Mới đây, trong một cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức quản lý tài chính cá nhân, một cô gái đã kể lại câu chuyện có phần đáng buồn của mình.
Chuyện là bố mẹ cô có 2 mảnh đất. Trước khi mất, mẹ cô có viết di chúc để lại toàn bộ tài sản của bản thân cho cô và em gái. Tuy nhiên, sau khi lấy vợ mới, bố cô lại muốn toàn quyền đứng tên 2 mảnh đất đứng tên ông và vợ cũ - là người mẹ đã qua đời của cô gái trong câu chuyện này.
Người bố nói rằng đất là của bố mẹ, mẹ mất rồi thì đất là của bố, bố muốn cho ai thì cho. Điều này khiến cô rất buồn, chẳng biết nên làm sao để vẫn giữ được tài sản mẹ để lại, mà không làm sứt mẻ tình cha con.
Trong chia sẻ của mình, cô con gái cũng nhấn mạnh rằng nếu bố không lấy vợ mới, cô cũng không bao giờ bận tâm đến chuyện chia tài sản của bố và mẹ, dù mẹ đã qua đời.
Mọi chuyện chỉ thay đổi khi bố cô "đi bước nữa". Người mẹ kế cũng có 2 người con trai riêng và đang sống với bố của cô tại căn nhà được xây trên 1 mảnh đất có phần của mẹ ruột cô.
Phương án giải quyết mà cô gợi ý là bố sang tên mảnh đất nhỏ cho cô và em gái, còn mảnh đất to hơn - cũng là mảnh đất mà bố cô đang sống cùng gia đình mới, thì sẽ sang tên hoàn toàn cho bố. Tuy nhiên, ông bố không chấp nhận.
CĐM bất bình, nhiệt tình bày cách cho cô con gái
Trong phần bình luận của bài tâm sự này, tất cả mọi người đều đứng về phía cô con gái, và cho rằng ông bố làm vậy là có phần quá quắt. Ngoài đồng cảm và thương cảm, CĐM cũng bày cách giúp cô gái giữ được tài sản mà người mẹ quá cố để lại.
Anh em trong nhà tranh giành tài sản của bố mẹ sau khi bố mẹ qua đời đã là câu chuyện đáng buồn. Đằng này lại là bố tranh tài sản vợ cũ để lại cho con. Người ta vẫn bảo "hổ dữ không ăn thịt con", nhưng đúng là trên đời này, chuyện gì cũng có ngoại lệ.
Có ngoại lệ là tốt, có ngoại lệ là xấu. Buồn thay, câu chuyện của cô gái trong câu chuyện phía trên lại rơi vào vế sau...
Những thông tin cơ bản về phân chia tài sản thừa kế theo Pháp luật
1 - Di chúc không công chứng có hiệu lực pháp lý không?
Hay nói cách khác là người để lại di chúc cho người thừa kế di sản có bắt buộc phải công chứng, chứng thực bản di chúc không?
Căn cứ theo Điều 628 Bộ luật Dân sự 2015, có 4 hình thức di chúc hợp pháp, gồm: Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng, di chúc bằng văn bản có người làm chứng, di chúc bằng văn bản có công chứng, di chúc bằng văn bản có chứng thực .
Bên cạnh đó, Điều 643 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về hiệu lực của di chúc như sau:
- Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế.
- Di chúc không có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong 2 trường hợp sau đây:
Trường hợp 1: Người thừa kế theo di chúc qua đời trước hoặc cùng thời điểm với người lập di chúc.
Trường hợp 2: Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Đối chiếu những thông tin trên với trường hợp của cô gái trong câu chuyện phía trên, có thể thấy: Dù bản di chúc mẹ cô để lại chưa được công chứng, đó vẫn là bản di chúc hợp pháp. Đồng thời, người thừa kế trong di chúc của người mẹ vẫn còn sống, nên bản di chúc vẫn có hiệu lực toàn phần.
2 - Ba hàng thừa kế theo quy định của Pháp luật
Vợ chồng cùng nhau đứng tên tài sản. Trong trường hợp 1 người qua đời và có để lại di chúc như người mẹ của cô gái trong trường hợp phía trên, bố cô hoàn toàn không có quyền sở hữu toàn bộ phần tài sản chung.
Điều 651, Bộ luật Dân sự 2015 quy định người thừa kế theo pháp luật như sau:
Hàng thừa kế thứ nhất gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người quá cố.
Hàng thừa kế thứ hai gồm : Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người quá cố.
Hàng thừa kế thứ ba gồm: Cụ nội, cụ ngoại của người quá cố; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người quá cố.
Như vậy có thể thấy: Nếu không có bản di chúc mà người mẹ để lại, phần tài sản của người mẹ sẽ được chia đều cho các hàng thừa kế theo quy định của Pháp luật.
Mong muốn của ông bố trong câu chuyện trên là hoàn toàn bất khả thi, dù là trên phương diện tình cảm hay pháp luật.