Trót mê muội trào lưu "bỏ phố về rừng", 9x Sài thành chia sẻ: Làm bao nhiêu cũng không đủ
"Cách đây 5-7 năm, tôi cũng là một trong những người trẻ bị trào lưu “cùng lắm mình về quê nuôi cá và trồng thêm rau” ảnh hưởng.Tôi mê, mê lắm. Tôi tưởng tượng cuộc sống sẽ êm đềm, thanh nhàn lắm, dù đôi tay chưa bao giờ cầm cây cuốc xẻng... Tôi năm nay 33 tuổi rồi, làm bao nhiêu cũng không đủ bù chi phí cho cái tật mê muội này."
Đó là chia sẻ hóm hỉnh của chị Tô Trần Anh Thy (Sinh năm 1991, sinh ra và lớn lên tại thành phố Hồ Chí Minh). Hiện, chị Anh Thy đang sống và làm việc tại thành phố Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Tốt nghiệp chuyên ngành Tiếng Anh Thương Mại, lại sinh ra và lớn lên ở thành phố, do đó, chị Anh Thy chưa từng nghĩ sẽ có ngày mình "bỏ phố lên núi", bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn khác trước đây.
Cách đây hơn 5 năm, chị Thy cũng như không ít người trẻ khác, bị hấp dẫn bởi trào lưu bỏ phố về quê nuôi cá, trồng rau. Và cơ duyên giúp chị có quyết định bước ngoặt cũng đến một cách hết sức tình cờ:
"Khác với những người khác, khi tìm về quê sống là muốn rời xa phố thị xô bồ, có xu hướng hướng nội, thì tôi lại là người hướng ngoại. Làm quen với Tây Nguyên qua một lần theo bạn bè làm thiện nguyện. Sau đó, tôi gắn kết với các bạn, thành lập nên nhóm Palme’s Smile chuyên giúp đỡ buôn Kiều. Chúng tôi đã từng được VTV3 thực hiện phóng sự phát trong chương trình “Gala Việc tử tế”.
Từ những chuyến đi, tôi trót yêu con người và mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng gió từ lúc nào không hay. Dần dần, nơi này trở thành một phần trong cuộc sống của tôi, và tôi quyết định chuyển hẳn lên Buôn Mê Thuộc - Đắk Lắk sống.
Một phần để thiên nhiên, cỏ cây hoa lá "chữa lành" tâm hồn mình. Phần khác là mong muốn giảm tải áp lực kinh tế, rời xa những ồn ào của nhịp sống đô thị".
Từng bị trầm cảm vì áp lực kinh tế và những áp lực xã hội vô hình, 9x Sài thành chọn cho mình hướng đi mới: Lui về quê sống. Tuy nhiên, "đời không như là mơ", hiện thực cuộc sống trần trụi vẫn luôn có những áp lực, nỗi lo cơm áo, gạo tiền bủa vây.
Sau hơn 5 năm "bỏ phố về rừng", chị Thy thừa nhận, đến nay bản thân làm bao nhiêu vẫn chưa đủ bù chi phí bỏ ra. Và thực tế cuộc sống ở quê không dành cho những người thích hưởng thụ.
Chị Anh Thy chia sẻ: "Để chuẩn bị cho hành trình về quê, trước tiên mình cần có tiền mua đất và chọn được nơi ở phù hợp. Tiếp theo là kế hoạch công việc để có thu nhập trang trải cuộc sống mới, lo cho con cái ăn học.
Biết bản thân chưa có nhiều kiến thức nông nghiệp, Thy chọn cách giúp đỡ bà con trong chính thôn xóm của mình để cuộc sống bận rộn và có ý nghĩa.
Tôi tạo đầu ra cho bà con nông dân bằng cách thu mua nông sản sạch. Kết nối bạn bè, tạo thành một cộng đồng tử tế, giúp đỡ bà con khó khăn.
Hiểu được điểm yếu của bản thân là chưa có kinh nghiệm “về quê", chưa một ngày làm nông dân chân chính. Do đó, để tạo kinh tế, tôi mở khu homestay nhằm thỏa mãn đam mê sáng tạo và bản tính sôi nổi, hướng ngoại của mình."
Tuy nhiên, sau nhiều năm điều hành homestay, 9x Sài thành thừa nhận nguồn thu chỉ đủ trang trải chi phí vận hành.
Chị vẫn chưa thể thu được lợi nhuận, dù lượng khách đến homestay khá ổn định. Bởi số vốn đầu tư và vận hành cho homestay thơ mộng ven sông của chị Thy khá lớn.
"Để có thể thu hút du khách, tôi phải càng đầu tư rất nhiều cho nhà. Cùng với đó là chi phí nhân công, "nghìn lẻ một" khoản chi khác. Hiện tại, số tiền thu được đủ "nuôi" homestay là tôi đã mừng lắm rồi, chứ đừng nói lời lãi so với chi phí bỏ ra".
"Có lãi" hay không nằm ở cách bạn nghĩ
Dù nhiều lần trăn trở về giải pháp để duy trì chi phí trang trải cuộc sống và vận hành homestay, chị Tô Trần Anh Thy chưa bao giờ hối tiếc với quyết định của mình. Bởi 9x Sài thành tâm niệm, không có con đường nào dẫn đến thành công mà bằng phẳng, dễ đi. Bạn phải tự bước đi trên đôi chân và thực lực của mình.
Giải được bài toán khó, vượt qua thử thách, sẽ có ngày bạn gặt hái quả ngọt: "Từng nghĩ mở homestay để có thêm chi phí trang trải cuộc sống. Nhưng không, đời không như mơ. Tôi nhận ra, về quê chắc chắn không phải để làm giàu.
Tuy vậy, tôi không bàn ra. Tôi bàn tới. Đến giờ, tôi vẫn mê cuộc sống ở quê của mình. Mỗi khi được về nhà, tôi mê từng gốc cây, ngọn cỏ, từng góc vườn chan hòa với thiên nhiên.
Các bạn cứ vươn ra đi, đón nhận những thứ mới, học từ những trải nghiệm. Hãy thử từ việc nhỏ nhất, chẳng hạn như hôm nay đi trồng môt cái cây, rồi sẽ đến một ngày bạn có cả khu rừng."
Thu nhập từ công việc hiện tại chỉ đủ để duy trì homestay, nhưng 9x Sài thành vẫn cảm thấy hạnh phúc bởi những giá trị tinh thần vô hình mà mình nhận được.
"Từ một thôn nghèo, nhờ có homestay mà nơi đây được mọi người gần xa biết đến, bà con cũng có nhiều sự giúp đỡ hơn. Các bé thiếu nhi quanh vùng lần đầu tiên được cô chú tổ chức lễ hội Trung thu, trao học bổng hiếu học. ..
Bé nhỏ nhà tôi từ khi về quê đã biết trồng cây, quét dọn, yêu thiên nhiên, thích giúp đỡ các bạn… Những việc mà nếu ở phố, không biết bao giờ con mới được trải nghiệm. Nhờ về quê, tâm hồn tôi được chữa lành.
Đó chẳng phải là thành công hay sao? Đối với Thy, sống ở đâu cũng được, miễn là sống có ích."
“Bỏ phố về quê” hay “Bỏ quê lên phố” đều không phải là từ bỏ. Đó là lựa chọn của mỗi người, để tìm cho mình cơ hội trải nghiệm cuộc sống mới phù hợp với bản thân và gia đình mình hơn.
Và dù sống ở đâu, thành thị hay ngoại ô, hạnh phúc sẽ đến nếu chúng ta yêu người, yêu đời và cảm thấy hài lòng với những gì mình đang có.