Tuổi thơ vất vả
Gần 1 tuần nay, căn nhà nhỏ của gia đình bà Tống Thị Đông (SN 1973) ở xã Trực Khang (huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) lúc nào cũng có người tới lui thăm hỏi.
Họ ngồi kể cho nhau nghe về hành động dũng cảm dùng búa đập tường cứu người của con trai bà Đông là anh Đồng Văn Tuấn (SN 2003).
Trước đó, Tuấn đã cùng 3 người khác hợp sức phá tường để cứu thành công 4 người trong vụ cháy nhà trọ tại phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Bà Đông chia sẻ, sau khi vụ cháy xảy ra, Tuấn về thăm bà một vài ngày sau đó lại lên Hà Nội mưu sinh bằng nghề lái xe ôm công nghệ dù cho vết thương ở tay còn chưa khỏi hẳn.
Nhớ lại thời điểm biết tin con trai cùng nhiều người phá tường để giải cứu các nạn nhân của vụ cháy nhà trọ, bà Đông cho biết đến hiện tại bà vẫn chưa hết bàng hoàng.
Sáng ngày 24/5/2024, như mọi ngày, bà Đông rời nhà đi làm thuê. Rạng sáng ngày hôm đó, vụ cháy nhà trọ xảy ra. Dùng điện thoại "cục gạch", lại không biết "chơi" mạng xã hội nên bà Đông chẳng hay tin về vụ cháy đó.
Đến chiều trở về nhà, bà Đông thấy nhiều người hàng xóm kể cho nhau nghe về chuyện cu Tuấn, con trai bà cùng nhiều người phá tường và giải cứu được nhiều người khỏi vụ hỏa hoạn.
"Biết được vụ cháy khiến nhiều người tử vong, tôi bàng hoàng quá. Về hành động cứu người của Tuấn, tôi nghĩ rơi vào trường hợp đó ai cũng sẽ làm như thế", bà Đông chia sẻ.
Người phụ nữ cho biết thêm, bên cạnh nỗi xót xa cho những nạn nhân gặp nạn, bản thân bà cảm thấy vui vì hành động của con trai và những người khác đã khiến cho số nạn nhân tử vong trong vụ cháy chỉ dừng ở 14.
Bà Đông bảo, bà vui bởi dù không được học hành đầy đủ nhưng Tuấn vẫn luôn nhớ lời bà dạy trước khi "vào đời" đó là "phải biết kiếm tiền một cách chân chính và cứu giúp mọi người khi gặp hoạn nạn".
Tâm sự nhiều hơn về Tuấn, bà Đông không giấu nổi nỗi xót xa. Tuấn là người con duy nhất của vợ chồng bà. Trước đây, gia đình bà Đông sinh sống ở xã Nghĩa Thái (huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định).
Tuổi vừa lên 3, Tuấn đã phải chịu cảnh mồ côi khi người bố không may qua đời vì bạo bệnh. Cũng kể từ đó, mẹ con Tuấn chuyển về ở với bà ngoại tại thôn 3 (xã Trực Khang).
20 năm, đó là khoảng thời gian bà Đông phải gánh trách nhiệm vừa làm mẹ, vừa làm bố. Bà Đông bảo đó là những ngày tháng vất vả mà bà sẽ không bao giờ quên.
Để có tiền nuôi con, bà Đông chấp nhận làm bất cứ nghề gì miễn là kiếm được đồng tiền chính đáng. Từ làm thuê, cuốc mướn, phụ hồ, chẳng việc gì bà từ nan.
Thế nhưng, dù bà có cố gắng bao nhiêu cũng chẳng thể có cho con được cuộc sống đủ đầy. Trong tâm khảm, điều bà Đông day dứt nhất là không thể lo cho con trai được học hành tử tế như chúng bạn.
"Bất kỳ ai trong hoàn cảnh đó cũng sẽ đều làm như vậy"
Cũng vì gia cảnh khó khăn nên khi chưa học hết cấp 3, Tuấn đã phải nghỉ học để lăn lộn kiếm sống phụ mẹ chăm lo cho gia đình. Và vì đường học vẫn còn dang dở nên những công việc phù hợp với Tuấn chỉ là lao động chân tay.
Tuy còn ít tuổi nhưng Tuấn đã có thời gian dài làm việc trong Nam. Nam thanh niên mới chuyển ra Hà Nội được khoảng 1 tháng để được gần mẹ. Không bằng cấp, ngoài Hà Nội lại ít việc nên Tuấn lựa chọn công việc chạy xe ôm công nghệ để kiếm sống.
Hiểu hoàn cảnh gia đình nên Tuấn luôn nhắc nhở bản thân phải thật cố gắng. Đều đặn hàng ngày, Tuấn rong ruổi hàng trăm cây số bất kể ngày nắng cũng như ngày mưa.
Một người ở chung khu nhà trọ với Tuấn chia sẻ rằng. Mỗi ngày, Tuấn luôn là người rời nhà trọ sớm nhất và trở về khi mọi người đã say ngủ.
Và rạng sáng ngày 24/5/2024, trong khi đang dùng bữa sau một ngày dài lao động, Tuấn phát hiện ra vụ hỏa hoạn và đã phối hợp cùng nhiều người giải cứu được 3 nạn nhân.
Khi người thứ 3 được đưa ra khỏi vụ hỏa hoạn cũng là lúc ngọn lửa bùng lên dữ dội, mọi nỗ lực cứu những người tiếp theo của Tuấn và mọi người đều vô vọng.
Lúc này, họ chỉ còn biết bất lực trước tiếng kêu cứu của những người còn mắc kẹt trên tầng thượng. Tuấn chia sẻ bản thân cảm thấy buồn khi không thể cứu thêm được những người khác.
Trước lời ngợi khen của cộng động mạng, Tuấn bảo đây là việc nên làm và "bất kỳ ai trong hoàn cảnh đó cũng sẽ đều làm như vậy".