Trong thời gian gần đây, theo thống kê của Sensor Tower, nhờ cơ chế hiển thị các video thịnh hành nhằm giữ chân người dùng càng lâu trên nền tảng mà TikTok đã trở thành ứng dụng được tải nhiều nhất năm 2021 trên hai kho ứng dụng App Store và Google Play.
Không chỉ với nội dung thu hút, hình ảnh sống động mà những video ngắn này còn khiến cho bất cứ ai cũng có thể quay và đăng tải trực tiếp trên MXH.
Tuy nhiên, trong khi số đông người lớn có thể có nhận thức về việc chọn lọc nội dung khi xem thì trẻ em trong độ tuổi vị thành niên lại chưa biết điều đó, nên đã xảy ra những trường hợp hi hữu như trẻ "lướt" trúng những thông tin độc hại, nguy hiểm, thậm chí còn cố bắt chước, học theo hay tham gia dựa vào những lời mời gọi từ những phần tử xấu trên đó.
TikTok ngày càng thu hút người dùng, đặc biệt là giới trẻ. (Ảnh: Internet)
Một bé gái 10 tuổi tham gia vào 30 nhóm chat lừa đảo trên mạng
Theo Chutian Metropolis Daily, cô Liu (30 tuổi) đang vô cùng bàng hoàng khi phát hiện ra con gái Xiaoxue (10 tuổi) của mình bị triệu tập điều tra vì đã tham gia vào 30 nhóm chat lừa đảo khác nhau trên các nền tảng MXH như QQ, Douyin, Wechat,...
"Thật không thể tưởng tượng được là con tôi lại trò chuyện với rất nhiều người lạ mỗi ngày ngay trước mặt tôi", cô nói.
Câu chuyện xảy ra cách đây không lâu khi cô Liu bất ngờ nhận được một gói hàng chuyển phát nhanh, trong đó có một số hộp đồ chơi Slime đề tên con gái cô và địa chỉ nhà nhưng lại không có thông tin người gửi. Thấy không ổn nên sau khi Xiaoxue đi học về, cô đã hỏi trực tiếp và biết con gái mua nó từ một người quen trên QQ. Xiaoxue dự tính sẽ bán những hộp đồ chơi này cho các bạn cùng lớp để kiếm thêm tiền tiêu vặt.
Sau đó, cô đã tiến hành kiểm tra điện thoại và máy tính cá nhân của con và phát hiện ra con gái đã tham gia hơn 30 nhóm chat khác nhau như: nhóm ca hát và trò chuyện, nhóm làm việc bán thời gian, nhóm kết bạn bốn phương,... mỗi nhóm ở đó sẽ có khoảng 40-50 người.
Tuy nhiên khi xem lịch sử trò chuyện ở một số nhóm chat, cô Liu đã sửng sốt khi phát hiện ra rằng nhiều nhóm còn phải trả một khoản phí nhất định khoảng vài chục nhân dân tệ để thực hiện nhiệm vụ, nhận tiền thưởng mới được tham gia vào nhóm. Sau khi hoàn thành xong, họ sẽ nhận được khoản tiền cọc và tiền công thù lao cho công việc.
"Xiaoxue nói rằng con bé đã tự thêm mình vào nhóm chat bằng cách quét mã QR trong các video trên QQ. Ban đầu con bé làm vậy chỉ để giữ liên lạc với bạn bè trên đó để theo dõi và xem các video của nhau. Sau đó, con gái tôi dần bị bạn bè kéo vào một số nhóm chat khác", cô Liu chia sẻ.
Bởi vì không dám xin tiền mẹ nên Xiaoxue không đủ điều kiện tham gia nhưng vẫn không thoát khỏi nhóm chat. Cô Liu phát hiện ra đây là một chiêu thức lừa đảo mới trên mạng đã được nhiều báo đài cảnh báo nên ngay lập tức xóa tài khoản QQ, thoát khỏi các nhóm và cấm con gái mình được tham gia.
Nhưng điều không thể ngờ rằng, mấy ngày sau, cô lại phát hiện con gái đang tiếp tục tham gia vào các nhóm chat, thậm chí Xiaoxue còn đi tuyên truyền, kêu gọi mọi người tham gia vào các nhóm chat như vậy để kiếm tiền.
"Tôi không biết nói như thế nào với con bé nữa, đúng là bước đường cùng thật rồi, tôi thật hối hận khi đã quá tin tưởng con mình", cô Liu thở dài
Trào lưu bé gái trang điểm đậm, bắt chước các TikToker để quay video theo trend
"Tôi vô cùng sốc khi thấy con gái mình đang trang điểm và nhảy theo những điệu nhạc đang trên top trending ở TikTok", cô Sang (35 tuổi) sống ở Bắc Kinh, Trung Quốc chia sẻ khi nhớ lại cảnh tượng cách đây vài ngày khi nhìn thấy con mình ở nhà.
Một hôm tan làm sớm, cô Sang đã phát hiện ra con gái 8 tuổi Zhusha của mình đang mặc chiếc váy ngắn, gương mặt trang điểm đậm và nhảy theo đoạn nhạc theo sự hướng dẫn của một cô gái trong đoạn video trên điện thoại.
Thấy vậy, cô Sang liền hỏi và Zhusha nói rằng đoạn video này vô cùng hot, các bạn trên lớp của con cô ai cũng biết và học theo để so sánh xem ai nhảy giống nhất. Không chịu thua kém bạn bè, cô bé liền tập luyện chăm chỉ mấy ngày và tự trang điểm để đăng tải lên tài khoản TikTok của mình.
Một trong những video mà cô bé đăng tải lên tài khoản cá nhân của mình.
Kiểm tra điện thoại của con gái, cô Sang ngớ người khi thấy Zhusha không chỉ đăng tải 1 mà còn rất nhiều video nhảy khác nhau, thậm chí có video cô bé còn đầu tư trang phục, chải chuốt và có những hành động đầy khiêu khích y như người lớn.
Ngoài ra, cô bé còn chăm tương tác, trả lời bình luận với những người xem video của mình, hầu như các video nào cô bé cũng chia sẻ: "Hãy ấn theo dõi và nhấn vào biểu tượng chuông để nhận được thông báo các video mới nhất của mình nhé".
Tác hại của trẻ em khi nghiện TikTok
Thực tế, những câu chuyện này vốn không còn xa lạ gì bởi theo báo cáo của Trung tâm nghiên cứu Trẻ em và Thanh niên Trung Quốc, khoảng 65,6% trẻ vị thành niên tham gia khảo sát cho biết xem video ngắn, 20% thừa nhận "luôn luôn" xem video ngắn.
Dữ liệu từ Trung tâm Thông tin mạng Internet Trung Quốc chỉ ra, số lượng người dùng các sản phẩm video ngắn trong nước đạt 962 triệu, chiếm 91,5% tổng số người dùng Internet toàn quốc, số người dùng dưới 19 tuổi là 186 triệu, tính đến tháng 6/2022.
Tiến sĩ Julie Albright, một nhà xã hội học chuyên về văn hóa kỹ thuật số, giải thích: "Khi xem TikTok, đôi khi bạn nhìn thấy một bức ảnh, đoạn clip hoặc thứ gì đó thú vị và nó thu hút sự chú ý của bạn. Và cứ thế, bạn muốn tiếp tục xem mãi".
Trẻ em luôn là đối tượng dễ "nghiện" TikTok nhất. (Ảnh: Internet)
So sánh trải nghiệm sử dụng TikTok với máy đánh bạc, chuyên gia lưu ý rằng khi bạn lướt màn hình, mắt sẽ bắt gặp một số thứ thích và không thích, điều này thúc đẩy bạn muốn tiếp tục.
