Mea La - Mảnh đất đau khổ nơi một nửa số phụ nữ mang thai tự đi tìm cái chết

Vũ Uyên |

Nhiều thai phụ trẻ tuổi đã lâm vào trạng thái trầm cảm nghiêm trọng trước khi tìm cách kết thúc cuộc sống của mình và cả đứa con đang mang trong bụng.

Tại biên giới Thái Lan – Myanmar, hiện đang có hơn 100.000 người đang phải sống trong các khu trại tị nạn tồi tàn. Đa phần họ đều rời bỏ quê hương từ nhiều thập kỷ trước để thoát khỏi hàng loạt cuộc xung đột sắc tộc và quyết định sinh con, đẻ cái ở miền đất xa lạ này.

Cô Gracia Fellmeth đã dành nhiều tháng liền để tới thăm những khu trại tị nạn và nghiên cứu về vấn đề trầm cảm ở phụ nữ đang mang thai và sau khi sinh con ở đây.

Nhiều thai phụ trầm cảm vì thiếu thốn tiền bạc

Băng qua những khu rừng gần thị trấn Mae Sot, cuối cùng tôi đã đặt chân tới trại tị nạn Mae La sau gần một giờ ngồi xe khách. Trong màn sương sớm, hàng nghìn căn lều bằng tre nứa bỗng hiện ra giữa muôn vàn khốn khó nơi sườn núi đá vôi.

Đây là trại tị nạn lớn nhất trong số 9 trại tị nạn nằm gần biên giới Thái Lan – Myanmar và là nơi sinh sống của hơn 40.000 con người lam lũ.

Đa phần những cư dân đang sinh sống tại đây đều thuộc tộc người Karen, một trong những tộc người thiểu số lớn nhất của Myanmar. Từ khi mới sinh ra, họ đã bị ngăn cách với thế giới bên ngoài và phải trông chờ vào nguồn viện trợ ít ỏi do không có việc làm.

Mea La - Mảnh đất đau khổ nơi một nửa số phụ nữ mang thai tự đi tìm cái chết - Ảnh 1.

Trại tị nạn trại tị nạn Mae La - nơi sinh sống của hơn 40.000 con người lam lũ.

Đó là một buổi sáng thứ tư, vào tháng thứ ba mà tôi có mặt tại vùng biên giới này. Bên trong căn phòng chờ phủ bụi, những người phụ nữ có thai đang kiên nhẫn ngồi đợi được thăm khám, đo huyết áp và thử máu.

"Kể từ khi cô Gracia tới, họ còn phải trải qua quá trình đánh giá tình trạng tâm lý suốt thời gian thai kỳ qua một số câu hỏi chuyên biệt.

Việc làm này nhằm xác định những dấu hiệu ban đầu của hội chứng trầm cảm – một tình trạng thường xảy ra trong quá trình mang thai của chị em", nhiều bác sĩ tại vùng biên giới Thái Lan – Myanmar nhấn mạnh.

Bệnh nhân đầu tiên của chúng tôi là Myo Myo, một cô gái 18 tuổi nhưng lại đang mang thai ở tháng thứ 9. Lar Paw - tư vấn viên tâm lý và cũng là người cộng sự của tôi đã bắt đầu giải thích cho Myo Myo hiểu về những vấn đề có liên quan tới bài kiểm tra trên.

Sau một lúc, Myo Myo đồng ý tham gia. Vậy là chúng tôi cùng nhau ngồi xuống sàn và tiến hành đối thoại một cách rất vui vẻ.

"Trong tháng vừa qua, em có từng cảm thấy đau buồn hay thất vọng trong một khoảng thời gian dài hay không?", tôi hỏi.

"Đôi khi. Chúng em có một vài vấn đề gia đình. Và không có đủ tiền".

Mea La - Mảnh đất đau khổ nơi một nửa số phụ nữ mang thai tự đi tìm cái chết - Ảnh 2.

Hàng loạt thai phụ trẻ đang chờ được thăm khám bên trong căn nhà gỗ tạm bợ.

Một cách điềm tĩnh, Myo Myo tiếp tục kể lại câu chuyện của mình – một câu chuyện mà tôi cảm thấy quá quen thuộc trong suốt ba tháng trời sinh sống tại đây.

Cô gái trẻ kể lại mối quan hệ hạnh phúc giữa mình và người chồng đẹp trai. Mặc dù anh ta là một kẻ nghiện rượu, Myo Myo vẫn luôn khẳng định:

"Anh ấy yêu và đối xử rất tốt với em. Cả hai đều vui vẻ và hạnh phúc khi biết tin em có thai. Tuy nhiên, mẹ chồng lại không hài lòng vì em chưa có đóng góp đáng kể nào về mặt kinh tế cho gia đình".

Tôi muốn biết nhiều hơn về những triệu chứng của Myo Myo. Cô ấy nói đôi khi cảm thấy khá buồn chán, khoảng hai lần mỗi tháng và tình trạng đó chỉ kéo dài khoảng 1 tiếng mà thôi.

"Em đã bao giờ nghĩ tới việc làm tổn thương cơ thể hay là tự tử chưa?", tôi hỏi.

Myo Myo hơi do dự rồi mới trả lời: "Đôi khi em cũng nghĩ tới điều này, đặc biệt là khi vừa tranh cãi với mẹ chồng. Tuy nhiên, em chưa bao giờ thực sự có ý định làm như vậy".

Ám ảnh trước vấn nạn tự tử của hàng loạt thai phụ trẻ

Trong thời gian tại đây, có khoảng 1/4 những phụ nữ mang thai mà tôi từng tiếp xúc thừa nhận đã nghĩ tới việc tự tử và khoảng 3% đã thực hiện hành vi tự tử ít nhất một lần.

