Cách đây không lâu, một bé gái 6 tuổi ở Hà Nam (Trung Quốc) được mẹ đưa đến trường mẫu giáo. Không hề e dè hay sợ sệt, cô bé từng bước tiến vào cổng trường một cách vô cùng tự tin. Cảnh cô bé bước vào cổng trường đã được người mẹ quay lại và chia sẻ lên mạng xã hội.
Từ đoạn video được đăng tải, có thể thấy cô bé đáng yêu ngẩng cao đầu, lưng giữ thẳng, ngực ưỡn ra và vẫy tay chào, nhìn chẳng thua kém gì những người mẫu chuyên nghiệp trên sàn catwalk. Trước ánh nhìn của mọi người xung quanh, bé gái vẫn giữ vững tinh thần, duy trì sự tự tin hiếm có.
Đoạn video nhanh chóng thu hút sự chú ý của cư dân mạng, trở thành đề tài gây tranh cãi. Ai nấy không khỏi trầm trồ thích thú trước dáng đi chuẩn người mẫu không chê vào đâu được của cô bé. Dù vậy, mọi người lại lo lắng sự tự tin đặc biệt đó có thể sẽ khiến bé gái bị bạn bè xa lánh và cô lập.
Bé gái đi vào trường với dáng đi như người mẫu và rất tự tin nhưng dân mạng lo việc đó dễ khiến cô bé bị bạn bè xa lánh.
Cư dân mạng cho rằng bé gái nên đi đứng bình thường khi đến trường. Việc di chuyển như người mẫu, không phân biệt được đâu là sân khấu, đâu là thực tế sẽ khiến bạn bè xung quanh cảm thấy không thích, dần dần không muốn chơi với em nữa.
Mẹ của bé gái 6 tuổi này kể con gái chị rất thích khiêu vũ và đi catwalk. Không riêng đi học, trong cuộc sống hàng ngày, cô bé cũng thích đi theo kiểu đó. Người mẹ sau đó cho biết chị đã đọc và tiếp thu ý kiến góp ý của mọi người, sẽ từ từ hướng dẫn con gái.
Trẻ con vốn rất đơn giản nhưng lại không sẵn sàng chấp nhận một số điểm khác biệt với mình. Các bé chưa chắc đã phân được điều gì đúng, điều gì sai nhưng biết rất rõ bản thân thích gì và không thích gì.
Trẻ có xu hướng bị xa lánh khi bị đánh giá là khác lạ so với bạn bè. Một đứa trẻ có một số hành vi đặc biệt có thể sẽ khiến bạn bè đồng lứa cảm thấy không thích, từ chối làm quen và chơi cùng.
Một đứa trẻ có khả năng đặc biệt, được mọi người khen ngợi có thể sẽ coi tính độc đáo của mình như một cách để thể hiện bản thân. Tự tin vốn là điều tốt nhưng nếu để trở thành tự cao, trẻ dễ đánh mất chính mình, tâm lý cũng sẽ thay đổi.
Không chỉ ích kỷ hơn, chỉ quan tâm tới bản thân, trẻ còn tự xem mình là trung tâm hay người giỏi nhất. Không đứa trẻ nào muốn có một người bạn như vậy cả.
Một số nguyên nhân khác khiến trẻ bị bạn bè xa lánh:
- Hành vi trong giao tiếp của trẻ: Nhiều bé có cách hành xử hung hăng hoặc phá phách khiến bạn bè cảm thấy không thích và xa lánh. Có trẻ lại tự tách mình, tránh tiếp xúc với bạn bè, dẫn đến khả năng kết bạn bị hạn chế.
- Những rắc rối trong gia đình: Rắc rối trong cuộc sống gia đình như cha mẹ ly hôn, cha mẹ nghiện rượu có thể sẽ tác động theo chiều hướng xấu tới các mối quan hệ bạn bè, tình cảm của trẻ.
Để con tránh rơi vào tình trạng trên, cha mẹ nên đồng hành và hướng dẫn con trong quá trình trưởng thành, giúp các bé biết điều tiết sự thể hiện của mình, sống khiêm tốn, không kiêu căng và phô trương. Trẻ cũng nên được dạy cách sống hòa đồng và tôn trọng người khác.
Trong trường hợp con liên tục bị bạn bè xa lánh, cha mẹ cần tỏ ra cho trẻ biết mình luôn thông cảm và hiểu những chuyện trẻ đang trải qua. Cha mẹ cũng cần khẳng định với trẻ rằng sẽ đứng về phía con và giúp con tìm cách để mọi việc thay đổi theo hướng tốt hơn.