"Lịch sự như người Anh", cung cấp vũ khí cho đối phương?
Ở thời điểm Thế chiến thứ hai sắp kết thúc, máy bay tiêm kích động cơ xăng dùng piston đã hoàn thành "vai trò lịch sử" của chúng và sẽ sớm bị thay thế bởi máy bay tiêm kích phản lực vượt trội hơn nhiều.
Đức Quốc xã và Vương quốc Anh là hai quốc gia đầu tiên đưa máy bay tiêm kích phản lực tham chiến trên chiến trường, Mỹ và Nhật Bản đã tiến gần tới việc hoàn thành máy bay phản lực. Chỉ có duy nhất Liên Xô dường như tụt lại phía sau trong lĩnh vực chế tạo động cơ phản lực.
Tuy vậy, cùng với việc kiểm soát các cơ sở nghiên cứu, Hồng quân Liên Xô đã bắt được một số nhà khoa học và quan trọng nhất là các nguyên mẫu khi họ giải phóng miền đông nước Đức.
Những "tài sản đáng giá" này bao gồm các động cơ phản lực Jumo 004 và BMW 003, được thiết kế cho máy bay phản lực Me-262 và He-162 của Đức Quốc xã.
Nguyên mẫu đầu tiên của máy bay phản lực Me-262.
Năm 1945, trên cơ sở các nguyên mẫu động cơ phản lực của Đức các nhà sản xuất Mikoyan-i-Gurevich và Yakovlev được giao nhiệm vụ chế tạo máy bay chiến đấu phản lực đầu tiên của Liên Xô.
Đầu năm 1946, Liên Xô đã phát triển thành công máy bay chiến đấu Yak-15 sử dụng động cơ Jumo 004 và MiG-9 sử dụng động cơ BMW 003. Tuy nhiên, điểm yếu của động cơ phản lực Đức là độ bền thấp và không tạo ra đủ lực đẩy cần thiết.
Chính vì vậy với các thiết kế máy bay chiến đấu phản lực cỡ lớn, các kỹ sư Liên Xô đã đề nghị mua các động cơ phản lực Rolls-Royce Nene của Anh (có thể tạo ra lực đẩy 2.300 kg).
Mặc dù cùng là đồng minh chống chủ nghĩa phát xít, nhưng sau Thế chiến 2, Anh và Mỹ đã hình thành một mặt trận chống Liên Xô; nhưng "điều may mắn" đã đến khi nhà thiết kế máy bay Liên Xô Viktor Klimov đến thăm Anh vào năm 1946.
Bộ trưởng Thương mại Anh khi đó là ông Stafford Cripps dường như không "bắt kịp" được cái gọi là "Chiến tranh Lạnh" và do đó đã đồng ý bán hàng chục động cơ Rolls-Royce Nene vào năm 1946 và 1947 cho Liên Xô (với điều kiện không sử dụng chúng cho mục đích quân sự).
Mặt cắt của một động cơ Rolls-Royce Nene.
Các nhà sản xuất Liên Xô đã nhanh chóng sao chép Nene để cho ra đời động cơ RD-45 và sau đó là VK-1 với công suất mạnh hơn (lực đẩy đến 2.700 kg).
Trớ trêu thay, người Anh cũng cấp giấy phép cho đồng minh Mỹ sản xuất biến thể động cơ Nene là J42 dùng cho máy bay phản lực F9F Panther của Hải quân Mỹ.
Với VK-1, nhà sản xuất Mikoyan-i-Gurevich đã phát triển máy bay chiến đấu MiG-15 với cửa hút khí trên mũi như trong Me 262, đôi cánh xuôi một góc 35 độ.
Máy bay tiêm kích đã đạt được hiệu suất cao với tốc độ cận âm (tốc độ tối đa 1.100 km/h). MiG-15bis có tốc độ leo cao cũng như khả năng cơ động hơn hẳn nhanh hơn so với các máy bay phản lực "đối thủ" như Meteor F8 của Anh và F-80 của Mỹ.
MiG-15 đã được sản xuất hàng loạt với số lượng lên tới 12.000 chiếc, ngoài Liên Xô, MiG-15 còn được cấp phép sản xuất ở Tiệp Khắc, Ba Lan và Trung Quốc thêm 6.000 chiếc nữa.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và các nữ phi công điều khiển MiG-15.
Tiêm kích Liên Xô "làm mưa làm gió"?
Thành tích chiến đấu của MiG 15 khá ấn tượng, chiến công đầu tiên do chính các phi công Liên Xô thực hiện khi bắn hạ máy bay chiến đấu P-38 Lightning và máy bay ném bom B-24 của Đài Loan vào tháng 4/1950.
Trong cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), vào tháng 10/1950, Trung Quốc và Liên Xô đã bắt đầu cho những chiếc MiG-15 tham chiến.
MiG-15 đã "làm mưa làm gió" ở giai đoạn đầu cuộc chiến, tốc độ leo cao tuyệt vời của MiG-15 cho phép nó có thể nhanh chóng đạt được độ cao và phục kích máy bay ném bom từ trên cao.
Hơn nữa MiG-15 quá nhanh, điều này khiến các phi công đối phương và pháo phòng không khó có thể bắn trúng.
