Mệt mỏi vì "vuốt ve" Mỹ không thành, Thổ Nhĩ Kỳ quyết "dùng chiêu" mạnh nhất để bảo vệ S-400

Mạnh Kiên |

Sau quá nhiều vòng đấu mệt mỏi, Thổ Nhĩ Kỳ hiểu rằng việc vừa mua S-400 vừa cố gắng xoa dịu Mỹ là một mục tiêu không thể. Điều này khiến Ankara hiểu rằng họ cần phải hành động cứng rắn.

Mệt mỏi vì vuốt ve Mỹ không thành, Thổ Nhĩ Kỳ quyết dùng chiêu mạnh nhất để bảo vệ S-400 - Ảnh 1.

Không chỉ mất căn cứ ở Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ còn mất rất nhiều thứ một khi dồn ép Ankara đến đường cùng.

Khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đe dọa đóng cửa một căn cứ không quân quan trọng đang được Mỹ sử dụng, ông không có vẻ gì là đang nói đùa và Washington nên có các biện pháp phản ứng cần thiết nếu không muốn mất một đồng minh NATO quan trọng, các nhà phân tích nói với RT.

Hôm 15/12, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa cảnh báo căn cứ không quân Incirlik - trung tâm đóng quân quan trọng của lực lượng Mỹ và NATO ở Trung Đông - có thể đóng cửa nếu Mỹ vẫn quyết tâm trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì thương vụ S-400.

Incirlik không phải là một cơ sở loại nhỏ mà Mỹ vẫn sử dụng cho các nhiệm vụ bay không người lái ở Châu Phi. Nó là một căn cứ khổng lồ ở Adana, một thành phố với 1,7 triệu dân.

Khu vực này chỉ cách biên giới Syria 250km, gần 5.000 phi công Mỹ đang đóng quân, cũng như hiện diện bởi hàng trăm phi công Thổ Nhĩ Kỳ. Hơn 50 nhà chứa máy bay đang được Mỹ sử dụng, bên cạnh 50 vũ khí hạt nhân.

Tổng thống Erdogan cũng đe dọa đóng cửa Trạm radar Kurecik, một cơ sở biệt lập ở phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, thực hiện một chức năng quan trọng là cảnh báo sớm chống lại các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo.

Lời đe dọa của Tổng thống Erdogan là nghiêm trọng, nhưng không bất ngờ. Nó đánh dấu cho vòng đấu ngoại giao mới nhất đang diễn ra giữa Washington và Ankara.

Đối với Mỹ, cái giá phải trả trong cuộc đấu này là rất lớn. Nếu Quốc hội Mỹ đẩy mạnh việc trả đũa chống lại Ankara, Washington sẽ tự mình thiêu đốt sợi dây kết nối với đồng minh NATO và đẩy chính quyền Erdogan đến gần hơn với các nước trong khu vực như Nga và Iran.

Đừng thách thức Thổ Nhĩ Kỳ

Bất kể quyết định cuối cùng của Washington như thế nào, sẽ là không khôn ngoan khi thách thức một kẻ mạnh như Thổ Nhĩ Kỳ, Yusuf Erim, nhà phân tích chính trị tại TRT World, nói với RT.

"Erdogan luôn làm theo những gì ông ấy nói và chúng ta cần cẩn trọng từng từ một. Nếu Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ, nó sẽ mang lại hiệu ứng boomerang và hành động của Quốc hội có thể khiến Mỹ phải trả giá cho hai căn cứ chính ở Thổ Nhĩ Kỳ", nhà phân tích Erim nêu quan điểm.

Những quyết định trước đây của Tổng thống Erdogan đã cho thấy ông hoàn toàn có thể làm được những gì mình đã nói ra.

Cùng với việc bất đồng với Tổng thống Erdogan về thương vụ S-400 và lời đe dọa đóng cửa hai căn cứ quan trọng, Washington luôn mâu thuẫn với chính mình về làm cách nào để đối phó với nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ vốn nổi tiếng khôn ngoan.

