F-22 và những siêu tiêm kích đối của Nga
F-22 Raptor được đưa vào sử dụng năm 2005 với tư cách là máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không uy lực nhất của Không quân Mỹ và ngày nay vẫn được coi là tiêm kích phản lực hùng mạnh nhất mà phương Tây từng chế tạo.
Raptor được phát triển từ cuối những năm 1970 với mục đích khôi phục vị thế thống lĩnh trên không của Mỹ, điều mà trước đây nước này đã đạt được nhờ F-15C Eagle nhưng sau đó 10 năm lại bị soán ngôi bởi sự ra đời của Su-27 Flanker và MiG-31 Foxhound do Liên Xô chế tạo.
Mặc dù ở phương Tây F-22 vẫn là dòng máy bay chiến đấu mạnh mẽ nhất hiện đang có trong biên chế nhưng các biến thể BS và BSM mới nhất của MiG-31 do Nga thiết kế lại được coi là chiến cơ phản lực hùng mạnh hơn cả trong không chiến.
Không quân Nga không có phiên bản hoàn toàn tương đương F-22 mặc dù ba mẫu máy bay chiến đấu hạng nặng chuyên về không chiến của Nga đã được thiết kế để đối đầu với dòng chiến đấu cơ tiên tiến này của Mỹ.
F-22 Raptor Không quân Mỹ
Nga đã phát triển Su-35 thế hệ 4 ++ cho vai trò tương tự. Mặc dù các ứng dụng tàng hình có thể khiêm tốn hơn Raptor nhưng Su-35 lại trội hơn về khả năng cơ động, tải trọng vũ khí, radar nhìn bên và khả năng dẫn hướng hồng ngoại cùng với một số lợi thế khác nữa.
Su-57 mới hơn và cũng được thiết kế tàng hình nhưng cũng không thể được coi là tương tự với Raptor bởi dòng máy bay này được phát triển để tích hợp các công nghệ điện tử hàng không thế hệ thứ 6 trong thập kỷ tới, cho phép nó đối đầu với các máy bay chiến đấu của Mỹ thế hệ tiếp theo.
Cho tới khi các công nghệ như vậy chưa được ứng dụng thì Su-57 nhiều khả năng vẫn chưa được triển khai rộng rãi và khi đó Raptor đã trở nên lỗi thời trước các thiết kế máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu của Mỹ.
MiG-31 Foxhound cũng khác xa so với Raptor nhưng vì hiện nay đóng vai trò là phương tiện chiến đấu chiếm ưu thế trên không uy lực nhất của Nga với hàng trăm chiếc đang có trong biên chế nên việc so sánh khả năng của hai dòng máy bay này sẽ có ý nghĩa thiết thực hơn khi đánh giá sức mạnh trong các cuộc không chiến tiềm ẩn.
Tiêm kích đánh chặn MiG-31 Foxhound trang bị tên lửa tầm trung R-40
Tại sao MiG-31 là đối thủ đáng gờm của F-22?
Với trọng lượng khoảng 29.400kg, F-22 vẫn giữ được danh hiệu là máy bay chiến đấu nặng nhất của phương Tây và có thể mang theo một trong những radar lớn nhất và mạnh nhất - AN/APG-77 có trọng lượng khoảng 554kg.
Tuy nhiên, ngay cả so với Raptor thì MiG-31 vẫn là một máy bay cực kỳ nặng và mạnh mẽ. Với trọng lượng hơn 41.000kg mỗi chiếc, Foxhound có thể chứa radar Phazotron Zaslon 1.500kg, mang lại khả năng phát hiện và theo dõi lâu hơn nhiều so với đối tác quá “khiêm tốn” trên Raptor.
Thời kỳ đầu, Zaslon là hệ thống radar đứng đầu bảng thế giới và qua thời gian đã được nâng cấp đáng kể giúp mức độ nhận thức tình huống của nó vượt trội so với nhiều máy bay cảnh báo sớm trên không chuyên dụng.
Mặc dù không phải là radar mảng pha quét điện tử chủ động như AN/APG-77 nhưng Zaslon lại lớn tới mức kể cả các radar trên máy bay chiến đấu trong tương lai cũng khó có thể đối chọi được với nó.
F-22 Raptor phô diễn khả năng cơ động
So sánh về khả năng không chiến giữa MiG-31 và F-22, Phó giám đốc Thiết kế Nhà máy thuộc Cục thiết kế Mikoyan, ông Valentin Stepanov đã bình luận như sau ngay khi Raptor được đưa vào hoạt động:
"Ngày nay, người Mỹ nhận ra rằng nếu có một máy bay nào có thể so sánh với F-22 thì đó chính là MiG-31. Trước hết, MiG-31 có một radar mạnh hơn. Thứ hai, tên lửa của nó có tải trọng lớn hơn và tầm bắn tốt hơn tên lửa trên F-22. MiG-31 bay nhanh hơn F-22. MiG-31 trên thực tế là máy bay đánh chặn linh hoạt nhất với những khả năng đánh chặn mục tiêu tốt nhất".