Đó là chưa nói đến những clip độc hại, phản cảm tràn lan trên ứng dụng mà không nơi nào quản lý. Đơn giản bởi những người tạo ra các clip độc hại này đôi khi họ không thẩm định được những gì họ đã tạo ra trên nền tảng mạng xã hội này trước áp lực "câu view", "câu like" càng nhiều càng tốt.
Người xem TikTok, đặc biệt là trẻ em luôn có xu hướng làm theo những gì mà TikToker "vẽ sẵn". Được ví như "con dao hai lưỡi" nên ứng dụng này đã nhiều lần bị chỉ trích do để lọt nội dung kích động rối loạn ăn uống và tự làm hại bản thân của người dùng.
Ngoài ra, một số trẻ khi đã trở nên quá phụ thuộc vào nền tảng này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tư duy, sự hình thành tính cách của trẻ sau này, thậm chí việc trẻ thường xuyên cầm điện thoại 24/24 sẽ tác động trực tiếp đến kết quả học tập, khả năng thị lực và giao tiếp với thế giới quan bên ngoài.
Làm gì để trẻ hạn chế và ngừng xem Tiktok?
1. Giới hạn thời gian dùng MXH, xây dựng lộ trình hợp lý cho trẻ
Ban đầu, cha mẹ có thể thống nhất với trẻ và coi việc được sử dụng mạng xã hội như một phần thưởng. Khi học tập chăm chỉ, đạt kết quả tốt, hoàn thành việc nhà, các con sẽ được chơi và sử dụng mạng xã hội trong một khoảng thời gian phù hợp.
Sau đó, cha mẹ có thể cân nhắc xây dựng một lộ trình giảm dần thời gian trẻ sử dụng mạng xã hội, tránh tình trạng coi đó là phần thưởng quá lâu.
Thông báo giới hạn thời gian sử dụng trong 60 phút mỗi ngày trên TikTok. (Ảnh: TikTok)
2. Giúp trẻ tập trung vào các điều quan trọng
Chúng ta đều biết rằng, trong cuộc sống còn vô vàn nhiều điều quan trọng mà chúng ta cần phải tập trung để giải quyết nó: Công việc, học tập,… Tuy nhiên nếu cứ mãi tập trung vào việc lướt TikTok thì sẽ chẳng thể tập trung được. Ngược lại chúng còn làm chúng ta sao nhãng và sống thiếu mục tiêu.
Để rèn luyện sự tập trung cao độ cho con, bạn cần dành nhiều thời gian hơn với trẻ, giúp con tạo dựng các thói quen, nhịp sinh hoạt lành mạnh, từ đó có cách tiếp cận phù hợp với mạng xã hội khi trưởng thành.
Hãy cố gắng học cách lắng nghe xem thế giới con quan tâm là gì bằng cách đặt ra các câu hỏi nhằm khơi gợi trí tò mò của con trẻ như: "Nó có gì thú vị, nhờ con hướng dẫn cho bố mẹ xem nhé" hoặc "Con cũng muốn được nhiều người quan tâm, chú ý đến mình đúng không?",... Lúc ấy con thấy mình quan trọng, là thầy trong việc này.
Cha mẹ phải đảm bảo sự quyết đoán trong thời gian này, tuyệt đối không nuông chiều quá mức cũng như bỏ mặc, không quan tâm tới con. (Ảnh: Internet)
Ngoài ra, cha mẹ cũng cần bố trí nhịp sinh hoạt cho trẻ đan xen hoạt động tĩnh và vận động, tăng cường hoạt động ngoài trời để cuộc sống xung quanh trở nên hấp dẫn và thú vị hơn bởi nghịch lý luôn là: khi cha mẹ bù đầu làm việc, kiếm tiền thì đó là lúc TikTok xâm chiếm tâm hồn các bé nhanh và nhiều nhất vì bậc sinh thành cứ ngỡ chúng vô hại và làm cho bọn trẻ ngồi yên, không quậy phá, vòi vĩnh.
Tổng hợp Sohu, Chutian Metropolis Daily