằng hóa chất, xạ trị và uống thuốc, Trang đã khỏe trở lại, các bác sĩ cho hay sức khỏe của Trang đang được kiểm soát rất tốt. Thực tế, trong năm 2015, Huyền Trang cũng đã nhận được nhiều sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm và bạn bè gần xa hỗ trợ để điều trị bệnh tật.
Mọi người vui, có niềm tin vào câu chuyện cổ tích về nghị lực và hy vọng vào điều thần kỳ khi Trang khoẻ lại... Thế nhưng căn bệnh ung thư quái ác đã không buông tha người phụ nữ giàu nghị lực.
Nguyễn Thị Huyền Trang đã vĩnh viễn rời xa cõi đời vào lúc 9h00 sáng 23.7. Cô đã khép lại giấc mơ, đam mê và cả nghị lực ở tuổi 33 đầy nghiệt ngã. Sau tất cả, Trang vẫn còn đó gia tài để lại, những đứa trẻ sẽ lớn lên mang theo sự tự hào về người mẹ...
Thông điệp của “nữ tướng” thể thao
Mặc dù bóng đá, đặc biệt là bóng đá nam vẫn nhận được sự quan tâm đặc biệt của truyền thông, người hâm mộ, nhưng ít ai biết rằng thành công của thể thao Việt Nam nói chung tại các đấu trường quốc tế thuộc về nữ giới.
Các VĐV nữ đóng góp cho thể thao nhiều, cho dù so với các đồng nghiệp nam, họ phải hy sinh vất vả hơn nhiều. Không ít người trong số đó vẫn chứng minh được bản lĩnh, ý chí khi chống chọi lại với những khó khăn của cuộc sống đời thường.
“Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”. Cựu VĐV đá cầu xinh đẹp Huyền Trang là một con người như vậy.
Bằng nghị lực, cô đã sống vui trên cái sự chết chóc được báo trước kia để biến mỗi ngày trên giường bệnh thành niềm lạc quan, yêu đời. Trang đã vượt qua giới hạn sự đau đớn của căn bệnh ung thư quái ác, vượt lên trên cả bản án tử được báo trước để nở nụ cười mang khí tiết của con người thể thao.
Ngày Trang chính thức từ biệt cõi đời này, một người bạn của Huyền Trang chia sẻ rằng: “Bản thân tôi thấy mừng cho Trang, em đã được giải thoát. Em đã rất can đảm để đối mặt và vượt qua. Em có thể lực và sức chịu đựng hơn người vì từng là VĐV chuyên nghiệp. Điều ý nghĩa nhất là đã có rất nhiều đồng đội ở những bộ môn khác nhau đã đến cạnh em những khoảng thời gian cuối cùng”.
Câu chuyện của Trang khiến người ta nhắc nhớ nhau về những phận đời thể thao của các “nữ tướng” sau vinh quang. Họ từng đóng góp, từng cống hiến cho thể thao nước nhà những vinh quang, thế nhưng họ chỉ đơn phương chống chọi với bệnh tật bằng… nghị lực là chính.
Đó là câu chuyện của VĐV điền kinh Vũ Bích Hường đã trải qua cuộc đời sau vinh quang đầy nước mắt. Hay cách đây 3 năm, nữ võ sĩ taekwondo Hoàng Hà Giang từng giành HCB ASIAD 2006 đã qua đời vì căn bệnh viêm ruột quái ác ở tuổi 24.
Phía sau sự ra đi của Hà Giang, Huyền Trang, những người ở lại vẫn còn day dứt bởi dường như vẫn còn đó sự vô cảm và cả thiếu trách nhiệm của xã hội, của ngành thể thao với những tài năng sớm phải chia tay sự nghiệp hay gặp những tai nạn nghề nghiệp, cuộc sống.
Và thông điệp được gửi đến tất cả, đó là đừng để sự vô cảm và thiếu trách nhiệm lại là câu chuyện buồn sau mỗi mất mát, chia ly.