Về tên lửa không đối không, F-22 mang theo 6 tên lửa tầm xa AIM-120D AMRAAM và 2 tên lửa tầm ngắn AIM-9X trong khoang vũ khí bên trong, tức có trọng tải tương tự như chiếc F-15C tiền nhiệm và gấp hai lần F-35A. AIM-120D có tầm bắn 180km và thay thế cho tên lửa AIM-120C cũ hơn có tầm bắn 105km.
Khi thiết kế ngày càng được cải tiến, MiG-31 cũng có trọng tải tên lửa tối đa gia tăng và ngày nay có thể mang theo 6 tên lửa tầm xa R-37 và 2 tên lửa tầm ngắn R-73 trong cấu hình tiêu chuẩn.
R-37 có thiết kế mới hơn AIM-120 và và di chuyển ở vận tốc Mach 6 trong khi AMRAAM chỉ có thể đạt Mach 4. Vì vậy, máy bay mục tiêu có ít thời gian phản ứng hơn khi bị tấn công và xác suất bị tiêu diệt cũng tăng đáng kể.
Tên lửa Nga mang theo đầu đạn phá mảnh nặng 60kg, là một trong những lượng nổ lớn nhất từng được triển khai trên tên lửa không đối không, vì vậy mang lại xác suất tiêu diệt mục tiêu cao hơn nhiều. Trọng tải của AIM-120 khoảng 20kg, tức chỉ bằng 1/3, khiến nó gặp bất lợi đáng kể.
Tuy nhiên, có lẽ ưu điểm đáng kể nhất của MiG-31 lại là tầm bắn của nó. R-37 là tên lửa có kích thước lớn hơn nhiều và có khả năng tấn công mục tiêu cách xa tới 400km. Ngay cả những tên lửa AIM-120D mới nhất, tầm bắn cũng chỉ bằng chưa tới một nửa, đặt chúng vào thế bất lợi đáng kể.
Lợi thế về phạm vi tấn công của MiG-31 nhiều khả năng sẽ còn tăng cao khi R-37 so sánh trực tiếp AMRAAM vì độ cơ động của máy bay cũng sẽ đóng một vai trò rất quan trọng.
Tên lửa không đối không tầm xa siêu thanh R-37
Foxhound là mẫu máy bay chiến đấu hiện đại bay nhanh nhất và cao nhất trên thế giới, có thể hoạt động ở độ cao hơn 21km và tốc độ hơn Mach 2.8. Điều này cho phép máy bay phóng tên lửa có động năng lớn hơn so với Raptor, qua đó gia tăng tầm bắn của tên lửa.
Mặc dù F-22 được trang bị khả năng tàng hình tiên tiến khiến việc đánh chặn nó trở thành một thách thức không nhỏ nhưng MiG-31BS và BSM lại là một trong những dòng máy bay chiến đấu được thiết kế tối ưu nhất cho vai trò này.
Kích thước và sức mạnh vượt trội của hệ thống radar trên Foxhound cho phép nó phát hiện máy bay chiến đấu tàng hình địch thủ ở khoảng cách lớn hơn nhiều so với chiến đấu cơ cỡ nhỏ hơn.
Về tổng thể, MiG-31 dường như là mẫu máy bay có thiết kế ưu việt hơn trong khi chi phí vận hành lại tương đối rẻ so với F-22. Ngoại trừ Su-57, Foxhound dự kiến sẽ vẫn là máy bay chiến đấu mạnh mẽ nhất cho nhiệm vụ không đối không hiện có trong biên chế của Quân đội Nga, thậm chí còn uy lực hơn nữa nếu tiếp tục được hiện đại hóa.
Trong khi đó, chi phí sản xuất F-22 đã bị cắt giảm 4 năm nay và nhiều hệ thống trang bị đã có tuổi, đặt nó vào vị thế khó cạnh tranh. Có nhiều thông tin đồn đoán cho rằng Raptor sẽ sớm phải nghỉ hưu để nhường chỗ cho các chiến đấu cơ F-15X thế hệ 4+ hay các phiên bản hiện đại hơn đang phát triển như F-X và máy bay thế hệ 6 (PCA).
MiG-31 chắc chắn sẽ vẫn còn phục vụ trong một thời gian tương đối dài nhờ những cải tiến tích hợp và khả năng chuyển đổi thành tiêm kích mang theo các thế hệ tên lửa siêu thanh mới nhất của Nga.
Xét về khả năng tấn công mặt đất, MiG-31 cũng vượt trội hơn khi từ năm 2018 đã được trang bị các tên lửa đạn đạo Kh-47M2 với vận tốc Mach 10, giành ưu thế áp đảo so với F-22, loại máy bay được vũ trang rất kém về nhiệm vụ tấn công không đối đất và không đối hải.
MiG-31 Foxhound - Siêu tiêm kích đánh chặn của Nga