Khi phụ huynh đang cùng con xếp hàng đi vệ sinh, chơi trò chơi, order món ăn… khó có thể tránh khỏi cảnh ngang nhiên chen hàng của một cá nhân nào đó. Ở độ tuổi đang muốn khám phá thế giới và hiếu kỳ về mọi thứ trên đời, đa số trẻ sẽ hỏi: “Mẹ ơi, tại sao người đó lại chen hàng/ không xếp hàng thế ạ?”
Thiết nghĩ rằng cảnh này không xa lạ gì trong đời sống thường nhật. Nhưng đến khi bị một đứa trẻ hỏi vặn thì chúng ta phải trả lời như thế nào?
Lúc này, chúng ta có thể hướng dẫn trẻ suy nghĩ về vấn đề này từ những khía cạnh sau:
1. Tại sao người đó lại chen hàng?
Chúng ta có thể cho trẻ quan sát kỹ, tại sao người đó lại không xếp hàng, mặc cho người ở phía trước đã tuân thủ quy định ngay từ đầu? Thông qua quan sát, trẻ sẽ tự đưa ra kết luận: Người đó đang thực sự rất vội để làm điều gì đó, nên bất đắc dĩ phải cắt hàng; hay người đó chỉ đơn giản là không muốn tuân thủ quy định, muốn phá cho vui.
2. Làm như vậy có đúng không?
Khi trẻ bắt đầu biết suy nghĩ, chúng ta có thể để trẻ tự phán đoán trong lòng: Hành vi này đúng hay sai?
Nếu vấn đề của người chen hàng là khẩn cấp và là biện pháp cuối cùng thì có thể chấp nhận được. Nhưng nếu đó hoàn toàn là vì bản thân họ thì hành động đó là sai trái.
Hãy để trẻ tự lựa chọn và hình thành giá trị của bản thân khi phán xét đúng sai. Chính từ những điều nhỏ nhặt đó, trẻ có thể tự trau dồi khả năng phán đoán, cũng như phát triển nhân cách, đạo đức.
Khi cán cân trong lòng trẻ có thói quen nghiêng về phía “đúng”, thì sau này khi đứng trước ngã ba đường của cuộc đời, trẻ sẽ biết mình phải lựa chọn gì và sống ra làm sao.
3. Đặt tình huống hỏi ngược lại trẻ
Sau khi trẻ đã xác định được hành vi đó là đúng hay sai, các bậc phụ huynh hãy thử đặt trẻ vào 2 trường hợp khác nhau để nâng cao tư duy của trẻ.
Trường hợp 1: Nếu đó là tình huống bất đắc dĩ, trẻ sẽ làm gì?
Đôi khi, người chen hàng cũng có lý do chính đáng của họ. Ví dụ, họ đang rất vội, hoặc chuyến tàu duy nhất của họ sắp rời đi, mà họ thực sự muốn đi vệ sinh và họ không thể chờ đợi. Lúc này, hãy hỏi ngược trẻ để chúng suy ngẫm về việc phải làm gì khi chính chúng ở trong tình huống tương tự.
Điều này có thể cải thiện trí tuệ, cảm xúc và kỹ năng xã hội của trẻ. Hãy để chúng suy nghĩ khác, nhìn nhận vấn đề ở một góc độ khác và đưa ra cách giải quyết chính xác.
Trường hợp 2: Nếu người đó thật sự chỉ muốn phá vỡ quy tắc cho vui, thì kết quả sẽ như thế nào?
Hậu quả sẽ ra sao nếu một cá nhân vi phạm quy tắc vì niềm vui của bản thân mà không nghĩ đến người khác?
Con trẻ có thể tìm ra câu trả lời thông qua quan sát. Ví dụ, chen ngang vào hàng đợi sẽ khiến mọi người không hài lòng và sẽ bị đổ lỗi, thậm chí có thể tạo ra xung đột và khiến chính họ gặp rắc rối.
Lúc này, chúng ta có thể nâng cao tầm quan trọng của an toàn tính mạng và nói cho con cái biết những hậu quả có thể xảy ra khi vi phạm các quy tắc. Ngoài ra, hãy hỏi thêm những câu hỏi điển hình, ví dụ: Để tiết kiệm thời gian, có người vượt đèn đỏ khi lái xe; ai đó không tắt bếp hay tùy ý nghịch lửa… Thì hậu quả của hành vi đó là gì?
Những câu hỏi tư duy như vậy có thể giúp trẻ nhìn ra bản chất của sự vật thông qua những hiện tượng bề ngoài, giúp trẻ không bị phân tâm trước những lợi ích ngắn hạn và phát triển tầm nhìn dài hạn.
4. Khẳng định sự lựa chọn của con
Khi trẻ đã lựa chọn đúng, chúng ta không nên quên khẳng định trẻ: "Con đã đưa ra những đánh giá đúng đắn và lựa chọn đúng, mẹ rất tự hào về con. Và mẹ tin rằng cho dù có chuyện gì xảy ra trong tương lai, con cũng có thể dựa vào phán đoán của chính mình và đưa ra lựa chọn chính xác.
Trên đời này, lựa chọn của mỗi người khác nhau, và chúng ta không thể vì người khác mà thay đổi bản thân. Vì khi đó, chúng ta sẽ mất nhiều hơn được. Hãy tuân thủ lựa chọn lẽ phải và có trách nhiệm với bản thân.
Vì vậy, khi con trẻ hỏi bạn tại sao một người lại có thể chen ngang hàng, câu trả lời của bạn có thể thực sự ảnh hưởng đến tam quan cuộc sống của đứa trẻ sau này.
Theo Toutiao