Mèo và phụ nữ

Phạm Xuân Nguyên |

Từ xa xưa, trong văn hóa của nhiều dân tộc trên thế giới, mèo đã được coi là tính nữ, phân biệt với chó là tính nam.

Mèo và phụ nữ - Ảnh 1.

Minh họa: Lan Hoàng

Người Ai Cập cổ đại coi mèo là hóa thân của nữ thần Bastet, ân nhân và là người bảo trợ cho con người. Nữ thần này, vừa dương vừa âm, chủ về khả năng sinh sản, sự chữa bệnh và những thú vui của cuộc sống: sự yên tĩnh, âm nhạc, khiêu vũ, tình đoàn kết, tình mẫu tử và tình yêu. Trong thần thoại vùng Scandinavia, mèo được gắn với nữ thần tình yêu Freyja lái một cỗ xe do mèo kéo. Có lẽ vì thế mà trong ngôn ngữ của một số nước phương Tây từ chỉ mèo cũng là để chỉ bộ phận sinh dục của nữ giới (“chatte”, “minou” tiếng Pháp, “pussy” và “kitty” tiếng Anh).

Quan sát trong thực tế người ta cũng thấy mèo thích gần gũi với phụ nữ hơn nam giới do phụ nữ dường như tương tác với mèo nhiều hơn, từ đó tạo ra một mối quan hệ mãnh liệt hơn. Giới tính nữ và mèo của họ có ảnh hưởng rất nhiều đến nhau. Vì sao lại thế? Người phụ nữ, dịu dàng và biểu cảm hơn, tự nhiên có xu hướng thể hiện tình cảm của mình bằng những cái vuốt ve.

Họ cũng sẽ nhạy bén hơn để làm những cử chỉ có thể xoa dịu sự căng thẳng của con vật một cách tự nhiên. Mối quan hệ đặc quyền này cũng còn là do sự hiện diện thường xuyên của người phụ nữ trong gia đình.

Ngay cả quan niệm về tính hai mặt cũng phổ biến với phụ nữ và mèo: được coi là đáng yêu hay ghê gớm, như thiên thần hay như cám dỗ và ma thuật, như hình ảnh dịu dàng hay hung dữ, như mong manh hay mạnh mẽ hoang dã. Người phụ nữ và con mèo luôn là một bí ẩn gắn liền với ẩn số và nhục cảm trong trí tưởng tượng của đàn ông.

Đã có nhiều câu nói hay về mèo và phụ nữ trong tương quan với nhau. Ngạn ngữ Pháp nói: “Phụ nữ và mèo ở trong nhà, đàn ông và chó ở ngoài nhà”. Ngạn ngữ Tây Ban Nha nói: “Tình yêu của người phụ nữ và sự vuốt ve của con mèo kéo dài chừng nào họ còn được trao đi”. Sigmund Freud nhận thấy: “Mèo, phụ nữ và các tội phạm lớn đều có điểm chung này, họ đại diện cho một lý tưởng không thể đạt được và khả năng yêu bản thân, khiến họ trở nên hấp dẫn đối với chúng ta”.

Noah Richard cho rằng: “Con mèo giống như người phụ nữ đánh dấu lãnh thổ của mình bằng móng vuốt trên lưng bạn, nhưng không giống như con mèo, người phụ nữ cũng làm điều đó trong trái tim của bạn!”. Còn John Heywood chỉ ra: “Phụ nữ cũng giống như mèo, có chín vía”.

Văn học với lối chơi chữ, khả năng diễn giải kép, so sánh và ẩn dụ của nó, cho phép khám phá mối liên hệ mang tính biểu tượng giữa phụ nữ và con mèo.

Nhà viết truyện ngụ ngôn nổi tiếng của Pháp là La Fontaine có một truyện mang tên “Con mèo biến thành phụ nữ”. Truyện kể một anh chàng nuôi một con mèo và đã dùng phép thuật biến nó thành một cô gái. Phép thuật thành công và anh ta đã yêu say đắm cô gái từ mèo biến thành đó. Nhưng dù đã thành cô gái thì “mèo vẫn hoàn mèo”, cô không thể cưỡng lại sự cám dỗ của bản năng bắt chuột. Một đêm, lợi dụng việc lũ chuột tưởng mình là người chứ không phải mèo, cô đã rình rập chúng để săn mồi.

Câu truyện của La Fontaine có nguồn gốc từ truyện ngụ ngôn Con mèo và thần Vệ Nữ” của Aesop. Một chàng trai trẻ yêu một con mèo và cầu nguyện thần Vệ Nữ biến mèo thành cô gái. Nữ thần đồng ý nhưng đã thử thách cô gái bằng cách khiến một con chuột xuất hiện trong phòng. Bài học của câu truyện ngụ ngôn này là chẳng ích gì khi cố gắng thay đổi tính cách của một người nào đó, bởi vì, ngay từ cơ hội đầu tiên, dấu vết về tính cách thực sự của họ sẽ xuất hiện.

Charles Baudelaire (1821–1867), nhà thơ tượng trưng Pháp nổi tiếng, đã viết ba bài thơ về mèo trong tập thơ “Hoa xấu” (Les Fleurs du Mal). Trong đó liên quan đến mèo và phụ nữ là bài này, thường được gọi là bài “Con mèo” (1).

