Một trong những tình huống quen thuộc mà trẻ thường xuyên gặp phải khi mới đi học chính là mất đồ dùng. Đầu năm học nào, trên các diễn đàn, phụ huynh cũng "rần rần" chia sẻ nỗi đau đầu chung vì hôm nay con mất tẩy, mai mất thước... cả sách, vở cũng không cánh mà bay đi nơi nào không tìm thấy được.
Mới đây, một bà mẹ cũng hài hước chia sẻ chuyện "kiểm kê cơ sở vật chất, tài sản cố định sau 3 tuần bắt đầu sự nghiệp học hành" của con khiến hội phụ huynh cười ra nước mắt vì đồng cảm. Theo đó, phụ huynh này liệt kê:
Tẩy: Còn 3 mẩu tẩy bé bằng hạt đỗ đen và vô số mẩu khác với kích thước tương đương từ hạt kê cho đến hạt đỗ xanh. Bút chì: Gọt hết 3 cái, mất 2 cái, còn 2 cái (đã rụng cả tẩy và đuôi bút chì), may mắn vẫn giữ được 1 cái ngòi chì gãy trong hộp bút. Bút màu: Mất 1 chiếc. Gọt bút chì: Vẫn còn nguyên xi.
"Tài sản" còn lại sau khi bà mẹ kiểm kê cơ sở vật chất sau 3 tuần con bắt đầu sự nghiệp học hành
Tính ra, em học sinh này vẫn còn biết giữ gìn đồ dùng học tập. Đọc bình luận mới thấy, một số phụ huynh còn đau đầu hơn nhiều. Chẳng hạn, một người kể, con nhà mình mất vở thực hành Mỹ thuật, Clear bag đựng tất cả đồ Mỹ thuật, mất khoảng 3 cái bút chì, 2 cục tẩy. Một phụ huynh khác than thở 5 bút chì, 2 cục tẩy... đã ra đi chỉ sau chưa đầy 1 tháng con làm học sinh lớp 1. Chưa kể, ngày nào cũng sáng đem đi đầy đủ, tối về mỗi thứ 1 ngăn, nhìn thôi đã đau đầu.
Đặc biệt, có phụ huynh còn ngán ngẩm kể, ngày thứ 2 đi học con... mất nguyên cái cặp sách. Sau đó một ngày mất 1 cái bút chì loại 30 ngàn đồng/cây. Và mới đây thì con làm mất nguyên tập file Toán cô giao về.
Còn đây là tâm sự của một bà mẹ khác: "Con tôi mất mũ, mất bình nước. Bút chì thì toàn cho bạn vì bạn khen bút con đẹp. Tôi bảo mẹ rất tốn tiền để mua đồ tốt cho con mà sao con không biết giữ gìn thì “chị ấy” bảo lại "không sao con dùng đồ rẻ cũng được mẹ ạ"… Tới đây thì đúng là bó tay toàn tập mất rồi.
Làm sao khi con hay mất đồ dùng học tập?
Học sinh lớp 1 vẫn còn quá nhỏ nên chưa ý thức được việc bảo vệ đồ đạc, tài sản cũng như cách thức xử lý khi phát hiện mất đồ. Nếu bố mẹ luôn lớn tiếng mắng mỏ, dọa nạt, thậm chí đánh đập, trẻ sẽ cảm thấy sợ hãi. Lần sau mất đồ cũng sẽ không dám nói. Rồi những chuyện nghiêm trọng hơn sẽ xảy ra, chẳng hạn như ăn trộm của bạn cùng lớp...
Bố mẹ nên hướng dẫn con hình thành ý thức "thứ này là của mình, người khác không được tùy tiện lấy". Nói với trẻ "chiếc bút chì này là của con, con là chủ nhân của nó, phải bảo vệ thật tốt".
Bạn cũng có thể để con đánh dấu đồ vật, chẳng hạn như viết tên của mình lên đồ dùng để trẻ thiết lập mối quan hệ với món đồ của mình, đó chính là mầm mống nhận thức trách nhiệm. Hoặc cha mẹ đưa con cùng đi lựa đồ dùng học tập. Nếu đồ con thích thì sẽ có ý thức giữ gìn hơn. Có thể thảo luận trước với con rằng con cần phải trả tiền cho những văn phòng phẩm bị mất bằng tiền túi của mình. Đó có thể là những khoản tiền tiêu vặt hoặc tiền tiết kiệm dịp Tết, sinh nhật con được tặng.
Nếu bố mẹ muốn trau dồi khả năng tự chăm sóc bản thân cho con, có thể bắt đầu bằng việc hướng dẫn con dọn dẹp phòng. Ví dụ, chỉ cần thu dọn đồ chơi và bàn học mỗi tối, đặt những thứ đã sử dụng trở lại vị trí ban đầu để giữ cho căn phòng ngăn nắp; đặt vở bài tập đã làm vào cặp sách và chuẩn bị đồ dùng cần thiết cho ngày mai đi học. Phụ huynh cũng nên có ý thức giữ gìn môi trường gia đình sạch sẽ, ngăn nắp, hình thành thói quen tốt khi sử dụng xong cất đồ vào chỗ cũ, làm gương cho con cái.
Mỗi ngày trẻ đi học về, bố mẹ kiểm tra thấy bé không bị mất đồ dùng học tập thì đừng tiếc lời khen cho con. Khi trẻ làm mất đồ cũng cố gắng kiềm chế cơn cáu giận mà thay vào đó là những lời nhẹ nhàng hơn.
Chẳng hạn như: "Bố/mẹ lo quá chắc sắp hết tiền mua đồ dùng học tập cho con rồi" hay "Mẹ định mua cho con cây bút hình siêu nhân/công chúa nhưng vì con làm mất nhiều quá nên giờ chỉ đủ tiền mua cho con cây bút thường thôi". Những câu nói có tính mưa dầm thấm lâu này sẽ có tác dụng thay đổi trẻ nhiều hơn là sự quát nạt.