Ngày 9-4, Báo Văn Nghệ tổ chức trao giải cuộc thi thơ trên Báo Văn Nghệ 2019-2020 với 2 giải B (không có A) cho các tác giả Tòng Văn Hân (Điện Biên) và Nguyễn Văn Song (Hưng Yên). Ngoài ra, còn 4 giải C, 6 giải khuyến khích.
"Vụng về", "ngô nghê"
Hội đồng Chung khảo cuộc thi thơ này gồm những nhà thơ, nhà văn uy tín như: Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Đức Mậu.
Tuy nhiên, việc BTC trao giải cho tác giả Tòng Văn Hân đã gây ra những phản ứng trái chiều từ nhiều nhà thơ. Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cho rằng ý tưởng "phúc đức tại mẫu" rất được. "Người mẹ có tấm lòng rộng lớn thì người con sẽ gặp nhiều báo đáp may mắn. Tuy nhiên, tác giả viết quá vụng về, nên phơi bày sự ngây ngô. "Mẹ tôi chửi kẻ trộm" được chọn đăng trên báo đã là một sự châm chước. Còn trao giải cho "Mẹ tôi chửi kẻ trộm" thì hơi xem thường độc giả và xem thường thi ca" - nhà thơ Lê Thiếu Nhơn bày tỏ.
Nhà thơ Hữu Vi, tác giả bài thơ nổi tiếng "Tàn lửa", cho hay ngay khi có thông tin về những tác phẩm được trao giải cao nhất, ông đã hình dung đến một điều là sẽ có những mổ xẻ về sự phi lý, thậm chí phi logic của các thi phẩm được bàn đến.
"Người đọc có quyền đặt câu hỏi liệu đó đã thơ chưa? Hay chỉ là một lối nghĩ được dịch ra tiếng Việt, một câu chuyện được ngắt câu, xuống dòng cho nó giống thơ… tự do".
"Những ai am tường về ngôn ngữ và văn hóa của người thiểu số thì có thể chấp nhận được câu chuyện bà mẹ chửi kẻ trộm bằng cách cầu mong cho họ được giàu có. Đây chỉ là một cách gửi gắm ước vọng giàu sang, khấm khá của người miền núi qua lời "mắng yêu" của bà cụ.
Nhưng dù sao thì các bài thơ chỉ mới dừng lại ở một câu chuyện kể. Nó không có sức gợi hay cao hơn là tầm tư tưởng vốn được kỳ vọng ở tác phẩm ăn giải cao" - nhà thơ Hữu Vi nhận xét.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (bìa phải) và nhà thơ Hữu Thỉnh trao giải nhì cho các tác giả. (Ảnh: HÀ THÀNH)
Một bài thơ độc đáo?
Lý giải việc trao giải cho chùm tác phẩm của tác giả Tòng Văn Hân, Hội đồng Chung khảo cuộc thi cho rằng bài "Mẹ tôi chửi kẻ trộm" của tác giả Tòng Văn Hân có cái ngô nghê, thật thà của một người miền núi nhưng qua đó lại là hình ảnh rất đẹp về con người nói chung mà chỉ tư duy của người miền núi mới có được.
Về sâu xa, chửi này là chửi có tính triết lý. Nguồn gốc của bài thơ bắt đầu là sự đói kém, nhưng nhân văn, cao thượng vô cùng. Gốc của nó không phải là đánh kẻ trộm hay hình sự hóa vấn đề, mà là phải xóa tận gốc đói nghèo. Phải trả cho đời sống sự lương thiện. Tứ thơ và tư duy đó dễ gây thiện cảm cho người đọc.
Nhà thơ Hữu Thỉnh trả lời báo chí cho rằng bài "Mẹ tôi chửi kẻ trộm" là bài hay nhất trong cuộc thi thơ này, một bài thơ rất độc đáo. Theo ông, bài thơ rất thú vị ở sự nhân văn, độ lượng. Và sự "nôm na" mà mọi người nói là giọng thơ của một người dân tộc sống ở miền núi.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 11-4, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng bài thơ "Mẹ tôi chửi kẻ trộm" có cái chân mộc, thật thà, hướng đến đạo đức. "Lần đầu tiên đọc, tôi thấy bài này có tư duy lạ. Tôi ủng hộ cái đó và nhiều người cũng ủng hộ. Bình tĩnh thì thấy tứ đó là tứ đáng nghi nhận.
Nếu người viết khéo, có thể thành một bài thơ để đời. Xưa nay, việc bị mất trộm ở thôn quê xảy ra như cơm bữa. Ngay ở làng quê tôi, việc mất trộm gà, trứng gà vẫn hay xảy ra. Cứ vài ngày lại nghe người chửi trộm gà.
Nhưng trong bài thơ này, bà mẹ chửi trộm hiện lên rất đẹp, rất nhân văn. Cách viết mộc, thật thà, đúng như cách nghĩ cách nói của đồng bào dân tộc" - nhà thơ Trần Đăng Khoa nêu ý kiến.
Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng nhận xét bài thơ có cái được của nó nhưng bảo bài thơ thật xuất sắc là không phải. "Chính tôi là người đề nghị không có giải A, cũng không có giải B, chỉ có giải C và giải khuyến khích thôi".
Ông nói thêm, nếu tác giả lấy tên "Mẹ tôi và lũ trộm gà" thì đỡ đi. Từ "chửi" ở đây hơi không sạch tai, tư duy người ta cũng không thích cái đó. Nhưng dùng từ như thế thì thành bà mẹ người Kinh rồi chứ không phải bà mẹ dân tộc. thiểu số
Đánh giá về cuộc thi thơ, BTC cuộc thi cho rằng mặc dù kết quả chưa được như mong đợi của cả ban tổ chức cũng như những người tham dự do không tìm được một "trạng nguyên" để vinh danh, nhưng cuộc thi đã thể hiện sự cố gắng, quyết tâm rất cao của Ban Biên tập Báo Văn Nghệ, cũng như kỳ vọng góp phần nâng cao chất lượng thơ, đáp ứng yêu cầu phát triển văn học trong tình hình mới của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam.
Liên quan đến nghi vấn "Mẹ tôi chửi kẻ trộm" đạo ý tưởng bài thơ "Mẹ tôi chửi kẻ cướp biển đảo" của tác giả Lò Văn Tứng viết năm 2018, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho hay ngày 11-4 có người thông báo với ông về việc này.
"Quan điểm cá nhân của tôi là phải xác minh lại. Nếu đúng là đạo thơ thì phải xử lý nghiêm. Còn nếu không đúng thì giải tỏa mọi nghi ngờ người ta đặt ra" - phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho hay.
Tác giả "Hạt gạo làng ta" cũng cho biết ông đã đọc bài thơ "Mẹ tôi chửi kẻ cướp biển đảo". "Cá nhân tôi, tôi không tin là có chuyện đạo thơ ở đây. Trộm gà, trộm chó (trộm vặt) thì người ta mới chửi.
Chứ mất biển đảo thì không ai chửi như bọn trộm gà trộm chó như thế. Nó không hợp tâm lý người dân. Bị cướp đảo người ta không lên tiếng kiểu ấy, không ai chửi thế. Tôi nghĩ là từ bài thơ này, người ta chế ra. Trên mạng bây giờ mọi thứ đều có thể xảy ra" - nhà thơ Trần Đăng Khoa nhấn mạnh.