MiG-15 cũng hoàn toàn vượt trội về tính năng các loại máy bay phản lực hộ tống như F-80 của Mỹ, chứ chưa nói đến các máy bay chiến đấu Corsair và Mustang với động cơ xăng dùng piston cũ.
Mặc dù đã cố gắng bắn hạ một số lượng lớn MiG-15, nhưng thực tế là đội hình máy bay ném bom hạng nặng của người Mỹ không thể an toàn.
Vào tháng 4/1951, những chiếc MiG-15 đã bắn hạ 3 "pháo đài bay" B-29 (loại đã ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản trong thế chiến II) mà không chịu bất kỳ tổn thất nào mặc dù B-29 có một "đội hộ tống" hùng hậu gồm khoảng 100 máy bay phản lực F-80 và F-84.
Sau thiệt hại này, không quân Mỹ đã phải ngừng các cuộc ném bom vào ban ngày (được cho là chính xác hơn) để chuyển sang các ban đêm để tránh sự săn đuổi của MiG-15.
Máy bay ném bom B-29 của Không quân Mỹ ném bom trong Chiến tranh Triều Tiên.
Các cuộc không chiến "đẫm máu" giữa máy bay Mỹ và Liên Xô
Để đối phó với MiG-15, Không quân Mỹ đã khẩn trương triển khai các phi đội máy bay phản lực tiên tiến nhất của họ khi đó là F-86 Sabre sang Triều Tiên.
Thời gian còn lại của chiến tranh Triều Tiên là các cuộc không chiến ác liệt giữa MiG-15 và F-86 trong khu vực mà giới quân sự hay gọi là “Hành lang MiG” dọc biên giới giữa Trung Quốc và Triều Tiên.
Dù F-86A và MiG-15bis được coi là 2 đối thủ "cùng đẳng cấp" nhưng MiG-15 có ưu điểm về tốc độ leo cao, khả năng cơ động và trần bay.
Máy bay tiêm kích F-86 và đối thủ MiG-15.
F-86A được trang bị 6 súng máy cỡ nòng 12,7mm (.50) trong khi MiG-15 sử dụng vũ khí hạng nặng hơn là pháo nòng đôi 23mm với cơ số đạn 80 viên (tổng cộng 160 viên) và một pháo 37 mm với cơ số đạn 40 viên.
Pháo của MiG-15 là "ác mộng" với các loại máy bay ném bom hạng nặng, nhưng ngược lại chúng lại có tốc độ bắn chậm, hạn chế về mật độ đạn, sơ tốc đạn thấp, khiến MiG-15 khó bắn hạ máy bay đối phương di chuyển nhanh như F-86.
Quan trọng nhất là trình độ phi công và chiến thuật, nó đã định hình kết quả của các cuộc không chiến hơn là các vấn đề kỹ thuật.
F-86 chủ yếu được điều khiển bởi các phi công cựu binh Thế chiến thứ hai thì thời gian đầu, hầu hết MiG-15 được điều khiển bởi các phi công Liên Xô có trình độ nhưng không có kinh nghiệm cùng với một đội ngũ cựu phi công.
Tuy vậy họ cũng đã gây ra khá nhiều tổn thất cho không quân Mỹ.
Theo thời gian, Liên Xô cũng đào tạo thêm các phi công MiG-15 người Trung Quốc và Triều Tiên. Từ cuối năm 1951, các đơn vị MiG-15 của Trung Quốc và sau đó là Triều Tiên đã bắt đầu tham chiến nhiều hơn, nhưng chịu tổn thất nặng hơn là MiG-15 của Liên Xô.
Một đồ họa miêu tả MiG-17 và F-4J trong Chiến tranh Việt Nam.
Đến cuối chiến tranh, Mỹ tuyên bố đã bắn hạ 792 chiếc MiG-15 và mất 78 chiếc F-86 trong không chiến, với tỷ lệ là 10/1. Ngược lại Trung Quốc và Triều Tiên tuyên bố họ đã bắn hạ 1.100 máy bay của Mỹ và liên quân, trong đó có 650 chiếc F-86.
MiG-15 được phát triển thành hai phiên bản với MiG-17 có khả năng cơ động cao và MiG-19 có tốc độ siêu âm, cả hai đều tham chiến ở Việt Nam, MiG-17 đã làm cho lực lượng không quân Mỹ "áp đảo hơn" chịu những tổn thất nặng nề.
Kết thúc thập niên 1950, MiG-15 đã không còn tham gia chiến đấu, nhưng máy bay huấn luyện MiG-15UTI hai chỗ ngồi vẫn tiếp tục đóng vai trò huấn luyện phi công quân sự trong nhiều thập kỷ.
Nhà du hành vũ trụ nổi tiếng của Liên Xô Yuri Gagarin điều khiển một chiếc máy bay loại này đã va chạm với một máy bay đánh chặn Su-15 thiệt mạng vào năm 1968.
Không thể chối cãi về sự "nhẹ dạ cả tin" của người Anh, họ đã gián tiếp gây ra hậu quả thảm khốc cho người Mỹ khi cung cấp cho Liên Xô động cơ Nene, một "bước nhảy vọt" trong cuộc chạy đua máy bay chiến đấu phản lực từ giai đoạn đầu của Chiến tranh Lạnh.
Phim tài liệu về không chiến trong Chiến tranh Triều Tiên giữa F-86 và MiG-15.