Gà luộc là một trong những món ăn đặc biệt mà hầu hết mọi gia đình Việt đều lựa chọn để bày biện lên mâm cúng ngày Tết, giỗ chạp... Vì thế món ăn này yêu cầu chế biến và trình bày phải khéo léo, đẹp mắt.
Thậm chí còn có câu đùa rằng: "Bao giờ chặt được gà đẹp, khi ấy mới đủ chuẩn để lập gia đình".
Điều đó cho thấy việc làm gà luộc được người Việt xem trọng. Nghĩ thì đơn giản, tuy nhiên không phải ai cũng biết cách làm món ăn này chuẩn chỉnh.
Cách luộc gà ngon đã khó, chặt thịt gà đẹp để không nát còn khó hơn. Nếu không cẩn thận khi chặt, thịt gà sẽ bị nát, tuột da, nhìn mất thẩm mĩ ăn mất ngon.
Mới đây, chị Thu Trang (hiện đang sinh sống và làm việc tại Thụy Điển) đã bật mí cho hội chị em những điều cần lưu ý để chặt gà luộc không bị nát và bày biện đẹp mắt.
Qua bàn tay khéo léo của chị Thu Trang, đĩa gà được bày biện vô cùng đẹp mắt.
Theo chị Trang, đĩa gà trên được dùng để thắp hương nên chị chặt còn để lại nguyên cánh và đùi. Gà ăn ngon nhất là luộc xong xé ăn nóng, nhưng để bày ra đĩa thì mọi người nên đợi thật nguội.
Ngoài ra mẹ Việt ở Thụy Điển này còn đưa ra 4 lưu ý, các mẹ nội trợ nên "bỏ túi" để việc chặt gà dễ dàng, không ai phải lúng túng khi thực hành:
"Đầu tiên, người ta nói dao sắc không bằng chắc kê, nhưng với chặt gà yêu cầu có cả 2 là dao phải sắc, nặng và thớt dầy chắc chắn, và mình thường dùng 2 dao khi chặt gà.
1 dao dày nặng sắc to bản để chặt, 1 dao nhỏ vừa sắc mũi nhọn để tách 2 đùi 2 cánh vừa nhẹ nhàng dễ dàng và nét đẹp hơn.
Thứ hai, gà luộc chín tới tầm nếu chín quá chặt nát và bong da.
Thứ ba, gà phải để thật nguội mới chặt nếu chặt gà nóng cũng sẽ bị nát và bong da.
Thứ tư, khi chặt đầu tiên dùng con dao nhẹ, mỏng sắc mũi nhọn để tách 2 đùi và 2 cánh ra. Sau đó chặt cái phao câu, đầu cổ riêng.
Rồi dựng đứng con gà lên dùng con dao to nặng chặt dọc sống lưng rồi phanh ra úp phần xương trong bụng xuống thớt, phần da lên trên.
Lúc này chặt tiếp dọc con gà thành 4 miếng (2 miếng lưng, 2 miếng ức) rồi từ 4 miếng đó chặt miếng nhỏ vừa ăn và nhớ là khi chặt phải ngắm trước chỗ định chặt và chặt mạnh dứt khoát.
Chặt xong xếp lại đĩa theo hình con gà là xong".
Đĩa gà luộc trong mâm cơm Tết của nhà chị Thu Trang.
Chia sẻ thêm, chị Trang cho biết, cách chặt gà đó là chị tự mày mò khi phải tự tay nấu ăn cho gia đình.
Bước khó nhất khi chặt gà đó là dựng đứng con gà luộc để chia thành 2 nửa bằng nhau.
Để tránh mỡ gà bắn ra xung quanh, trước khi chặt thịt gà luộc nên lót báo hoặc tàu lá chuối xuống dưới thớt để khi chặt gà mà mạnh tay quá thì cũng "lọt sàng xuống nia".
Nên luộc gà ngay khi nước còn lạnh sẽ làm cho thịt gà chín đều hơn. Trong lúc luộc gà, chị Trang thường cho thêm vài lát gừng tươi hoặc sả vào nồi để khử mùi và làm thịt gà có hương thơm.
Để gà ngập trong nước sôi chừng 10-12 phút thì tắt bếp và đậy kín nắp trong khoảng 20 phút. Sau đó, vớt gà ra, cho ngay vào nồi nước sôi để nguội hoặc nước lạnh và đợi gà nguội hẳn rồi mới được vớt ra.
Theo chị Trang, việc này sẽ làm cho thịt gà căng bóng và có màu sáng rất đẹp.
Chị Trang của bật mí nhiều cách chọn gà luộc rất hữu ích cho các chị em.
Ngoài ra mẹ đảm cũng lưu ý cho hội chị em bí quyết chọn gà luộc được ngon, thịt không quá dai nhưng cũng không bị bở.
Đó là gà phải trông khỏe mạnh, nhanh nhẹn, lông mượt mà. Lông xù xước là gà không được khỏe mạnh. Mào gà phải đỏ tươi, mắt nhìn linh hoạt, không lờ đờ.
Bóp phần đùi gà thấy rắn chắc. Ức gà phải đầy đặn nếu ức nhọn là gà gầy. Và xem phần hậu môn của nó bị ướt là gà ốm bệnh.
Chị Trang tin rằng chỉ cần "nằm lòng" được những điều cần lưu ý khi làm món gà luộc thì các công đoạn không chỉ dễ dàng mà còn được rút ngắn đi khá nhiều. Hội chị em hãy thử xắn tay làm theo xem sao nhé!