Hiện Công an huyện Lâm Bình đang phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Tuyên Quang khẩn trương điều tra, làm rõ vụ án mạng mẹ kế sát hại con riêng của chồng phi tang thi thể ở vườn mía gây xôn xao dư luận xảy ra trên địa bàn xã Hồng Quang.
Nạn nhân trong vụ án là cháu Bàn Văn Th. (6 tuổi, trú tại địa chỉ trên) còn nghi phạm là La Thị Thức (SN 1989, trú tại thôn Khuân Nhào, xã Trung Hà, huyên Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang - mẹ kế cháu Th.).
Sau khi vụ án xảy ra đã gây bức xúc, phẫn nộ trong dư luận bởi hành vi sát hại cháu bé của Thức. Bên cạnh đó, nhiều người cũng đặt ra câu hỏi về mức án mà La Thị Thức có thể đối diện trước pháp luật?
Để giải đáp thắc mắc trên, PV đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội).
Luật sư Thơm cho biết: Quyền sống là quyền cơ bản nhất của con người, mọi hành vi tước đoạt tính mạng người khác trái pháp luật đều bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
Ngoài ra, trẻ em là những đối tượng đặc biệt được pháp luật Việt Nam và Công ước quốc tế về quyền trẻ em bảo hộ.
Vụ án trên có thể thấy, cháu bé Bàn Văn Th. là người không có lỗi trong việc mâu thuẫn vợ chồng.
"Chỉ vì sự ích kỷ bản thân mà La Thị Thức đã đang tâm, vô cớ sát hại rất dã man cháu bé. Không những vậy, sau khi sát hại cháu bé, đối tượng còn có hành vi đào đất phi tang thi thể cháu nhằm che giấu hành vi phạm tội.
Xét hành vi phạm tội của đối tượng đã cấu thành tội "Giết người". Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm b, n khoản 1 Điều 123 BLHS...", Luật sư Thơm nêu quan điểm.
Theo Luật sư Thơm, hành vi sau khi sát hại cháu Th., Thức đã đào đất chôn bé thì sẽ phải chịu thêm tình tiết tăng nặng được quy định tại điểm p, khoản 1 Điều 52 BLHS "Có hành động xảo quyệt hoặc hung hãn nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm".
Trong vụ án trên, La Thị Thức vừa sinh con được hơn 1 tháng tuổi nên cơ quan chức năng cần xem xét đối tượng khi thực hiện hành vi phạm tội có bị ảnh hưởng bệnh trầm cảm sau sinh hay không để xác định năng lực chịu trách nhiệm hình sự.
Nếu có căn cứ đối tượng bị bệnh tâm thần hoặc trầm cảm sau sinh thì cần thiết trưng cần giám định năng lực chịu trách nhiệm hình sự.
Nếu kết quả giám định của cơ quan chuyên môn kết luận đối tượng bị bệnh tâm thần hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi thì sẽ được giảm nhẹ một phần hình phạt khi xét xử.
Mặt khác, theo Điều 40 BLHS quy định "Không áp dụng hình phạt tử hình đối với phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi"
Như vậy, nếu La Thị Thức có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự thì mức hình phạt cao nhất mà đối tượng có thể phải đối mặt là tù Chung thân.
"Hành vi phạm tội của đối tượng đã thể hiện sự côn đồ hung hãn, vô cớ tước đoạt đi quyền sống của cháu bé, gây tang thương mất mát cho gia đình người bị hại và gây mất an ninh trật tự trên địa bàn, khiến dư luận cả nước bất bình nên cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật...", Luật sư Thơm bày tỏ.