Tự ti vì hôi miệng
Nguyễn Văn Mạnh, 23 tuổi, quê Nam Định luôn mặc cảm tự ti vì mùi hôi ở miệng của mình. Mạnh cho biết cậu thường xuyên đánh răng, nhai kẹo cao su nhưng vẫn không hết.
Mạnh rất tự ti trong giao tiếp, cậu không dám yêu ai vì ngồi gần ai cũng cảm giác miệng hôi khó chịu. Mặc dù Mạnh cũng không hút thuốc lá hay nghiên bia rượu gì.
Mạnh đi nội soi dạ dày vì sợ bị viêm dạ dày, nhưng bác sĩ chẩn đoán không phải do dạ dày nên cậu phải sống chung với chứng hôi miệng.
Bác sĩ giới thiệu Mạnh đi kiểm tra răng miệng. Thật bất ngờ khi bác sĩ nha khoa cho biết Mạnh bị viêm nha chu, viêm nướu. Thủ phạm chính là những mảng bám trên răng hay còn gọi cao răng.
Cao răng nguyên nhân gây hôi miệng
Các nha sĩ đã lấy cao răng, tẩy răng vệ sinh răng miệng cho Mạnh sạch sẽ. Một thời gian sau, cậu quay lại khám không còn hiện tượng hôi miệng và Mạnh cũng biết cách tự vệ sinh, chăm sóc răng miệng của mình hơn. Cậu thanh niên chia sẻ "chỉ đến gặp bác sĩ mới biết sức khoẻ răng miệng vô cùng quan trọng".
Trường hợp của chị Vũ Thị Hà – 31 tuổi, Hà Đông, Hà Nội không bị hôi miệng nhưng mỗi lần đánh chị đều bị chảy máu chân răng do viêm quanh răng. Chị Hà chỉ mua nước súc miệng về súc nhưng được một vài hôm lại bị chảy máu chân răng.
Khi đi khám bác sĩ phát hiện toàn bộ chân răng bị cao răng bủa vây gây ra tình trạng viêm quanh răng kéo dài.
Khi nào nên lấy cao răng?
TS. Bùi Việt Hùng - Khoa Răng miệng – Bệnh viện Trung ương quân đội 108 cho biết, sự hình thành cao răng diễn ra sau khi ăn khoảng 15 phút sẽ có một lớp màng mỏng bám trên bề mặt răng. Nếu màng này không được làm sạch, các vi khuẩn sẽ kéo đến và tích tụ ngày càng dày lên, gọi là mảng bám.
Những mảng bám đó tưởng chừng chỉ là cao rắn nhưng thực tế có một nghiên cứu cho thấy khoảng 70% trọng lượng mảng bám là vi khuẩn, tức trong mg mảng bám (bằng kích thước đầu tăm) chứa tới một tỉ vi khuẩn.
Khi mảng bám còn mềm, có thể làm sạch khỏi bề mặt răng bằng bàn chải hoặc chỉ nha khoa. Nhưng khi tồn tại lâu, mảng bám vôi hoá bởi hợp chất muối vô cơ trong nước bọt và cặn mềm sẽ trở nên cứng, bám rất chắc vào bề mặt răng hoặc dưới mép lợi, gọi là cao răng (vôi răng). Đến lúc này chỉ có bác sĩ mới có thể làm sạch bằng các dụng cụ chuyên dùng.
Bác sĩ Hùng cho biết cao răng có thể dẫn đến các bệnh như viêm lợi với các biểu hiện đánh răng chảy máu, miệng có mùi hôi. Cao răng cũng có thể gây viêm nha chu dẫn đến tiêu xương làm răng bị đau, ê buốt khi ăn uống, nặng hơn có thể gây lung lay và rụng răng.
Ngoài ra, cao răng còn gây ra viêm tủy ngược dòng. Vi khuẩn trong mảng cao răng cũng là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh ở niêm mạc miệng (viêm niêm mạc miệng, áp-tơ mà dân gian vẫn gọi là bệnh lở miệng), bệnh ở vùng mũi họng (viêm amidan, viêm họng), bệnh tim mạch.
Nếu không lấy cao răng có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như độc tố của vi khuẩn trong mảng cao răng gây ra viêm. Từ phản ứng viêm này gây ra hiện tượng tiêu xương ở răng làm cho lợi mất chỗ bám dẫn đến càng ngày răng càng dài, để lộ ra vùng xương răng không được tổ chức quanh răng bảo vệ. Bệnh nhân sẽ thấy xuất hiện cảm giác ê buốt khó chịu.
Biến chứng thứ hai chiều dài chân răng là không thay đổi, nên khi xương càng tiêu nhiều thì độ dài chân răng nằm trong xương càng ngắn lại dẫn đến răng lung lay. Khi đó, quá trình tiêu xương càng diễn ra nhanh hơn.
Biến chứng nữa là tiêu xương sinh lý là quá trình không thể tránh khỏi theo thời gian và việc làm cho xương không bị tiêu là một việc không tưởng. Do đó, duy trì xương ở mức độ ổn định và vô cùng quan trọng.
Vì thế, bác sĩ Hùng khuyến cao răng cần được lấy sạch. Tốt nhất nên kiểm tra các mảng bám răng định kỳ 3 – 6 tháng/lần, không cần phải có cao răng mới đi lấy vì khi cao răng hình thành thì đã gây ra tổn thương và để lại hậu quả.