Cụ bà Chu Ngọc Trân là một cựu giáo viên tiểu học tại Tứ Xuyên, Trung Quốc. Sau sinh nhật lần thứ 60, bà Chu Ngọc Trân qua đời. Mặc dù không quá giàu có, nhưng sau bao năm tằn tiện bà cũng có một cuốn cuốn sổ tiết kiệm riêng trị giá hơn 1 triệu NDT (khoảng 3,5 tỷ đồng) và một căn nhà. Vì thế sau khi mẹ qua đời nhưng không để lại di chúc, các con bà liền tìm hiểu ngay về số tài sản bà để lại.
Sau khi tìm kiếm trong đống đồ đạc cũ của mẹ, các con bà Chu Ngọc Trân tìm thấy cuốn sổ tiết kiệm mà bà để lại. Tuy nhiên, khi đến ngân hàng rút tiền, họ bàng hoàng khi nhân viên ngân hàng thông báo trong tài khoản của người đã khuất đã không còn đồng nào. Đặc biệt, lịch sử giao dịch cho thấy bà Chu Ngọc Trân thường xuyên gửi tiền vào một tài khoản lạ. Tính đến trước ngày mà qua đời, số tiền gửi cho tài khoản kia đã lên đến hơn 1 triệu NDT ((khoảng 3,5 tỷ đồng)
Biết được sự việc, các con bà Chu Ngọc Trân cảm thấy rất tức giận, quyết tâm tìm hiểu số tiền của mẹ mình rốt cuộc đã đi về đâu. Có người nhớ lại, mẹ của họ thường xuyên ra ngoài một mình, đôi lúc lại bảo tụ họp bạn bè. Mùa hè gần nhất, bà còn đi du lịch 1 tháng và nói rằng mình đi thăm một người bạn ở xa.
Nghi ngờ mẹ mình gặp lừa đảo, các con bà Chu Ngọc Trân nhờ ngân hàng hỗ trợ tìm kiếm thông tin của người nhận tiền. Khi biết được tên của người nhận và tìm hiểu, họ xác định người này tên là Dương Vũ, một giáo viên cấp 2 và cũng là đồng nghiệp cũ của người mẹ quá cố. Trong album ảnh cũ của gia đình vẫn còn một số ảnh chụp chung của bà Chu Ngọc Trân và người tên Dương Vũ này.
Không thể chấp nhận việc tiền tiết kiệm của mẹ lại chuyển hết cho người lạ, kể cả là bạn hay đồng nghiệp cũ, các con bà lập tức tìm đến nơi Dương Vũ hiện đang sinh sống. Được biết, sau khi nghỉ hưu Dương Vũ chuyển về quê nhà ở vùng nông thôn tỉnh Tứ Xuyên.
Trước khi tìm đến nơi Dương Vũ ở, những người con của bà Chu Ngọc Trân vẫn đinh ninh rằng người đồng nghiệp cũ đã vay tiền hoặc lừa đảo để lấy hết tiền tiết kiệm của bà. Nhưng khi đến nơi, gặp được người nhận tiền và tận mắt chứng kiến nơi ông đang sống họ mới được một phen ngỡ ngàng.
Mặc dù tuổi đã cao, ông vẫn hết lòng với công việc giảng dạy. Sau khi chuyển về quê nhà, ông mở một ngôi trường làng để dạy chữ cho các trẻ em nghèo tại địa phương. Vì không có nhiều kinh phí, cơ sở vật chất giảng dạy ở ngôi trường này rất đơn sơ và xập xệ. Học sinh của trường cũng là con của những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không có tiền đi học. Theo lời của các học sinh trong trường kể, tất cả sách vở học tập đều là do thầy Dương Vũ gom góp về cho các em học và học sinh cũng không cần đóng học phí.
Các con của bà Chu Ngọc Trân đã đến gặp trực tiếp thầy Dương Vũ và hỏi về khoản tiền 1 triệu NDT (khoảng 3,5 tỷ đồng) mà mẹ của họ đã gửi cho ông trong suốt thời gian qua. Khi hay tin người đồng nghiệp cũ của mình vừa qua đời Dương Vũ nghẹn ngào và kể hết cho họ tất cả sự thật.
Cũng như thầy Dương Vũ, bà Chu Ngọc Trân cũng là một nhà giáo vô cùng tâm huyết với sự nghiệp giáo dục. Biết được ông về quê để dạy chữ miễn phí cho trẻ em nghèo, bà cũng muốn đóng góp chút sức lực và tài chính để hỗ trợ.
Những lần nói với các con đi gặp bạn bè ở xa, bà Chu Ngọc Trân đều tranh thủ về vùng quê nghèo và mang theo sách vở, đồ dùng học tập đến cho các học sinh của thầy Dương Vũ. Trên tường lớp học vẫn còn treo hình ảnh bà chụp cùng các em học sinh khi đến thăm vào mùa hè gần nhất. Trước khi qua đời, bà quyết định gửi hết số tiền tiết kiệm mà mình có để đầu tư sửa sang lại ngôi trường này.
Biết được sự thật, các con của bà Chu Ngọc Trân đã không còn có ý định đòi lại số tiền kia nữa và quyên góp toàn bộ cho trường làng. Họ tin rằng đây là tâm nguyện cuối cùng của người mẹ quá cố và cũng là cống hiến cuối cùng cho sự nghiệp giáo dục cả đời của bà Chu Ngọc Trân.