Gạo là món mồi ngon của sâu mọt. Một chút sơ suất trong việc bảo quản có thể khiến thùng gạo nhà bạn bị mọt tấn công. Đặc biệt là vào mùa mưa, không khí và môi trường ẩm ướt, gạo rất dễ bị mọt phá hoại; chúng đẻ trứng trong hạt gạo.
Gạo bị sâu mọt tấn công sẽ không còn giữ được hương vị thơm ngon tự nhiên và giảm đi giá trị dinh dưỡng.
Gạo bị mọt sẽ giảm giá trị dinh dưỡng và mất đi hương vị thơm ngon. Vì thế bạn cần biết cách bảo quản gạo không bị mọt. (Ảnh: Lupon)
Nhiều người cho rằng, gạo để lâu sẽ bị sâu mọt xâm nhập, tuy nhiên điều này không đúng. Thực chất trứng sâu gạo đã có từ khi chúng ta mua gạo về. Sau một thời gian, sâu mọt nở, chui ra ngoài ăn các hạt gạo làm gạo bị ải và khi đó ta mới nhìn thấy.
Gạo được bảo quản đúng cách sẽ lâu bị sâu mọt, dùng được nhiều ngày hơn, giữ được hương vị thơm ngon khi nấu cơm.
Mẹo bảo quản gạo không bị mọt
Với những mẹo hay dưới đây, bạn sẽ kéo dài được thời gian sử dụng của gạo.
Để thùng gạo ở nơi khô thoáng
Môi trường ẩm thấp là điều kiện lý tưởng để sâu mọt sinh sôi nhanh chóng. Do đó, cách bảo quản gạo không bị mọt tốt nhất là ngay từ khi mới mua về, bạn đã cần để nó ở những nơi khô thoáng, không đặt trực tiếp xuống nền đất và đặc biệt là không để gạo tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Khi không có điều kiện tốt để phát triển, sâu mọt sẽ không thể nhanh chóng làm hại thùng gạo của bạn.
Tuy nhiên, cách này chỉ áp dụng được với lượng gạo nhỏ. Vì vậy, bạn cần lưu ý chỉ nên mua gạo vừa đủ để phục vụ gia đình trong thời gian ngắn.
Chọn đúng vật đựng
Sau khi sàng sảy sạch sẽ, bạn có thể đổ gạo vào thùng đựng đã được diệt khuẩn. Có rất nhiều loại thùng đựng gạo được thiết kết nhỏ gọn, có thể đựng từ 10kg đến 40kg và rất tiện khi lấy gạo ra sử dụng.
Ngoài ra, do gạo có đặc tính khô, không chịu nước nên để bảo quản gạo không bị mọt và mốc, mất chất dinh dưỡng, bạn nên đựng trong lọ bằng thủy tinh có nắp kín hoặc nắp bằng kim loại. Có thể dùng những loại hộp dự trữ thực phẩm chuyên dụng được thiết kế đặc biệt với chiếc vòng cao su xung quanh nắp nhằm đảm bảo độ kín hơi.
Có thể chống sâu mọt bằng cách bảo quản gạo trong thùng kín (Ảnh: LoopMe Philippines)
Bảo quản gạo trong tủ lạnh
Nhiệt độ trong tủ lạnh được xem là điều kiện lý tưởng cho việc bảo quản gạo vì có thể tiêu diệt và ngăn ngừa mọt gạo hiệu quả.
Khi bạn cho gạo vào trong dụng cụ kín để bảo quản trong tủ lạnh, chất lượng gạo sẽ không bị biến đổi và gạo khó nhiễm các mùi khác.
Tuy nhiên, tủ lạnh của nhiều gia đình có kích thước không quá lớn nên lượng gạo có thể bảo quản khá ít. Hơn nữa, sẽ rất khó để cho thùng đựng gạo vào. Vì vậy, bạn nên chia nhỏ lượng gạo mình có bằng túi zip rồi để vào tủ lạnh.
Dùng tỏi
Trong tỏi có chất allicin, một loại “penicillin tự nhiên” có thể tiêu diệt vi khuẩn và ngăn ngừa nấm mốc phát triển. Tỏi có vị cay, mùi hắc và có tác dụng đuổi côn trùng rõ rệt.
Bạn hãy lấy một ít tỏi cho vào thùng gạo, sau đó để nơi thoáng mát. Đây là mẹo bảo quản gạo không bị mọt hiệu quả.
(Ảnh: Lowyat)
Dùng rượu trắng trên 41 độ
Nhiều gia đình sử dụng thùng chuyên dụng đựng gạo. Nó tương đối kín nên không bị côn trùng bò vào. Tuy nhiên, nếu muốn gạo không bị sâu mọt xuất hiện, bạn mua một chai rượu trắng có nồng độ cao (trên 41 độ), mở nắp rồi vùi chai vào thùng gạo, cho miệng chai lộ ra cao hơn mặt gạo rồi đậy nắp thùng lại, để nơi thoáng mát.
Rượu rất dễ bay hơi, cũng có tác dụng khử trùng, diệt côn trùng, giúp gạo không bị nấm mốc, mọt gạo không xuất hiện.
Dùng tiêu
Tiêu là thuốc diệt nấm tự nhiên có mùi hắc, mọt gạo rất "ghét" mùi này. Bạn cần chuẩn bị một túi vải mỏng (hoặc khẩu trang 2 lớp cắt một đầu), cho tiêu vào, cột lại và vùi vào 4 góc thùng gạo, để nơi thoáng mát và thông gió. Gạo sẽ không bị sâu mọt tấn công.
Bảo quản gạo trong hộp kín
Hộp, thùng hoặc túi kín là những vật dụng mà bạn có thể sử dụng để bảo quản gạo không bị mọt. Ngoài việc tránh sâu mọt và ẩm mốc, đây cũng là cách kéo dài thời gian bảo quản rất tốt.
Tuy nhiên, nếu bảo quản gạo bằng túi thì bạn phải thường xuyên kiểm tra để đảm bảo rằng túi đựng không bị rách. Còn nếu bảo quản gạo bằng thùng kín, bạn không nên tái sử dụng thùng đựng sơn như cách nhiều gia đình vẫn làm, vì nó hoàn toàn không tốt cho sức khỏe. Thay vào đó, bạn có thể sử dụng thùng đựng gạo chuyên dụng.
Để tránh gạo bị mốc và mọt, bạn nên đặt gạo cách đất khoảng 20cm để được thoáng khí.
Cách xử lý gạo bị sâu mọt
Khi phát hiện gạo bị sâu mọt, bạn không nên mang đi phơi nắng. Sâu mọt rất sợ ánh sáng và chúng sẽ tìm cách để lẩn trốn chứ không chết. Việc phơi nắng cũng dễ khiến gạo bị khô và nát, ăn sẽ mất ngon.
Thay vào đó, bạn hãy sàng gạo nhẹ nhàng để những con mọt rơi xuống, sau đó đem gạo phơi ở nơi râm mát để số mọt còn lại tự giác rời đi. Khi kiểm tra và thấy số mọt đã hoàn toàn biến mất, hãy cho gạo vào thùng đã được rửa sạch, phơi khô, đồng thời áp dụng một trong những cách trên.
Nếu có quá nhiều mọt trong thùng gạo nghĩa là một lượng lớn gạo đã bị chúng ăn và phá huỷ. Lúc này, gạo sẽ không còn được ngon như ban đầu, không nên tiếp tục sử dụng.
Nguyệt Ánh (Tổng hợp)