Gián là một trong những loài côn trùng gây hại phiền phức và khó chịu trong ngôi nhà của chúng ta. Bạn thường có thể tìm thấy chúng ở những nơi tối tăm, không hợp vệ sinh như các vết nứt và kẽ hở trên gờ cửa sổ, dưới bồn rửa, trong cống rãnh và tủ bếp mà nếu cứ mặc kệ chúng thì gián sẽ sản sinh rất nhanh.
Thay vì mua những bình xịt côn trùng chứa nhiều chất độc hại với cả con người, bạn có thể áp dụng cách bẫy gián từ chai nhựa đã bỏ đi vô cùng hiệu quả và tiết kiệm theo cách của chị Phạm Thị Huyền Thương (hiện đang sinh sống ở Thành phố Thái Nguyên) đã thủ nghiệm, áp dụng trong khoảng 2 tháng vừa qua.
"Mỗi tối mình đều đặt bẫy cho đến khi nào không thấy con nào nữa. Bên cạnh đó, mình cũng kết hợp tìm ra nguyên nhân gỗ rễ tại sao có nhiều gián thế để loại bỏ được hiệu quả hơn.
Cách bẫy gián này mình biết tới là nhờ anh xã nhà mình xem trên mạng và bày lại cho mình làm. Có hôm bẫy được nhiều được ít tuy theo tỉ lệ dung dịch." - Huyền Thương nói.
Mẹo bẫy gián bằng vỏ chai nhựa đã bỏ đi
* Nguyên liệu:
- Một chai nhựa khoảng 1,5l hoặc vỏ chai nước muối sinh lý.
- Dao.
- Mật ong, dầu ăn hoặc mỡ lợn, đường.
Tận dụng chai nước muối sinh lí đã hết.
Bỏ nắp, cắt bỏ 2/3.
Cho mật ong, dầu ăn/mỡ lợn, đường vào thân chai.
Đậy ngược cái đầu chai vào thân.
Sau đó, bạn chỉ cần đặt nó vào góc tối chỗ gián hay làm tổ và khuất tầm mắt của trẻ con. Và đây là thành quả sau một đêm.
Dẫu vậy, việc sử dụng những bẫy gián như thế này chỉ tiêu diệt được những con gián lớn, không diệt được tận gốc tổ gián hay trứng gián.
Cũng theo chị Huyền, nếu cho đường nhiều hơn thì sẽ giúp làm tăng hiệu quả thêm nữa. Tuy nhiên, có 1 lưu ý là các bạn nên ghi chép lại để tìm ra được tỷ lệ chuẩn, phù hợp với số lượng gián và diện tích không gian nhà mình.
Nếu bạn cũng thấy cách này thú vị, hãy thử tự tay làm bẫy gián theo hướng dẫn trên để không còn có nỗi lo chiến đấu với "kẻ trú ẩn khó diệt" này nữa nhé!
Chúc các bạn thành công!