Mẹ tôi bị họ hàng mỉa mai vì không giữ tiền và không động vào điện thoại của bố suốt 30 năm

Mạn Ngọc |

Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, ấy vậy nhưng ở đời không ít người cứ có thú vui đứng ở ngoài bình phẩm về cuộc sống của người khác.

Mẹ tôi hay bị mọi người trêu là “người giời” vì cách sống chẳng giống ai của bà. Khi còn nhỏ tôi không mấy để ý thế nhưng càng lớn tôi càng nhiều thắc mắc về việc liệu quan điểm hôn nhân của mẹ mình là đúng hay sai.

Bố tôi thường đùa là mẹ mày không biết ghen nên thành thử bố đi đâu làm gì mẹ không quan tâm. Nếu cùng là một chuyện với nhà khác có khi là ầm ĩ lên rồi đấy nhưng ở nhà tôi lại cứ như thể chẳng có chuyện gì to tát hết.

Mẹ không phải người hiền lành và cam chịu nhưng lại là người cực kỳ vững tâm lý và bình tĩnh trước mọi việc. Nếu việc đó không ảnh hưởng đến gia đình mình (theo góc nhìn và đánh giá của bà) thì bà đều bình chân như vại.

Nhưng điều mà khiến ai cũng phải thấy kỳ lạ đó là mẹ tôi có nguyên tắc 3 không:

Không giữ tiền của chồng.

Không động vào điện thoại của chồng.

Không kiểm soát chồng đi đâu làm gì.

Và cũng chính vì những nguyên tắc này mà mẹ tôi bị họ hàng hai bên mỉa mai vô số lần. Tất nhiên, mẹ tôi là người có tâm lý vững vàng đến độ ai nói cứ nói, với bà chỉ như đàn gảy tai trâu mà thôi. Bà không phản ứng nhưng cũng chẳng bao giờ để những lời dèm pha ấy vào đầu.

Cuộc hôn nhân kéo dài 30 năm nhưng mẹ tôi chưa bao giờ cầm tiền của bố. Thậm chí người giữ tiền chính trong nhà là bố bởi vì mẹ đâu có buồn quản lý tài chính đâu, nếu bố không chủ động thì ai làm bây giờ.

Mẹ tôi bị họ hàng mỉa mai vì không giữ tiền và không động vào điện thoại của bố suốt 30 năm - Ảnh 1.

Thu nhập hàng tháng của mẹ sẽ để chi phí mọi thứ trong gia đình, bà luôn là người biết kiếm tiền nên nhìn chung chỉ cần tiền của bà là đủ để chi phí cho cả nhà rồi. Giả dụ nếu hụt tiền, mẹ tôi sẽ thản nhiên xin bố và đương nhiên bố chẳng bao giờ từ chối. Nói nôm na người phụ nữ quyền lực trong gia đình tôi thực chất không hề có đồng nào tích lũy riêng cho mình.

Giữa mẹ và bố có một thỏa thuận, vì mẹ dùng hết thu nhập hàng tháng để lo chi phí gia đình rồi nên những việc lớn bất chợt hay tích lũy mua tài sản gì đó đều do bố tự lo liệu. Gần đây nhất là chuyện du học của em trai tôi, nghiễm nhiên bố phải là người lo hết mọi chi phí.

Mẹ tôi còn không hề biết mật khẩu điện thoại của bố. Có ai gọi đến mà lỡ bố đang bận bà chẳng bao giờ thèm nghe hộ, xong xuôi thì nhắc chồng có điện thoại đấy mà thôi.

Đây cũng chính là điều tôi thấy cực kỳ thắc mắc ở mẹ mình. Từ khi đến tuổi yêu đương, tôi luôn tò mò về việc bạn trai mình liệu có nhắn tin, nói chuyện với cô gái nào khác hay không. Rồi từ ấy tôi cũng có nhu cầu muốn xem, muốn biết những thứ có trong điện thoại của bạn trai và đôi khi nếu không được như ý tôi sẽ cảm thấy khó chịu, giận dỗi.

Ấy vậy mà suốt bao nhiêu năm qua, từ khi dùng điện thoại cục gạch cho đến điện thoại thông minh, mẹ tôi chưa từng động vào điện thoại của bố. Cũng giống như việc mẹ chẳng hề biết thu nhập hàng tháng của bố chính xác là bao nhiêu, mẹ cũng không hề biết mật khẩu điện thoại của chồng mình luôn.

Nguyên tắc cuối cùng của mẹ có lẽ là điều mà chẳng ai hiểu nổi, đó là bà không kiểm soát chuyện bố đi đâu làm gì. Chỉ cần ông thông báo cho gia đình lịch trình của bản thân để bà chủ động công việc, còn đâu ông muốn đi đến bao giờ bà không hề quản thúc.

Tôi còn nhớ lúc mình còn nhỏ, mỗi bận bố báo không ăn cơm nhà là mẹ mừng lắm, tha ngay tôi đi ăn cơm hàng cháo chợ. Ăn xong, hai mẹ con dắt nhau đi dạo chợ đêm mua cái này cái kia. Thành thử trong ký ức của tôi, việc bố đi nhậu với đồng nghiệp, đi giao lưu với anh em bạn bè chẳng có gì là xấu xa hết, tôi còn vui là đằng khác.

Thời bố mẹ tôi còn trẻ, mấy bà dì bên ngoại cứ gặp mặt là lại ca bài ca “mày phải quản chồng”, “mày phải nắm kinh tế trong nhà”, “mày vừa dại vừa dốt”... Thậm chí còn lôi cả tôi ra để dặn tôi xui mẹ không được “thả rông” bố như thế. Mỗi lần như vậy tôi đều nói lại y nguyên với mẹ, đương nhiên, bà toàn coi như mắt mù tai điếc không nghe cũng chẳng thấy gì.

Tôi luôn tự hỏi liệu quan điểm hôn nhân khác biệt hoàn toàn với phần đông phụ nữ như bà là đúng hay sai. Liệu rằng có một ngày nào đó bố thay lòng và bà phải tay trắng ở cái tuổi xế chiều? Liệu rằng trong chiếc điện thoại bà không bao giờ động vào kia có thật sự trong sạch? Liệu rằng những buổi tối không ăn cơm nhà của bố có thật sự như những gì bố nói?

Khi hỏi mẹ như vậy, bà chỉ nói với tôi rằng nếu nghi ngờ thì đã không làm!

Lớn dần tôi hiểu mỗi gia đình sẽ có một cách để chung sống với nhau. Thực tế cho thấy mẹ tôi đã sống trong cuộc hôn nhân hạnh phúc suốt 30 năm trời và tình cảm của hai ông bà cho đến giờ vẫn nồng thắm như thuở còn son. Thế nhưng câu hỏi về quan điểm hôn nhân lạ lùng của mẹ vẫn luôn là dấu hỏi lớn trong lòng đứa con như tôi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại