Năm hết, Tết đến, bên cạnh việc mua sắm, sửa sang, trang trí lại nhà cửa, cây cảnh… thì những bữa tiệc sum họp gia đình trong những ngày Tết là không thể thiếu.
Lúc này nhu cầu mua sắm các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thức ăn sẵn hay hoa quả, bánh kẹo tăng lên đột biến, thực phẩm kém chất lượng có cơ hội len lỏi vào mâm cơm, bàn tiệc của mỗi gia đình.
Bác sĩ CKI Trần Thị Minh Nguyệt (PCT HĐQT NutiFood) đã đưa ra một số mẹo nhỏ giúp cho bạn trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn cho Tết Mậu Tuất của gia đình bạn!
1.Thịt
Trước tiên, nên tìm chọn mua sản phẩm tại cửa hàng, quầy sạp có điều kiện đảm bảo an toàn theo quy định vệ sinh thú y như bàn, giá treo hợp vệ sinh. Sản phẩm phải được kiểm tra và chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật.
Chọn thịt có màu đỏ tươi hoặc đỏ sẫm....ẢNH: INTERNET
Chọn thịt có màu sắc đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, vết cắt có màu sắc bình thường, sáng, khô, có độ rắn chắc, đàn hồi cao, lấy ngón tay ấn vào thịt, không để lại vết lõm khi bỏ ngón tay ra và không bị dính.
Tránh mua thịt có màu hơi xanh nhạt hoặc hơi thâm, thậm chí đen, không bóng, màng ngoài nhớt. Với gia cầm, chọn con có màu sắc tự nhiên, từ trắng ngà đến vàng tươi, mắt sáng.
Thịt gia cầm hỏng có màu vàng thẫm, vàng tím hoặc vàng tối sẫm, mắt vẩn đục, nhắm nghiền. Không mua sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc.
2. Rau, quả
Không mua rau quả đã héo úa, dập nát hay có mùi lạ, có hình dạng bất thường như quá mập, quá phồng, hoặc dính các hạt bụi nhỏ.
Khi sử dụng, cần nhặt tách riêng từng lá và cọng rau, ngâm ngập trong nước sạch 15-20 phút để hòa tan thuốc bảo vệ thực vật (nếu có). Sau đó, ngâm rau trong dung dịch nước muối, rửa trôi 2-3 lần dưới vòi nước chảy.
Nếu là quả thì nên rửa sạch, gọt bỏ vỏ, loại những quả dập nát.
3. Thực phẩm đóng gói, đóng hộp
Thực phẩm đóng gói, đóng hộp như lạp xưởng, xúc xích, bánh mứt, nước đóng chai, các loại gia vị... nên chọn những loại có nhãn mác, nhà sản xuất có uy tín, còn hạn dùng, nên đọc kỹ thành phần dinh dưỡng trên bao bì sản phẩm để chọn lựa những sản phẩm tốt cho sức khỏe.
Không chọn hộp có nắp bị phình ra gõ vào tiếng kêu bịch bịch.
4. Thực phẩm đã nấu chín
Ngoài ra, theo Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe TP. Hồ Chí Minh khuyến cáo:
Những thực phẩm đã chế biến nên ăn ngay, không nên để thức ăn đã nấu chín trong môi trường nhiệt độ thường quá 2 giờ đồng hồ.
Những thức ăn còn dư sau bữa ăn nên đun nóng lại, để nguội rồi mới để vào trong ngăn mát tủ lạnh. Khi ăn phải nấu chín lại thức ăn trước khi dùng vì nhiệt độ trong tủ lạnh chỉ có tác dụng hạn chế vi khuẩn phát triển mà không thể tiêu diệt được nó.
Bảo quản thực phẩm đã nấu chín đúng cách để tránh ngộ độc thực phẩm. ẢNH: INTERNET
Thức ăn bảo quản trong ngăn mát thường chỉ sử dụng trong vòng 5-7 ngày. Nếu ăn còn dư để lại thì chỉ nên dùng thêm 1 ngày.
Thức ăn sống và chín nên được để riêng biệt để tránh nhiễm khuẩn chéo. Thức ăn sống cũng cần sơ chế sạch sẽ, để bảo hộp kín hoặc bao chuyên dụng và bỏ chỗ dập nát trước khi cho vào tủ và.
Với ngăn đông, thức ăn phải được sơ chế sạch sẽ rồi mới cấp đông.
Thực phẩm có thể dự trữ khoảng 2 tháng, song cần lưu ý sau khi rã đông thì nên chế biến hết chứ không nên cấp đông trở lại vì các tinh thể nước tan ra đã làm vỡ màng các tế bào và thực phẩm rất dễ bị hư hỏng nếu để trở lại.
Tuy nhiên, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh cũng đã nhận định rằng: “Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh chỉ là cách kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn.
Làm cho quá trình sinh sôi phát triển của chúng bị chậm lại chứ không thể giết chết được vi khuẩn”. Vì thế thức ăn bị nhiễm vi khuẩn, để lâu trong tủ lạnh vẫn sinh ra độc tố, dễ gây ngộ độc thực phẩm.
Do đó nên bảo quản thực phẩm đúng cách, không nên dự trữ quá nhiều đồ ăn ngày tết.