Hiện nay, để điều trị các chứng rối loạn tiêu hóa, tùy trường hợp mà trong kê đơn của các bác sỹ có men tiêu hóa (Digestive enzymes) hoặc men vi sinh (Probiotics), đôi khi dùng cả hai loại.
Thực ra có nhiều người không quan tâm để ý, hoặc có tìm hiểu nhưng vẫn mù mờ nên nhầm lẫn cả về khái niệm lẫn tác dụng của hai loại chế phẩm này, dẫn đến sử dụng sai mục đích đôi khi gây hại cho sức khỏe.
Vậy men vi sinh và men tiêu hóa là gì, chúng khác nhau như thế nào, làm sao để hiểu đúng và sử dụng hiệu quả các chế phẩm này? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu ở bài viết dưới đây.
Men vi sinh
Trước hết phải nhấn mạnh rằng men vi sinh là những vi sinh vật còn sống [1], và bởi vì chúng có lợi cho cơ thể của chúng ta nên thường được gọi là các lợi khuẩn.
Các vi khuẩn có ích trong ruột lên men thức ăn, sản xuất các acid béo chuỗi ngắn (acid lactic, propionic và acid butyric), acid hóa đường ruột và ngăn ngừa sự phát triển của các vi khuẩn có hại, hạn chế nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, khắc phục tình trạng loạn khuẩn ruột, giúp cho hệ miễn dịch tại đường ruột tăng cường hoạt động.
Nhờ đó, đường ruột được khỏe mạnh để thực hiện tốt chức năng tiêu hóa và hấp thu thức ăn. Men vi sinh được chỉ định dùng sau khi sự cân bằng trong hệ vi khuẩn đường ruột bị đảo lộn dẫn đến rối loạn (thường gặp ở người bệnh vừa điều trị kháng sinh phổ rộng), biểu hiện ở việc đi ngoài phân sống, tiêu chảy, khó tiêu, trướng bụng,…
Men vi sinh (Probiotics) thường được phối hợp với Prebiotic để hỗ trợ và phát huy hiệu quả tốt hơn. Như đã đề cập ở trên, men vi sinh là các lợi khuẩn còn sống nên chúng cũng cần "thức ăn".
Chúng không những không tranh chấp dinh dưỡng với cơ thể chúng ta mà còn giúp tiêu hóa những thức ăn thừa như chất xơ tan trong nước (chủ yếu là các Oligosaccharides, cũng chính là các Prebiotic), cạnh tranh dinh dưỡng với các vi sinh vật gây bệnh, sản sinh ra một số chất quan trọng cho cơ thể như acid folic, các vitamin nhóm B.
Men tiêu hóa
Không giống với men vi sinh, bản chất của men tiêu hóa là các protein được tiết ra bởi các tuyến trong cơ thể, có tác dụng phân cắt các thành phần phức tạp trong thức ăn thành các đơn phân để cơ thể có thể hấp thu được.
Có bốn nhóm enzyme chính:
- Protease và peptidase: Phân cắt protein thành các chuỗi peptide và các acid amin.
- Amylase: Biến đổi các Carbonhydrate (tinh bột chín, các đường đôi) thành các đường đơn (như Glucose).
- Lipase: Cắt nhỏ các chất béo trong thức ăn thành các acid béo.
- Nuclease: Phân chia các acid Nucleic thành các Nuicleotide. [3].
Men tiêu hóa được chỉ định khi nghi ngờ hoặc có bằng chứng cho thấy bệnh nhân bị thiếu một hoặc nhiều loại enzyme. Có thể gặp tình trạng này trong các trường hợp:
- Ăn quá nhiều trong mỗi bữa ăn khiến cơ thể không thể sản sinh đủ lượng enzyme để tiêu hóa hoàn toàn thức ăn, gây ra đầy bụng, chậm tiêu, tiêu chảy hoặc táo bón.
- Người mới ốm dậy nên hệ tiêu hóa bị suy yếu, trẻ em suy dinh dưỡng, gầy gò, ăn nhiều vẫn không tăng cân.
- Không có hoặc giảm cảm giác thèm ăn.
- Trẻ em hoặc người lớn bị chứng bất dung nạp sữa bò do thiếu enzyme lactase.
- Những bệnh nhân bị phẫu thuật cắt một phần dạ dày, bệnh nhân tổn thương tụy dẫn đến suy tụy ngoại tiết [4].
Cũng có khi men tiêu hóa được dùng để tăng cường thêm khả năng tiêu hóa thức ăn trong một khoảng thời gian nhất định nào đó. Tuy nhiên, nếu lạm dụng và dùng kéo dài sẽ gây tác dụng ngược lại do lượng men tiêu hóa được cung cấp nhiều từ bên ngoài trong thời gian dài sẽ dẫn đến ức chế việc cơ thể tự tiết ra các men tiêu hóa nội sinh.
Sử dụng nhiều men tiêu hóa ảnh hưởng đến đại tràng.
Kết luận
Việc phân biệt men tiêu hóa và men vi sinh thực ra vô cùng đơn giản nhưng không phải ai cũng biết. Cần phải nhấn mạnh rằng việc phân biệt này là đơn giản nhưng không có nghĩa là nó không quan trọng.
Ngược lại, những hiểu biết đúng đắn về hai khái niệm này giúp chúng ta ý thức được việc dùng nhầm lẫn, dùng sai hoặc lạm dụng hai loại chế phẩm này có thể đem lại hậu quả xấu đối với sức khỏe của chúng ta.
Vì thế, khi lựa chọn sản phẩm men vi sinh hoặc men tiêu hóa cho bé yêu, các mẹ cần chú ý nhé.
*Theo Livestrong, Viện học ứng dụng, Pediaa
Link tham khảo:
[1] https://www.livestrong.com/article/294750-the-differences-between-probiotics-digestive-enzymes/
[2]. http://suckhoedoisong.vn/phan-biet-men-vi-sinh-va-men-tieu-hoa-n67176.html
[3]. http://pediaa.com/difference-between-probiotics-and-digestive-enzymes/
[4]. http://vienyhocungdung.vn/nguyen-nhan-cua-suy-tuy-ngoai-tiet-20160328153551335.htm