Mẹo nấu xôi vừa thơm, vừa dẻo cho ngày Rằm tháng 7

Quỳnh Chi |

Chỉ cần một vài mẹo nhỏ dưới đây là bạn đã có ngay món xôi thơm ngon cho mâm cỗ cúng Rằm tháng 7.

Mẹo nấu xôi vừa thơm, vừa dẻo cho ngày Rằm tháng 7 - Ảnh 1.

- Chọn gạo và ngâm gạo

Gạo nếp quyết định 70% độ ngon của xôi. Vì vậy, bạn nên chọn loại nếp có màu trắng đục, hạt đều, căng bóng. Nhai thử vài hạt để chọn gạo có vị ngọt tự nhiên, thơm mùi lúa mới.

Xôi được nấu chín bằng hơi nước. Chính vì thế, việc ngâm gạo nếp đúng thời điểm sẽ giúp hạt xôi dẻo thơm. 

Tùy theo tính chất hạt gạo, bạn nên ngâm chúng với nước từ 6 đến 8 tiếng là vừa đủ. Nếu ngâm lâu hơn, hạt gạo sẽ bị chua và khi nấu sẽ bở nát mất ngon.

Lúc ngâm bạn nhớ cho thêm một ít muối. Muối sẽ giúp khử mùi và tạo hương vị đậm đà khi xôi chín tới.

- Canh nhiệt độ

Khi nấu, bạn nên chú ý đến tốc độ cháy của lửa. Bạn cho nước vào nồi nấu xôi trước, đợi khi nhiệt độ sôi tăng cao mới bắt đầu đặt chõ lên hấp. 

Lúc này, nên giữ nhiệt độ ổn định vì nếu tăng cao dễ khiến xôi bị cháy khét còn quá nhỏ sẽ làm xôi bị nhão.

Thời gian hấp xôi chuẩn là từ 30 đến 40 phút. Để có nồi xôi ngon đúng điệu, cứ 10 phút bạn mở nắp một lần để lau khô hơi nước trong nồi là được.

Mẹo nấu xôi vừa thơm, vừa dẻo cho ngày Rằm tháng 7 - Ảnh 2.

- Canh lượng nước đúng chuẩn

Xôi dẻo, khê hay sống phụ thuộc khá lớn vào phần nước. Theo đó, lượng nước đổ dưới nồi hấp chỉ nên chiếm khoảng 1/3 dung tích nồi.

Cách này giúp lượng nước vừa đủ độ để làm mềm hạt xôi nhưng không quá nhão và nát gây mất thẩm mỹ. Nếu chưa biết cách thực hiện, bạn nên học hỏi mẹo này.

Theo đó, khi cho nước vào bạn nên cho vào nồi và đặt lên mặt nước một chiếc đĩa sứ, khi nồi nước có tiếng kêu lạch cạch, đó là dấu hiệu cạn nước, đáy đĩa chạm vào nồi. Lúc này, nếu xôi chưa chín, bạn cần cho thêm nước.

- Cho nếp vào nồi đúng cách

Khi nấu một nồi xôi to thường bị các lỗi cơ bản như nhão lớp giữa, khô lớp trên và khê phần đáy. Điều đó một phần do bạn để lửa không đều, phần khác đến từ việc bạn không tạo độ thông thoáng nhất định cho hạt nếp.

Để hạn chế tình trạng này, khi nấu xôi bạn hãy dùng tay bốc từng nắm gạo nếp cho vào nồi thay vì đổ cả thau vào như thông thường. 

Cách này giúp hạt nếp được rải đều, không bị chèn vào nhau gây “bí thở”. Chúng giúp không khí được lưu thông đều khắp nồi xôi tạo ra hơi chín tỏa khắp không gian nồi hấp.

Bạn có thể vun xôi vào giữa chõ và để hở xung quanh hoặc có thể dàn đều khắp mặt chõ rồi lấy đũa chọc 3-4 lỗ to cho lưu thông không khí.

Mẹo nấu xôi vừa thơm, vừa dẻo cho ngày Rằm tháng 7 - Ảnh 3.

- Thời gian xôi chín

Tùy theo từng loại gạo, bạn phải đun từ 30– 40 phút. Cứ 10 phút bạn lại mở nắp để lau khô hơi nước ở nắp nồi và đảo đều gạo để xôi chín và ráo nước. Kiểm tra bằng cách lấy hạt gạo lên miết thử, nếu mềm và dẻo là xôi đã chín.

- Chữa xôi bị khô, sống

Bạn vẩy thêm nước lên mặt xôi sau đó phủ một chiếc khăn đã nhúng đẫm nước lên, đậy nắp kín và tiếp tục hấp chín. Tiếp tục vẩy thêm nước nếu xôi vẫn còn sống.

- Tạo màu cho xôi

Các món xôi màu xanh, màu vàng, màu tím được tạo màu từ các nguyên liệu tự nhiên như màu xanh của lá dứa, màu vàng của nghệ, màu tím của nếp cẩm… 

Để xôi có màu sắc đẹp, bạn giã các loại lá, củ, vắt lấy nước và ngâm cùng gạo nếp từ 6–8 giờ.

- Lưu ý khi nấu xôi đỗ

Khi nấu xôi với các loại đỗ xanh, đỗ đen… bạn cần ngâm đỗ trước 6 giờ để đỗ nở. Trước khi nấu, cho đỗ vào gạo, xóc nhiều lần nhằm trộn đều để giúp xôi tơi và không nát.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại