img
Mẹ ơi! Con là quỷ thật sao? Sao mẹ lại sinh ra một con quỷ ra trên cõi đời này? - Ảnh 1.
Mẹ ơi! Con là quỷ thật sao? Sao mẹ lại sinh ra một con quỷ ra trên cõi đời này? - Ảnh 2.

Mọi chuyện bắt đầu khi Ka Nhits lên lớp 7. Đầu năm, trường THCS Nhits học tổ chức cuộc thi đá bóng giữa các lớp cho nữ, Nhits hào hứng tham gia. 

Hôm đó, khoảng sân đất trước trường như vỡ ra bởi tiếng hò reo cuồng nhiệt. Bên ngoài, đám con trai Cơ Ho đứng vây thành vòng tròn cỗ vũ. Trong sân, 12 cô gái thi nhau rượt đuổi quả bóng da. Những cô gái Cơ Ho thường ngày mặc váy thố, để móng tay dài,… bước vào trận đấu đều trở nên táo tợn hơn hẳn.

Nửa hiệp đấu, Nhits bám sát khung thành đối phương, tung chân đá. Quả bóng vừa bay đi, một cánh tay phía sau đã túm cổ áo Nhits giật ngược, mặt đập thẳng xuống đất.

"Không vào rồi, quả này không vào" - một giọng nói thét lên.

"Chính bạn đẩy tui, bạn chơi xấu, tui chưa làm gì bạn cả" - Nhits đáp trả rồi một trận cãi vã lớn giữa đám con gái nổ ra. "Mày không phải con gái, mày không được phép chơi ở đây". Nghe xong, Nhits tức giận, giơ tay đấm vào mặt đứa con gái. Nó gục xuống, oà khóc dữ dội. 

"Đúng, mày không phải con gái", "Con gái gì không có vú", "Mày giả dạng con gái", "Nên đi chết đi",… nhiều tiếng chửi rủa, chỉ trỏ, đàn áp khác hùa vào làm một.

Mẹ ơi! Con là quỷ thật sao? Sao mẹ lại sinh ra một con quỷ ra trên cõi đời này? - Ảnh 3.

8 tuổi, Nhits đã theo bố bươn đồi, trèo vách đá nên đôi chân rắn rỏi hơn đá, 9 tuổi đã đi hết nương này đến bản khác lặt cà phê mướn cho người Kinh nên đôi tay nhanh hơn sóc. 12 tuổi, nếu giống tụi con gái Cơ Ho thì Nhits đã có ngực, mởm mởm vào thời kì đầu tiên có kinh nguyệt. Vậy mà, suốt lớp 7, Nhits cộc lốc, trơ trọi. Thay vì mặc váy thổ cẩm, Nhít thích quần jean, áo rộng thùng thình. Thay vì cột tóc lên cao để lộ khuôn mặt trái xoan, Nhits thích cắt tóc ngang tai như đám con trai làng Cơ Ho.

Vài ngày sau, tụi con gái bản rủ nhau vào rừng tắm hồ Ka La. Dưới làn nước trong veo, chúng vui đùa, chọc ngoáy và khoe nhau những đầu vú bắt đầu nở rộ. "Sao Nhits chưa nở vú?" - Chi hỏi. 

"Chắc Nhits chưa dậy thì" - Thìm chêm vào.

"Nhưng cậu ấy khác lắm, chẳng thay đổi gì giống tụi mình???".

"Tụi bay đừng nghĩ tào lao nữa, Nhits chưa dậy thôi!" - Thìm bên vực.

Tối đó, trở về nhà, Nhits cởi bộ quần áo ra trước gương. "Mình có phải con gái?", "Con gái gì mà lì lợm, mê đá bóng, thích ngủ trong rừng, chẳng có ngực",… Nhits nhớ rồi nằm vật ra giường, khóc nấc.

Mẹ ơi! Con là quỷ thật sao? Sao mẹ lại sinh ra một con quỷ ra trên cõi đời này? - Ảnh 5.

Mùa hè năm lớp 7, Nhits vẫn để tóc dài qua lưng, ngày ngày xổ con dốc lủi thủi đi học, lủi thủi về nhà. Ngoài bản, một vài người vẫn đồn đại chuyện Ka Dôi đẻ 3 đứa con, đứa giữa nam không ra nam, nữ không ra nữ, rồi bảo: “Đừng đến nhà ấy, đừng chạm vào nó, thần linh giận”. Nhiều hôm Nhits ra đường, tụi con nít túm tụm vây quanh, chửi bới, đánh đập.

Hôm đó, Nhits oà khóc, một mình băng băng đạp xe vào rừng. Đứng trên đỉnh đồi, Nhits đẩy chiếc xe đạp lao vun vút xuống vách. Chiếc xe bay tít lên trời xanh rồi… đùng… đùng…, một tiếng gào thét vang lên, Nhits ôm phía bên vai rách toạc, máu tươm ra đỏ ối, tưởng chừng đã chết nửa cuộc đời.

Ở trường, thi thoảng vài trận ẩu đả nhỏ vẫn xảy ra. Hôm nay, Nhits bị chọi đá. Hôm sau, giấu vở. Hôm sau nữa thì có đứa cầm bút bi đâm thẳng vào mu bàn tay Nhits đến bật máu, "Mày cũng xứng được đi học à!"

Bố mẹ bận bịu, Nhits không thể tâm sự. Bạn bè sợ vạ lây, chẳng ai dám đến gần. Mỗi ngày ra đường, với Nhits, chẳng khác gì bước vào cánh cổng địa ngục mà cô bé chỉ biết xù lông lên chịu trận.

Đêm đó trở về nhà, điện thoại Nhits rung lên: "Hôm nay, tớ nghe tin cậu bị đánh? Có sao không? Mình lo cho cậu quá!", Nhits rưng rưng khóc. Nhits nhớ, từ nhỏ đến lớn, duy chỉ lớp 5 là có một cậu con trai dám đứng bảo vệ Nhits. Hôm đó, cậu nhận giùm Nhits một cú tát. Bạn bè chửi rủa: "Đừng dính vào con bê đê", cậu mặc kệ, dắt Nhits trốn khỏi vòng vây.

Cậu tên Sim, cùng tuổi, cùng học chung lớp, cùng chứng kiến từng trận đòn Nhít bị. Sáng sáng, Sim theo chân Nhits đến trường, gói mớ bánh kẹo rẻ tiền dưới hộc bàn kèm tấm thơ: "Cậu khác tụi con gái khác. Mình sẽ che chở cho cậu". Nhưng sang lớp 7, Sim theo bố mẹ lên rừng, cậu nghỉ học giữa chừng. Nhits ở lại, trơ trọi. 

Nửa đêm, Nhits lật lại những trang thơ Sim viết, cô gục xuống bàn, khóc ri rỉ.

Mẹ ơi! Con là quỷ thật sao? Sao mẹ lại sinh ra một con quỷ ra trên cõi đời này? - Ảnh 7.

Sang lớp 8, một buổi chiều sau khi tỉnh giấc, Nhits nhìn xuống đũng quần rồi gào lên: "Mẹ… Mẹ ơi… Con thành quỷ thật rồi".

Nghe giọng con, Ka Dôi vội bỏ chiếc cào cà phê, chạy vào phòng. Ngồi cạnh mép giường, chị nhẹ nhàng quệt giọt nước mắt đã chảy thành hàng của của: "Sao vậy Nhits? Có chuyện gì xảy ra sao?".

"Mẹ ơi! Con mọc cái gì rồi. Nó cứng. Nó xương. Con không phải con gái, con là quỷ thật rồi!", Nhits khóc tức tưởi.

Bất giác một điều gì đó khủng khiếp chạy ngang sống lưng khiến Ka Dôi rùng mình. "Bao lâu rồi???" - chị cố giữ bình tĩnh.

"Hơn 3 tháng rồi. Con ngủ dậy thì nó lại cứng lên! Con là con quỷ như dân làng chửi thật phải không mẹ?". Hôm đó, Ka Dôi cởi quần con, nhìn kỹ càng thêm lần nữa: "Không… Mọi chuyện không sao cả. Mai mẹ đưa con đi viện, bác sĩ bốc thuốc hết ngay". Cứ thế, chị ôm con vào lòng, nức nở lên từng hồi. 

Ngoài bản, nương cà phê đã vào độ chín đỏ, người Cơ Ho đã theo gia đình lên nương cả, để lại những mái nhà xám tro, cô đơn đến tội nghiệp.

Mẹ ơi! Con là quỷ thật sao? Sao mẹ lại sinh ra một con quỷ ra trên cõi đời này? - Ảnh 8.
Mẹ ơi! Con là quỷ thật sao? Sao mẹ lại sinh ra một con quỷ ra trên cõi đời này? - Ảnh 9.

Sáng hôm sau, Ka Dôi vay hơn 1 triệu đồng, chị dắt tay con bươn quả đồi ra quốc lộ đón xe đi Sài Gòn. Lần đầu tiên xuống núi, 2 mẹ con co người ngủ cả đêm trên băng ghế đá BV Nhi Đồng cùng chiếc bụng rỗng. Bước ra đường, nhìn trăm toà nhà cao tầng san sát đến chóng mặt, Ka Dôi sợ. 

Bác sĩ xét nghiệm, thử máu, test tâm lí. Sang ngày thứ hai thì gọi Ka Dôi vào phòng: "46 NST XY", "Nó con trai không phải con gái", "Dương vật phát triển ra từ âm đạo, tinh hoàn đảo ngược, ca phẫu thuật cần nhiều tiền lắm!". Mớ tiếng Kinh của bác sĩ qua tai Dôi tiếng được tiếng rớt, chị sụp người xuống đất.

Ka Dôi bỗng nhớ về cái ngày Nhits chào đời. Hồi ấy, một bé gái sinh non với hai cục thịt dư lủng lẳng bên mạn sườn từng khiến chị vỡ oà. Người ta sẽ nói gì khi thấy dị tật của con? Một vài người Cơ Ho rất coi trọng núi rừng, họ sẽ cho rằng Nhits của mẹ bị “quỷ nhập” mất? Nhiều đêm, Ka Dôi ôm Nhits, nghĩ con không sống nổi.

Thế mà, qua một tháng tuổi, Nhits bỗng lớn nhanh như thổi. Như biết phận mình khiếm khuyết, con bé chẳng bao giờ đòi mẹ, mạnh mẽ bất diệt như cây rừng. Lớn lên, ra đường, vài người không hiểu chuyện xua đuổi “con quỷ”, “con ma”, “đừng chơi với mẹ con nhà đó”,… Nhits lại nắm chặt tay mẹ: “Mẹ yên tâm, con có là quỷ thì con vẫn sẽ nấu cơm cho mẹ”, Nhits cười mà lòng chị đau nhói.

Mẹ ơi! Con là quỷ thật sao? Sao mẹ lại sinh ra một con quỷ ra trên cõi đời này? - Ảnh 10.

Vài ngày sau, một vị bác sĩ người Mỹ tiếp tục gọi 2 mẹ con vào phòng, đóng chặt cửa.

"Cháu thích đá bóng hay chơi nhảy dây hơn?" - vị bác sĩ hỏi. "Đá bóng ạ" - Nhits nhanh nhảu đáp.

"Cháu thích mặc váy hơn hay quần hơn?" - "Quần ạ".

"Cháu thích làm con trai hay con gái hơn" - "Con trai ạ"

Xong xuôi, ông quay sang Ka Dôi: "Cháu chính xác là con trai rồi. Nếu là con gái thì sau này cháu sẽ không có con, còn nếu là con trai thì cháu cần phải phẫu thuật để phát triển bình thường".

"Bao nhiêu tiền hả bác sĩ???" - Ka Dôi gặn hỏi. 

"120 triệu".

Người Cơ Ho như Ka Dôi sống cả đời trên bản Kơ Nệt, uống nước suối Ka La, ăn cây cỏ rừng Plang. Tháng 3, họ mải miết đi đào hố cà phê cho người Kinh. Tháng 4, con gái theo mẹ dệt vải, con trai theo cha lên rừng, trèo vách đá để hái hoa lan. Mùa hạ về lại đi lặt cà phê, lặt lá chè, trồng ruộng, chăn trâu,… Cả đời họ không nhớ nổi mình đã trèo qua bao quả đồi, lội bao con thác, bươn bao bản nương, nhưng mặt tờ tiền 500 nghìn đồng thì họ chưa từng quen thuộc.

Hôm đó, bác sĩ nhìn đôi mắt sưng phồng của Ka Dôi, ông rút trong túi ra tờ tiền đô-la rồi dúi vào tay chị: "Nếu không phẫu thuật thì chị đi cắt tóc cho cháu. Đặt cho cháu cái tên con trai mới nhé!". 

Ka Dôi dắt tay con ra khỏi bệnh viện, đi vòng vèo trên những con đường đông nghịt xe cộ, vô định. Cuối buổi chiều, chị khựng lại trước cửa tiệm tóc. "Chú cắt sao cho con gái tôi thành con trai", chị đề nghị, chàng nhân viên bất ngờ.

Chàng nhân viên càng tỉ mẩn cắt những nhánh tóc bao nhiêu, Ka Dôi càng khóc to bấy nhiêu. Mái tóc dài qua lưng màu vàng cháy, Ka Dôi từng yêu thương. Từng lọn tóc rơi lả tả, chị nhặt nhạnh, bó lại thành chùm dài bằng dây chun.

Rồi chị dắt con vào chợ. Đứng trước cửa hàng, chị vuốt mớ tóc con của Nhits rồi cười mỉm: "Con chọn 3 bộ đồ con trai con thích. Từ nay, Nhits của mẹ không phải là con gái nữa nên mẹ gọi con là Gia Khôi. Con là con trai của mẹ nhé…". Nhits ri rỉ nước mắt. 

Ngoài đường, trời Sài Gòn kéo mưa, xám xịt.

Mẹ ơi! Con là quỷ thật sao? Sao mẹ lại sinh ra một con quỷ ra trên cõi đời này? - Ảnh 11.
Mẹ ơi! Con là quỷ thật sao? Sao mẹ lại sinh ra một con quỷ ra trên cõi đời này? - Ảnh 12.

Sáng hôm sau, 2 mẹ con Dôi bắt chuyến xe đầu tiên về bản. Chị nắm chặt tay Nhits bước qua những quả đồi vẫn còn im lìm ngủ, lòng mơn man hạnh phúc, nghĩ mình như thể vừa sinh ra Nhits thêm lần nữa.

Sang ngày thứ hai, Nhits đã tự mình băng đồi đi học. Giữa tiết sinh hoạt, cô giáo xuống bàn, dắt cậu lên bảng: "Các em từ nay gọi Nhits là Gia Khôi. Dù có chuyện gì thì chúng ta vẫn phải tôn trọng bạn nhé", cả lớp ào ào vỗ tay.

Xóm làng dần dà quen hơn với hình ảnh cậu con trai sáng bươn rừng đi học, chiều lên nương trồng cà phê. "Giờ mới giống nó đó", "Đẹp trai hơn làm con gái nhiều"… lời dân bản tấm tắc khen khiến Khôi cười cả đêm.

Một tối, cậu xin mẹ xuống nhà thờ Ka La chơi. Khôi mặc nguyên bộ đồ mới, đạp con xe ra khỏi bản. Trên cao, trăng tròn vành vạch, vắt mình qua những ngọn thông.

Sau buổi lễ, cả đám bạn ríu rít ra về, tiếng cười đùa lúc to lúc nhỏ vang khắp đường. Đến giữa cánh đồng, từ trong bụi dã quỳ, ba cái bóng đen phóng ra như mũi lao, bay thẳng lên xe rồi đạp Nhits ngã xuống. Đám bạn đứng xa, sợ sệt rồi bỏ chạy.

Một tên ghì tay Nhits lật ngược ra sau lưng, đè xuống đất. Hai tên còn lại, thân người mập ú, ngồi hẳn lên bắp chân Nhits. Rồi chúng đấm liên hồi vào mặt: "Chính mày là con quỷ bê đê ở Kơ Nệt", "Cởi quần nó ra xem nó đi thành phố làm cái gì trong đó". Vừa nói chúng vừa kéo chiếc áo thun đứt thành từng mảnh.

"Dừng lại… Dừng lại đi mà…" - Khôi run rẩy, cố đẩy chúng ra để bỏ chạy nhưng một tên đã cầm khúc cây to đập vào bụng, vào cánh tay, vào bắp chân khiến cậu ngã quỵ. 

Mẹ ơi! Con là quỷ thật sao? Sao mẹ lại sinh ra một con quỷ ra trên cõi đời này? - Ảnh 14.

Khôi nghe tiếng xương mình kêu lên răng rắc, vỡ vụn. Máu túa ra từ bên tai xuống má, qua môi. Tay bên phải cũng máu, bên trái cũng máu, dưới bụng, ngang chân,… tất cả đều đang chảy máu ròng ròng. "Làm ơn, ai đó cứu cháu với…", Khôi khóc. "Con quỷ cái. Tao sẽ giết mày. Mày làm gì có quyền sống ở cái đất này. Ngày này năm sau sẽ là ngày giỗ của mày…" - tiếng bọn chúng gầm thét lên dữ dội. Khôi chỉ còn thều thào: "Ai đó cứu cháu với", rồi thiếp đi.

Trên những bậc ruộng thoai thoải, cậu loáng thoáng thấy mình bị xách ngược lên như xách một con lợn đang vào buổi hành quyết. Tiếng cây gỗ đập vào tay vẫn kêu lên chanh chách và những liếp lá lúa vươn dài cũng bắt đầu cắt vào da thịt cậu theo mỗi bước chúng đi. Khôi mơ màng, chẳng còn nhớ mình đã bị lôi đi bao lâu, bao xa.

Tới bờ mương, chúng ném Khôi xuống đất như ném một bao bông. Rồi một tên đè hẳn lên người, túm tóc: "Giờ kêu đi. Kêu to lên. Kêu cho người ta tới đây cứu mày". 5 móng tay sắt lẹm như lưỡi mác của hắn bấu vào da đầu Khôi đến bật máu. Tên còn lại chèn hai cánh tay nữa đè chặt thêm lên đầu. Chúng nhận Khôi chúi xuống bùn.

"Giỏi thì la lên, la lên đi con quỷ cái", chúng cười, một giọng cười đầy thuốc độc.

Chúng lôi đầu Khôi lên, rồi nhận xuống, lôi lên, rồi nhận xuống… Mỗi lần như thế lại càng sâu hơn, tàn nhẫn thêm. "Mày đi chết điiii". Bùn tràn lên mặt, vào miệng, ngập trong cuốn họng, lấp đầy bụng, phổi, ruột, gan, tim… Hả miệng ra, mùi tanh của máu trộn lẫn bùn túa ra như thác. "Mẹ… Mẹ ơi… Cứu con… Mẹeee", cậu ú ớ gào lên cho đến khi tiếng kêu bay qua khỏi cánh đồng, im bặt.

Phía trên cao, chiếc điện thoại sáng trưng đã che mờ ông trăng. Thứ ánh sáng mờ mờ ảo ảo hoà trộn cùng tiếng cười khanh khách: "Từ mai cả trường sẽ được xem đoạn phim này. Con quỷ cáiiii". Và cuối cùng, đường chỉ quần bị xé toạc cũng vang lên. Tiếng đường chỉ mềm mại, nhẹ nhàng như tiếng khung cửi lúc mẹ Khôi ngồi dệt vải, bồi thêm cho thứ âm thanh hoang dại ấy. Chiếc quần thun đẫm máu đã bị xé làm đôi, rách tươm. 

Cơ thể Khôi đầy máu. Máu túa ra ướt sũng chiếc áo, chiếc quần, bông lúa. Khôi cứ nằm vật ra giữa vũng bùn, mắt tối sầm.

Mẹ ơi! Con là quỷ thật sao? Sao mẹ lại sinh ra một con quỷ ra trên cõi đời này? - Ảnh 15.

15 phút sau, một vài người đi lễ ra về muộn, tiếng chiếc máy chạy phía xa xa vang lên. Ba tên thanh niên hoảng loạng, bỏ chạy. Chúng lẫn vào bóng tối rồi mất hút. Không ai biết chúng là ai.

Mẹ ơi! Con là quỷ thật sao? Sao mẹ lại sinh ra một con quỷ ra trên cõi đời này? - Ảnh 16.

"Đêm đó, em chẳng còn đau đớn nữa. Đứng trên cầu chỉ ước được nhảy xuống để chết đi. Em biết rằng mình có thay đổi bộ dạng thế nào đi nữa thì họ cũng không tha cho mình. Mỗi ngày sống trong địa ngục thì chết có phải kết thúc tất cả không?" - Khôi nức nở.

Nhưng đêm đó, trước con suối Ka La, Khôi nhớ mẹ. Cậu lau vội nước mắt, đạp xe trở về làng.

Mẹ ơi! Con là quỷ thật sao? Sao mẹ lại sinh ra một con quỷ ra trên cõi đời này? - Ảnh 17.

***

Kỳ học tiếp theo ở trường, trừ vài trận cãi cọ vặt vãnh, Khôi đã có thêm nhiều người bạn mới. Sáng đi học, chiều Khôi đi đào hố cà phê, cắt cỏ, trồng chuối, lội mương nước và mang về nhà giỏ cua mướt thịt. Tháng 3, năm học lớp 9 của Khôi bắt đầu bằng mùa mimosa vàng óng núi đồi.

Ngày mùng 8/3 năm đó, Ka Dôi cùng chị em xuống núi vui chơi. Hôm đó, phụ nữ nhảy nhót vui vẻ giữa buổi tiệc rượu. "Người ta quay clip rồi đăng lên mạng nói này nói nọ, chửi bới cả chị với Khôi. Chị xem xong, mới phàn nàn, mắc công họ nhắc lại chuyện Khôi, thằng bé đọc sẽ buồn" - Ka Dôi kể.

Hai hôm sau, cả nhà Ka Dôi đang ngồi quây quần bên buổi cơm chiều thì một tốp người ầm ĩ kéo đến. Khôi không đếm xuể là bao nhiêu. Những người đàn ông lực điền cầm trên tay khúc gỗ, vung chân đạp cái cổng rào yếu ớt khiến nó dễ dàng đổ sầm. Khuôn mặt họ đỏ au vì tức giận. "Nó đó. Nó hôm bữa chửi em. Bảo em đĩ này đĩ nọ", người đàn bà đứng giữa lên tiếng rồi người đàn ông chạy ào vào, nắm tóc Dôi kéo ra trước cửa nhà.

“Này thì chửi vợ tao… Này thì chửi vợ tao”, ông vừa chửi vừa vung những quả đấm như búa tạ xuống đầu. Đau đớn, Dôi nằm gục, chịu trận. Xung quanh, người ta đứng vây thành vòng tròn, đông nghịt.

“Đánh nó, nó dám chửi tôi”, “Đánh… Đánh nó…”, người đàn bà vẫn tiếp tục chửi lớn trong khi tốp đàn ông ồ ạt sấn tới như vũ bão. Bố Khôi chỉ kịp can ngăn thì cũng bị bóp cổ xách lên: “Vợ mày dám chửi vợ tao à…”. Ba đứa trẻ trong nhà khóc thét.

Hôm ấy, Khôi chạy ra nắm vạt áo từng người Cơ Ho, nài nỉ: “Ai đó giúp mẹ cháu với”, nhưng tất cả chỉ ái ngại nhìn cậu bé bằng cặp mắt trân trân. “Ai đó giúp bố mẹ cháu…” - Khôi khóc thành tiếng.

Mẹ ơi! Con là quỷ thật sao? Sao mẹ lại sinh ra một con quỷ ra trên cõi đời này? - Ảnh 18.

Người đàn ông thả Dôi xuống đất, chạy sang túm cổ Khôi rồi xách lên trước cửa nhà như xách con gà: "Mày là con quỷ bê đê do nó đẻ ra phải không?". Ông chỉ tay sang Ka Dôi: "Tao nói cho cả nhà mày biết, đã sinh 3 đứa con, quỷ không ra quỷ, người không ra người thì nên biết thân biết phận". Nói rồi, lão đấm, lão đá, lão dẫm đạp lên Khôi.

Khôi gục xuống, rỉ khóc: "Có phải con trở thành con trai, đó là cái tội không mẹ?".

Lần đầu tiên, sau chiếc áo rách, Dôi thấy những vết sẹo dài ngoằn nghèo trên cơ thể con. Vết trên vai hình ngôi sao, vết ngang khuỷu tay, vết giữa lưng đan hình chữ X…, tim chị thắt lại. Hơn cả nước mắt, một sự đau đớn không lời khiến chị đứng dậy, quệt sạch nước mắt, cãi lại: "Dù nó là gái hay trai, thì nó vẫn là con của tôi, tôi tự khắc biết nuôi thế nào".

Hôm ấy, bàn tay nhỏ xíu của Khôi chợt ấm áp lạ kỳ trong tay mẹ. Cậu ngước nhìn mẹ, nước mắt từ từ lăn xuống đôi gò má đen sạm. Không còn đau khổ. Không còn tổn thương. Không còn đám đông sỉ vả xa gần nhỏ to.

Đoàn người hả hê đã kéo nhau ra về, người Cơ Ho cũng vãn ra sau con dốc…

Mẹ ơi! Con là quỷ thật sao? Sao mẹ lại sinh ra một con quỷ ra trên cõi đời này? - Ảnh 19.

***

Ngày chia tay tôi, Khôi gửi lại quyển nhật ký rồi thỏ thẻ: "Anh mang về Sài Gòn, giúp em gửi đến với quỹ Thiện Nhân-Trần Mai Anh. Ở đây, họ làm thất lạc.". Trong sấp giấy được xé ra từ những cuốn tập cũ là 15 năm cuộc đời đầy máu và nước mắt của Khôi.

Mẹ ơi! Con là quỷ thật sao? Sao mẹ lại sinh ra một con quỷ ra trên cõi đời này? - Ảnh 20.

Sang năm Khôi lên lớp 10, em sẽ còn đi học? Ở ngôi trường mới, em sẽ đối diện với những gì? Cuộc ẩu đả? Cãi vả? Bạo hành?… "Đợt này, chị nhất quyết bán hết bò, bán hết cà phê, đưa Khôi xuống Sài Gòn để người ta cho nó làm con trai. 120 triệu thì chắc cần nhiều bò, nhiều rẫy cà phê lắm hả em?" - Ka Dôi hỏi tôi.

"Quỹ Thiện Nhân-Trần Mai Anh hứa với em tháng 11, có tiền thì họ cũng sẽ cho em phẫu thuật miễn phí. Nhưng nếu không được, trong khai sinh em vẫn còn là con gái thì sang năm vẫn phải mặc áo dài đi học. Con trai mặc áo dài, có giống con quỷ quá không anh???", Khôi nhìn quyển nhật ký, nhìn tôi, mỉm cười.


Mẹ ơi! Con là quỷ thật sao? Sao mẹ lại sinh ra một con quỷ ra trên cõi đời này? - Ảnh 22.

Chung tay giúp mẹ con Ka Nhits và những đứa trẻ bị khuyết thiếu

Tháng 11.2019, Quỹ Thiện Nhân và những người bạn sẽ tiến hành mổ cho 84 đứa trẻ khuyết thiếu bộ phận sinh dục, "lạc" giới tính thật như Ka Nhits và khám khoảng hơn 300 đứa trẻ khác. Mỗi ca mổ cần tối thiểu 35.000.000 đồng. Rất mong sự chung tay của các nhà hảo tâm để những vết thương của những đứa trẻ và gia đình họ được hàn gắn.

- Mọi sự ủng hộ xin gửi về:

* Tên tài khoản: Trần Mai Anh

Số tài khoản: 0011000474142; Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam VCB - Chi nhánh Hoàn Kiếm

* Tên tài khoản: VPDD tổ chức Asia Injury Prevention Foundation tại Việt Nam

Số tài khoản: 1100187251; Ngân hàng cổ phần thương mại Sài Gòn – Hà Nội chi nhánh Ba Đình.

Huy Hậu
JPG
Huy Hậu
Theo Trí Thức Trẻ30/10/2019