Mệt mỏi vì vuốt ve Mỹ không thành, Thổ Nhĩ Kỳ quyết dùng chiêu mạnh nhất để bảo vệ S-400 - Ảnh 3.

Sự đồng điệu của Tổng thống Trump không đủ giúp Tổng thống Erdogan thoát khỏi trừng phạt.

Ngoài việc xem xét các biện pháp trừng phạt nhắm vào việc mua hệ thống S-400 của Ankara, Thượng viện Mỹ đã thông qua một nghị quyết nhạy cảm vào tuần trước, công nhận tội ác diệt chủng người Armenia, cáo buộc đế chế Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ đã giết chết khoảng 1,5 triệu người vào đầu thế kỷ 20.

Quan điểm chính thức của Ankara là không có tội ác diệt chủng nào diễn ra, và bất kỳ thương vong nào thời kỳ đó cũng là một phần thuộc về chiến tranh thế giới thứ nhất.

Động thái này đã khiến Tổng thống Erdogan càng thêm phần tức giận đối với Mỹ. Bước đi mới của Quốc hội Mỹ đã được thông qua mà không có sự góp ý của Tổng thống Trump, người đã áp dụng cách tiếp cận dung hòa hơn với Ankara.

Giáo sư Hüseyin Bagci từ Đại học Kỹ thuật Trung Đông ở Ankara, lưu ý rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang tiếp nhận các tín hiệu lẫn lộn từ Washington, điều làm trầm trọng thêm quan hệ song phương vốn đã căng thẳng.

"Chúng ta cần phân biệt giữa các thể chế Mỹ và Tổng thống Mỹ. Ông Trump rất đồng điệu với ông Erdogan. Nhưng các cơ quan của Mỹ lại đi theo cách tiếp cận khác nhau, bao gồm Quốc hội, cũng như Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao", ông nói.

Mặc dù giai điệu phát ra từ Washington có thể được mô tả là hỗn loạn, nhưng tất cả các nhóm chính trị liên quan ở Mỹ đều hiểu rằng việc mất đi Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không nằm trong lợi ích tốt nhất cho nước Mỹ, Giáo sư Bağci nhận định.

Thổ Nhĩ Kỳ mệt mỏi vì cố gắng cân bằng?

Trò chơi đuổi bắt giữa Washington và Ankara đã làm nổi bật mối quan hệ đầy biến động giữa hai nước, theo Valeria Giannotta, một học giả người Ý tại Đại học Liên minh Hàng không Thổ Nhĩ Kỳ ở Ankara.

"Đấu tay đôi với Washington không phải là điều gì mới, chúng tôi đã chứng kiến ​​điều này lên xuống trong mối quan hệ song phương suốt một thời gian dài", ông Giannotta nói với RT, nhắc lại sự ủng hộ của Mỹ đối với người Kurd ở Syria, cũng như việc Mỹ từ chối dẫn độ giáo sĩ Fetullah Gulen – người bị cáo buộc đứng sau cuộc đảo chính thất bại ở Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016.

Ngay cả khi quân đội Mỹ vẫn hiện diện ở Incirlik, hai nước dường như đang xa cách nhau trong các vấn đề chính sách đối ngoại quan trọng. Chẳng hạn, Ankara có mối quan hệ đặc biệt với Iran và xem nước này là một đối tác kinh tế - điều đi ngược lại với Mỹ.

Sau khi ký thỏa thuận S-400 với Moscow, Thổ Nhĩ Kỳ giờ đây nhận ra rằng, việc họ theo đuổi lợi ích bản thân, đồng thời cố gắng xoa dịu Washington gần như là mục tiêu quá sức và khó có thể thực hiện.

Nếu Mỹ không cẩn thận, cuộc đối đầu với Tổng thống Erdogan có thể sẽ phá vỡ một liên minh kéo dài hàng thập kỷ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại