Cả làng gốm cổ Bát Tràng bị tai tiếng
Mới đây, trên mạng xã hội facebook xuất hiện một nhân vật Paula gốm bán hàng online khiến cộng đồng mạng sôi sục khi tung chiêu tặng những chú heo đất xinh xắn do chính tay mình làm cho trẻ em nghèo trên khắp cả nước.
Đặc biệt, chủ tài khoản facebook này còn khẳng định lò gốm của gia đình được sản xuất bằng công thức đặc biệt có thể "khử" hết chì trong sản phẩm.
Chủ tài khoản facebook Paula gốm gây bức xúc cho người dân Bát Tràng.
Tuy nhiên, việc làm của Paula gốm bị đông đảo cộng đồng mạng "vạch mặt" và cho rằng đó chỉ là trò PR tên tuổi rẻ tiền vì nhiều ngày trôi qua chẳng ai nhận được heo của chị này.
Riêng việc Paula gốm cho rằng sản phẩm heo đất do mình bán ra đã được khử độc chì sạch sẽ cũng đã nhận được không ít phản hồi, bóc mẽ của người dân làm gốm bởi điều đó đồng nghĩa với việc Paula gốm cho rằng tất cả các sản phẩm mà người Bát Tràng làm ra có chứa chì?!
Rất nhiều người trong chợ Bát Tràng bức xúc trước thông tin thất thiệt.
Để hiểu rõ thực hư sự việc, trưa ngày 24/7 chúng tôi đã có mặt tại xã Bát Tràng (Gia Lâm – Hà Nội) để tìm hiểu sự việc. Tiếp xúc với chúng tôi, rất nhiều người dân từ người làm gốm, buôn gốm hoặc thậm chí hàng nước, quán ăn đều biết đến tên tuổi của Paula gốm.
Theo người dân, nhân vật Paula gốm tên thật là N.N – người thuộc xóm Giang Cao (Bát Tràng). Ngân đã có 2 người con và hiện đang là bà mẹ đơn thân.
Trước kia, cô ấy từng sang nước ngoài sinh sống nhưng sau khi hôn nhân đổ vỡ, mấy mẹ con về quê sinh sống bằng nghề bán hàng online.
Các sản phẩm heo đất, đồ trang trí đều áp dụng kỹ thuật nung giống nhau và không hề chứa độc tố chì.
Nhắc đến sự việc, chị V. bán hàng nước trước cổng chợ Bát Tràng cho biết: "Ôi giời, cô ấy cả làng ghét, cả xã Bát Tràng biết, mấy ngày nay ai cũng chửi bới thậm tệ. Việc làm của cô này đã làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh buôn bán của cả khu Bát Tràng".
Những tiểu thương cho biết, bản thân người trong xã làm nghề không bao giờ có chuyện kinh doanh sản phẩm độc hại.
Chị N.T.K - người buôn gốm trang trí tại chợ Bát Tràng cho biết: "Nếu Paula gốm quảng bá hình ảnh sản phẩm và bán hàng online bình thường thì chẳng ai nói gì.
Thậm chí những hộ kinh doanh trong xã Bát Tràng đều không bao giờ có "chiêu" tranh giành khách của nhau bởi trong chợ, trong làng ai cũng biết nhau.
Đằng này, Paula gốm lại "dìm" hàng trăm hộ tiểu thương kinh doanh, hàng chục lò gốm bằng chiêu quảng cáo sản phẩm của cô ấy không có chì. Vậy sản phẩm của chúng tôi chứa chì à?".
Gian hàng của gia đình chú L. thuộc xóm 2 đã có hàng chục năm làm nghề khẳng định thông tin trên mạng xã hội là hoàn toàn không đúng.
Nói thêm về sự việc, chú D.K.L. (xóm 2 – Bát Tràng) cho hay: "Gia đình tôi có thâm niên làm gốm cả mấy chục năm, sản phẩm làm ra chủ yếu đổ buôn cho khắp các tỉnh thành.
Tuy nhiên, thời gian gần đây thấy việc làm của Paula là không thể chấp nhận được, nếu cô ấy buôn bán online bình thường thì không sao, đằng này quảng cáo sản phẩm không đúng, dìm mặt hàng của người dân trong xã là không thể chấp nhận được".
Nhà không có lò gốm, "mượn" cửa hàng chụp ảnh rồi nhận vơ
Tiếp tục trao đổi về điều này, chú D.K.L cho hay: "Nhà cô ấy có lò gốm đâu, chỉ có nhà họ hàng làm nhưng không hề sản xuất mặt hàng heo sứ.
Những hình ảnh cô ấy chụp ảnh rồi đăng tải lên mạng xã hội đều được chụp ở các cơ sở sản xuất gốm trong xã, các cửa hàng và trong chợ".
"Cô ấy cứ đến các gian hàng có bán sản phẩm heo sứ xong xin chụp ảnh, nhờ người khác chụp ảnh và có nói chụp ảnh đăng lên mạng rồi sẽ lấy sản phẩm của cửa hàng mang đi bán hộ", chú L. nói.
Theo các tiểu thương, Paula hay lui đến các cửa hàng chụp ảnh rồi đăng lên mạng xã hội.
Tiếp tục nói về sự việc, một tiểu thương trong chợ Bát Tràng cho biết: "Từ hôm xảy ra sự việc, cũng có nhiều khách hỏi về chất lượng sản phẩm xem có bị nhiễm chì như Paula nói trên mạng hay không.
Tuy nhiên, chúng tôi đều giải thích cho khách là đó chỉ là người nói sai sự thật, tất cả các sản phẩm của chúng tôi đều an toàn chứ không như mọi người nghĩ".
Theo người dân, sản phẩm của Bát Tràng không hề chứa độc tố chì như Paula nói.
Về kỹ thuật nung gốm nói chung và làm heo sứ nói riêng, một người dân cho biết: "Mỗi mẻ heo đất khi đưa vào lò phải trải qua rất nhiều công đoạn, khi nung nhiệt độ trong lò đạt đến 1250 – 1300 độ C nên không có chuyện còn nhiễm chì.
Hơn nữa, bản thân của các loại đất sét để nung gốm là đất sạch chứ không phải đất bẩn nên không có chuyện như Paula nói".
Một chú heo đất được người dân bán với giá 60 ngàn đồng.
Sản phẩm nhỏ hơn giá 20 ngàn đồng.
Nhiều người dân Bát Tràng cho rằng, việc làm của Paula đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc kinh doanh buôn bán cũng như sản xuất của người dân làng nghề.
Trong những ngày gần đây, Paula đã nhận không ít lời chỉ trích từ người dân cũng như cư dân mạng xã hội.
Cũng theo khảo sát của chúng tôi, hiện tại mỗi sản phẩm heo sứ được bày bán tại chợ Bát Tràng có giá dao động từ 20.000 đồng đến trên 100.000 đồng/sản phẩm.