Dẫu vậy, chúng tôi hoàn toàn không có đủ nhân lực để theo dõi toàn bộ những trường hợp này. Chúng tôi chỉ tập trung vào các phụ nữ có triệu chứng trầm cảm nặng.

Myo Myo cũng có một vài triệu chứng khác, ví dụ như đôi khi cảm thấy mệt mỏi, thiếu sức sống và "suy nghĩ quá nhiều". Nhưng nó chỉ thỉnh thoảng diễn ra và có vẻ không quá bất bình thường.

Bởi thế, chúng tôi đã không tiến hành hẹn lịch thăm khám sức khỏe tâm lý lần sau đối với Myo Myo mà chỉ nói cô có thể liên hệ bất cứ lúc nào nếu muốn có người cùng trò chuyện và chia sẻ lo lắng trong cuộc sống.

Mea La - Mảnh đất đau khổ nơi một nửa số phụ nữ mang thai tự đi tìm cái chết - Ảnh 3.

Cô Gracia Fellmeth đang khảo sát tâm lý của các thai phụ trẻ tại vùng biên giới Thái Lan – Myanmar.

Hai ngày sau, một đồng nghiệp đã hỏi tôi: "Chị đã nghe tin về vụ tự tử chưa? Lại một cô gái trẻ đang mang thai đấy".

Tim tôi bỗng đập nhanh hơn. Liệu đó có phải là một bệnh nhân mà tôi từng phỏng vấn? Là một bệnh nhân trong diện theo dõi đặc biệt, hay là một bệnh nhân mà tôi đã bỏ qua?

Khi tôi trở lại Mae La, Lar Paw đã đứng chờ tôi bên ngoài phòng khám: "Bác sĩ, chúng ta lại có một trường hợp tự tử. Cô có còn nhớ bệnh nhân này không?" - Lar Paw vừa nói, vừa đưa cho tôi một tập hồ sơ theo dõi sức khỏe. Đó là hồ sơ của Myo Myo.

Tôi cảm thấy run rẩy. Tôi nhớ cô ấy, tôi nhớ việc mình đã không để cô ấy vào diện cần đặc biệt theo dõi. Trong số hàng trăm phụ nữ mà tôi từng nói chuyện, Myo Myo hoàn toàn không có gì nổi bật.

"Cả chồng cô ấy nữa. Cả hai đã cùng nhau tự tử", Lar Paw tiếp tục nói.

Một vụ tự tử kép. Tôi đã không thể suy nghĩ thông suốt. Tôi mới trò chuyện với Myo Myo hai ngày trước. Làm sao điều này có thể xảy ra? Phải chăng chính tôi đã khiến cô ấy có ý nghĩ tự tử? Liệu đó có phải là lỗi của tôi?

Mea La - Mảnh đất đau khổ nơi một nửa số phụ nữ mang thai tự đi tìm cái chết - Ảnh 4.

Sự nghèo khó và túng quẫn đã âm thầm giết chết nhiều thai phụ tại đây.

Chiều ngày hôm đó, tôi đã tới nhà Myo Myo để thăm viếng. Gia đình cô ấy chỉ biết ngồi im trong đau đớn tột độ. Hai thi thể được đặt bên dưới một tấm chăn mỏng, bao quanh là những cây nến đang cháy dở.

Gần đó là hai chiếc cốc được bọc kín bằng túi ni-lông, bên trong chứa một thứ chất lỏng màu xanh dương mà cặp đôi đã dùng để kết liễu cuộc đời.

Chúng tôi ngồi yên lặng cho tới khi mẹ chồng của Myo Myo bước vào. Bà ấy nhìn thi thể của Myo Myo và hét lên: "Tất cả là lỗi của mày".

Thì ra trước vụ tự tử, chồng Myo Myo đã cãi nhau với mẹ đẻ về việc của Myo Myo, mà kết thúc là bà ấy đã tát một cái vào mặt cậu con trai yêu quý.

Tạm kết

Cái chết của cặp đôi trẻ tuổi đã khiến tôi rất buồn rầu và trăn trở. Nếu khi đó tôi cố gắng hơn trong việc thuyết phục Myo Myo gạt bỏ đi ý nghĩ tự tử thì sao? Liệu tôi có khả năng ngăn chặn bi kịch trên xảy ra hay không?

Mea La - Mảnh đất đau khổ nơi một nửa số phụ nữ mang thai tự đi tìm cái chết - Ảnh 5.

Nhiều thai phụ ở khu trại tị nạn đang bị trầm cảm nặng vì vô vàn áp lực mang tên gọi "cơm, áo. gạo, tiền".

Liệu nó chỉ là một phản ứng nông nổi nhất thời vì không chịu nổi cảnh sống tù túng, thường xuyên xung đột của gia đình hay bắt nguồn từ niềm tin về kiếp sau của người Karen - niềm tin đã khiến cho cả hai cùng kết thúc cuộc sống đầy đau khổ để tìm tới một kiếp sau tốt đẹp hơn.

Có lẽ, tôi sẽ không bao giờ biết được câu trả lời. Điều tôi biết chính là tình trạng tự tử hiện đang rất phổ biến tại Mae La. Tính riêng năm 2016, tự tử được xem là nguyên nhân gây tử vong của gần một nửa số thai phụ và bà mẹ mới sinh tại vùng đất biên giới nghèo đói.

Vậy nguyên do của vấn đề này là gì: Một cuộc sống không rõ tương lai, sự vô vọng, sự buồn chán hay hậu quả của cuộc chiến đã khiến những con người tại Mae La phải rời bỏ quê hương để tới đây rồi kết liễu số phận cũng tại nơi đất khách?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại