Vào ngày định mệnh 6/9/2006, chị Madeline Shoaf vẫn đi làm như thường lệ. Nhưng bất giác chị cảm thấy có gì đó không ổn nên đã gọi điện thoại về nhà. “Chị con đã về nhà chưa?”, Madeline hỏi cậu con trai Donnie (khi đó 12 tuổi).
Donnie và chị gái của mình - Elizabeth Shoaf (14 tuổi) - thường sẽ đi xe buýt từ trường về, sau đó đi bộ khoảng 180m từ trạm xe buýt về đến nhà. Hai chị em sẽ khóa trái cửa và làm bài tập về nhà cho đến khi bố mẹ đi làm về.
Elizabeth Shoaf (Ảnh: Internet)
Khi Donnie nhấc điện thoại, chị Madeline bỗng cảm thấy có điều gì đó khiến chị lạnh sống lưng. “Thằng bé bảo chị chưa về nhà.
Vì thế tôi bảo con chạy đến đầu đường xem có thấy chị hay không. Và con không quay trở lại gọi điện thoại nên tôi bắt đầu lo lắng”.
Vậy là chị Madeline bắt đầu gọi cho bạn bè của Elizabeth, những người mà cô bé thường đi cùng trên xe buýt. Amanda Lampert - bạn của Elizabeth - nói rằng cô bé đã trò chuyện với Elizabeth trên xe buýt, thấy bạn mình đi xuống và bước về phía nhà mình.
Cậu bé Scott Crosby là bạn của Elizabeth cũng thấy cô bé đi bộ từ trạm xe buýt về nhà.
Bố của Elizabeth - anh Don Shoaf - nghe thế vội vã trở về nhà và cùng với vợ, anh lên phòng con gái để tìm manh mối nhưng chẳng có gì.
Hai vợ chồng gọi điện thoại cho họ hàng, chạy sang hàng xóm hỏi thăm và được lời khuyên nên vào rừng kiểm tra.
Nhà của Elizabeth được bao quanh bởi rất nhiều rừng và rất dễ bị lạc. Hai vợ chồng gõ cửa từng nhà nơi họ nghĩ con mình có thể ở đó nhưng vẫn bặt vô âm tính.
“Đó là một trong những cảm giác tuyệt vọng nhất mà tôi có trong đời”, anh Don Shoaf chia sẻ.
Đến lúc này, cả hai đã báo cảnh sát. Cảnh sát không loại bỏ yếu tố Elizabeth bỏ ra nhà ra đi tuy nhiên, họ vẫn nỗ lực, huy động lực lượng tìm kiếm cô bé. Trực thăng và chó nghiệp vụ cũng có mặt.
Các đài truyền hình địa phương cũng đưa tin về sự mất tích của Elizabeth, hình ảnh của em được công bố khắp nơi để phục vụ việc tìm kiếm cô bé.
Nhưng đến tận ngày thứ 4 sau khi Elizabeth mất tích, tung tích của cô bé vẫn là con số 0. Ngày thứ 5 kết thúc, ngày thứ 6 trôi qua nhưng cảnh sát vẫn chẳng tìm được bất kì manh mối nào.
Đến tận nhiều ngày sau đó, mọi người chỉ có thể cầu nguyện để Elizabeth được bình an và có thể quay trở về.
Nhưng bất chợt một ngày, khi chị Madeline cầm điện thoại và chìa khóa ra khỏi nhà để đến thủ phủ bang Columbia - nơi bạn bè, gia đình tổ chức buổi lễ cầu nguyện cho Elizabeth - chị chợt thấy tin nhắn đến từ một số điện thoại lạ.
“Mẹ, Lizzie đây. Con đang ở trong một cái hố”, đó là nội dung tin nhắn. Lizzie là tên mà chị Madeline vẫn hay dùng để gọi con gái và lập tức, chị đã báo cáo với cảnh sát.
Trong suốt 7 ngày qua, tin nhắn này chính là manh mối duy nhất phục vụ cho việc điều tra sự mất tích của Madeline.
Cảnh sát Tư pháp Hoa Kỳ bắt đầu theo dõi số điện thoại đã gửi tin nhắn đến cho chị Madeline. Dù chưa xác định được vị trí của người đã nhắn tin nhưng cảnh sát phát hiện ra đây là số điện thoại của một người mà văn phòng cảnh sát biết khá rõ.
Đó chính là một người đàn ông đang bị truy nã, người mà họ đã tìm kiếm gần 1 năm qua. Tên hắn ta là Vinson Filyaw (36 tuổi), nghiện rượu, ma túy.
Vinson Filyaw (Ảnh: Internet)
Hắn ta sống khá gần khu của Elizabeth cùng với bạn gái tên Cindy Hall. Bất cứ khi nào cảnh sát xuất hiện, hắn đều không có mặt ở đó.
Cảnh sát nghi ngờ hắn ta đang giam giữ Elizabeth ở trong nhà nhưng khi lục soát, họ chẳng tìm được gì cả mà chỉ thấy rất nhiều ấn phẩm khiêu dâm tồn tại trong nhà - một căn nhà di động.
Vinson Filyaw không có ở nhà nhưng cảnh sát trưởng David Thomley đã phát hiện ra lý do vì sao hắn ta có thể trốn thoát cảnh sát suốt bao nhiêu năm qua.
Ở phía sau phòng ngủ trong nhà di động, nơi hắn ta ở cùng Cindy Hall là nơi đầu tiên thu hút sự chú ý của ngài David. Nơi đó chỉ có một tấm nệm trên sàn mà không có tường che chắn.
Sau khi nhấc tấm nệm lên, cảnh sát phát hiện ra có những vết khoan, cắt ở trên sàn của nhà di động. Và nhìn kĩ vào nơi đó, cảnh sát nghi ngờ có những hoạt động ngầm bên dưới và có xuất hiện dấu chân.
Sau đó, ngài David đã xem quanh sân sau nhà của Vinson, trông chúng như một hố rác. Nhưng David đã phát hiện ra rằng nơi này đã đào một căn hầm để lẩn trốn.
Cảnh sát phát hiện Vinson đã đào 2 hầm trong sân nhà mình, 2 căn khác trong rừng để trú ẩn từ tháng 11/2005 - thời điểm hắn ta bị cáo buộc tấn công tình dục bé gái 12 tuổi. Đó là một hệ thống hầm rất phức tạp.
Bằng biện pháp nghiệp vụ, cảnh sát đã định vị được vị trí của số điện thoại đã nhắn tin cho Madeline.
Khi cảnh sát tiến đến gần vị trí hầm nơi hắn ta giam giữ Elizabeth, cô bé đã cố gắng kêu thật to để thu hút sự chú ý bởi khi đó không có Vinson ở trong hầm. Cuối cùng, Elizabeth đã được giải thoát.
Sơ đồ nơi Elizabeth bị bắt giữ, nhà của em và nhà của Vinson. (Ảnh: Internet)
Cô bé kế lại sự vụ bắt cóc rằng ngày hôm đó, sau khi Elizabeth bước xuống xe bus, Vinson đã giả làm cảnh sát để tiếp cận cô bé.
Sau đó, hắn ta đã đưa cô bé đi vòng vòng trong khu rừng cách nhà em 1 dặm cho đến khi cô bé mất phương hướng. Cuối cùng, Vinson đã giam giữ em trong hầm có trang bị vũ khí như lựu đạn và pháo sáng.
Căn hầm này sâu 4,5m và được che đậy bằng ván ép, nằm sát một ngọn đồi, bên trong có nhà vệ sinh tự chế, có bếp, có hệ thống tản khói khi nấu ăn, có cửa trước và cửa sau.
Nơi này được ngụy trang kĩ đến mức khó có thể phát hiện nếu quan sát từ trên không, thậm chí là đứng ở mặt đất cũng khó có thể tìm ra.
Trần của căn hầm này cao đến nỗi một sĩ quan cảnh sát cao khoảng 1,9m vẫn có thể đi đứng một cách bình thường mà không gặp bất kì trở ngại nào.
Lối vào hầm (Ảnh: Internet)
Trong hầm dù dơ bẩn nhưng vẫn có đủ lương thực dự trữ cho vài tháng. (Ảnh: Internet)
Tại đây, hắn ta đã giam cầm Elizabeth và liên tục cưỡng bức cô bé. Elizabeth dù khá đau khổ nhưng vẫn cố gắng suy nghĩ tìm cách thoát thân. Vài ngày sau khi bị bắt, Elizabeth cố gắng tìm cách lấy được sự tin tưởng của Vinson và may mắn, cô bé đã làm được. Một hôm, tranh thủ lúc Vinson đang ngủ, Elizabeth đã lấy điện thoại của hắn ta để nhắn về cho mẹ.
Hắn thức dậy thấy cô bé đang cầm điện thoại và cô bé đã giải thích rằng chỉ cầm để chơi mà thôi. Kẻ bắt cóc không mảy may suy nghĩ, vẫn tin tưởng cô bé và đó chính là tin nhắn giúp cô bé được trở về với gia đình sau 10 ngày bị giam cầm.
Elizabeth cho biết, cô bé đã bị lột quần áo, bị xích và liên tục bị cưỡng hiếp .
Về phần Vinson, hắn ta đã bị cảnh sát tóm vào ngày 17/9/2006, chỉ một ngày sau khi Elizabeth được giải cứu, trong khi đang đi bộ cách nơi giam giữ Elizabeth 8km.
Sau đó, hắn ta đã bị bắt và phải chịu tổng cộng 421 năm tù giam với các tội danh cưỡng hiếp, bắt cóc, tàng trữ thiết bị gây cháy nổ và giả danh cảnh sát.
Vinson cùng luật sư trong ngày xét xử. (Ảnh: Internet)
Câu chuyện về Elizabeth đã được dựng thành bộ phim mang tên Girl in the Bunker và sẽ được phát sóng vào ngày 28/5 sắp tới.
Một cảnh trong phim Girl in the Bunker. (Ảnh: Internet)
(Nguồn: Tổng hợp)