Hãy đến, mèo đẹp của ta ơi, với trái tim yêu đương

của ta

Hãy thu móng vuốt chân

mi lại

Hãy để ta chìm vào trong cặp mắt đẹp của mi

Cặp mắt trộn lẫn ánh kim và ngọc quý

Khi những ngón tay ta nhàn rỗi vuốt ve

Cái đầu mi và cái lưng mi mềm mại

Và khi bàn tay ta thích thú say sưa

Sờ nắn tấm thân mi như có dòng điện chạy

Ta thấy hình bóng vợ ta hiện về trong tâm tưởng. Cái nhìn của nàng

Như của mi, mèo yêu quý ơi

Sắc và lạnh, cắt và xé như một mũi lao

Và từ gót chân cho tới

đỉnh đầu

Một làn khí nhẹ, một mùi hương độc

Bồng bềnh quanh tấm thân nâu của nàng.

(PXN dịch từ tiếng Pháp)

Đây là bài thơ theo thể sonnet gồm hai khổ đầu bốn câu và hai khổ sau ba câu. Ở khổ bốn câu đầu tiên Baudelaire mô tả con mèo và thái độ của mình đối với nó. Đó là con mèo mà ông dùng đại từ sở hữu để nói nó là của ông. Nó có cặp mắt “trộn lẫn ánh kim và mã não” (mã não là một thứ đá quý) – một ẩn dụ về vẻ đẹp duy nhất và đáng quý của cặp mắt mèo. Nhưng cái từ “ánh kim” ở đây cũng đã cho thấy có cái gì đó lạnh lẽo, độc ác trong cái nhìn của con mèo. Điều này nhà thơ sẽ nói tới ở đoạn sau khi so sánh nó với cái nhìn của người phụ nữ vợ ông.

Ông yêu quý nó, muốn gần gũi nó, muốn có tình cảm với nó, thể hiện qua các mệnh lệnh thức sai khiến “hãy đến”, “hãy để ta”. Ông muốn được hợp nhất với con mèo như thể hiện trong câu “hãy để ta chìm vào trong cặp mắt đẹp của mi”. Và trên hết ông muốn vuốt ve nó. Khổ thơ bốn câu thứ hai mô tả việc đó bằng cấu trúc song song (2 nhóm 2 câu). Ở đây những từ chỉ cơ thể nhà thơ (“những ngón tay”, “bàn tay”) hoà lẫn với những từ chỉ cơ thể mèo (“cái đầu”, “cái lưng”, “tấm thân”) cũng là để nói lên sự hợp nhất giữa nhà thơ và con vật.

Hai khổ ba câu tiếp theo Baudelaire liên hệ tới phụ nữ, cụ thể là vợ ông, khi ông vuốt ve con mèo. Thực ra ngay từ câu đầu vào bài, khi gọi con mèo đến với trái tim yêu đương của mình, nhà thơ đã rõ ý gắn kết con mèo với người nữ. Ông thấy phụ nữ cũng như là mèo. Ông so sánh cái nhìn của vợ mình giống như cái nhìn của con mèo. Ở đoạn trên ông đã nói cặp mắt mèo vừa đẹp (như mã não) vừa sắc lạnh (như ánh kim) qua cách nói ẩn dụ. Đến đây ông so sánh rõ ràng mắt phụ nữ cũng như mắt mèo là “sắc và lạnh, cắt và xé như một mũi lao”. Đó là một mối đe doạ.

Phân tích về mặt ngôn ngữ càng thấy rõ hơn, Trong nguyên bản tiếng Pháp của bài thơ, từ “regard” (cái nhìn) vần với “dard” (mũi lao), sự hiệp vần như thế cho thấy sự nguy hiểm của phụ nữ. Thêm nữa, con người và con vật hoán đổi nhau: phụ nữ bị động vật hoá vì “mũi lao” vốn là để nói tới các con vật; ngược lại, con mèo được nhân hoá.

Baudelaire còn tăng mạnh mối đe doạ của mèo (và phụ nữ) ở khổ ba câu cuối: không chỉ là từ cái nhìn “sắc và lạnh, cắt và xé như mũi lao”, mà còn từ khứu giác “làn khí nhẹ, mùi hương độc”. Câu thơ này viết theo lối đối ngẫu tréo với sự tăng dần mối đe doạ: “nhẹ” thành “doạ dẫm”, “làn khí” thành “mùi hương”.

Trong thơ Việt Nam, nhà thơ Nguyên Sa (1932–1998) có một khổ thơ nổi tiếng khi dùng cả mèo, chó và cá để ví với người yêu đang buồn.

Hôm nay Nga buồn như con chó ốm

Như con mèo ngái ngủ trên tay anh

Đôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình

Để anh giận sao chả là nước biển.

Có một vế đối ra cách đây đúng một giáp (Tân Mão, 2011) vẫn chưa ai đối được. Nó khó vì ra đúng năm Mèo, lại chơi chữ đồng âm, lại vừa hiện đại thời máy tính vừa truyền thống một thuở gọi người tình nhân, bồ bịch là “mèo”. Vế đối ra ấy thế này: “Năm Mèo bấm Chuột gửi Meo cho Mèo”.

Ngày xuân mời hải nội chư quân tử cùng đối để thấy mèo và phụ nữ gần nhau thế nào.

Hà Nội, ngày đầu tháng Chạp Nhâm Dần 2022

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại