Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, dự báo đêm nay (23/3), do ảnh hưởng của hội tụ gió trên cao nên các tỉnh Bắc Bộ đón một đợt mưa rào và dông trên diện rộng, riêng các tỉnh trung du và vùng núi phía Bắc có khả năng xảy ra mưa to đến rất to, nguy cơ cao xuất hiện mưa đá, lốc sét. Đợt mưa này có thể kéo dài hết đêm thứ Tư (25/3).
Mưa to tập trung vào chiều tối, đêm và sáng sớm. Từ ngày 26-27/3 miền Bắc có nắng, riêng các tỉnh Tây Bắc có nắng nóng.
Tuy nhiên, khoảng 28/3, một đợt không khí lạnh kết hợp hội tụ gió trên cao khiến các tỉnh Bắc Bộ đón thêm đợt mưa rào và dông diện rộng, kèm theo đó là khả năng xảy ra mưa đá, lốc sét và gió giật mạnh.
Hai đợt mưa dông này cũng lan rộng ra các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và có thể lặp lại kịch bản của 2 đợt mưa dông xảy ra vào 2-3/3 và 17/3 khiến nhiều tỉnh miền núi mưa đá trắng xóa như Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, riêng Hà Nội chiều 3/3 xuất hiện mưa kỷ lục trong 50 năm.
Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định từ nay đến 20/4, các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có thể đón từ 3-5 đợt không khí lạnh.
Do miền Bắc đã qua thời kỳ chính đông nên các đợt không khí lạnh khá yếu, không gây rét sâu mà chủ yếu gây mưa dông diện rộng.
Do đang trong thời kỳ giao mùa, các đợt không khí lạnh về thường gây ra sự giao tranh giữa các khối khí dẫn đến nhiều hiện tượng thời tiết cực đoạn như lốc tố, mưa đá.
Nam Bộ nắng nóng kéo dài
Trong khi đó, dự báo từ nay đến hết tháng 3, khu vực Nam Bộ tiếp tục duy trì tình trạng ít mưa, ngày nắng, các tỉnh miền Đông Nam Bộ có nắng nóng diện rộng với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-37 độ, miền Tây Nam Bộ nhiệt độ phổ biến từ 32-34 độ, cục bộ có nơi xuất hiện nắng nóng.
Độ ẩm trưa chiều giảm khá thấp, chủ yếu dao động chính trong khoảng từ 45-55%.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, trong đầu tuần này, xâm nhập mặn có xu thế tăng nhẹ ở ĐBSCL, độ mặn cao nhất trong đợt này ở mức thấp hơn độ mặn thời kỳ 11-20/3, riêng độ mặn một số trạm Long An, Cà Mau duy trì ở mức cao, xấp xỉ và cao hơn tuần trước.
Chiều sâu ranh mặn 4g/l trong thời kỳ này trên sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây khoảng 85-110km, sông Cửa Tiểu, Cửa Đại khoảng 52-60km, sông Hàm Luông 73-78km, sông Cổ Chiên, sông Hậu 45-55km, sông Cái Lớn 43-52km.
Từ ngày 1-5/4, xâm nhập mặn ở ĐBSCL tiếp tục giảm dần. Tuy nhiên, tình hình xâm nhập mặn vẫn diễn biến phức tạp. Từ nay đến tháng 5, dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Kông về ĐBSCL ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 5-20%.
Xâm nhập mặn ở cửa sông Cửu Long có xu thế giảm dần nhưng vẫn ở mức cao đến cuối tháng 3. Riêng các sông Vàm Cỏ (Long An), Cái Lớn (Kiên Giang), vùng bán đảo Cà Mau khả năng xâm nhập mặn sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao đến cuối tháng 4, đầu tháng 5, sau đó mới giảm dần.
Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định từ nay đến 20/4, các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có thể đón từ 3-5 đợt không khí lạnh.
Do miền Bắc đã qua thời kỳ chính đông nên các đợt không khí lạnh khá yếu, không gây rét sâu mà chủ yếu gây mưa dông diện rộng.
Do đang trong thời kỳ giao mùa, các đợt không khí lạnh về thường gây ra sự giao tranh giữa các khối khí dẫn đến nhiều hiện tượng thời tiết cực đoạn như lốc tố, mưa đá.