Hổ dữ không ăn thịt con, vậy tại sao bà mẹ già này lại giết chết con ruột của mình?
Đứa con không bình thường
Cụ bà Vương Uyển Lan sinh ra tại một ngôi làng nhỏ ở Quảng Đông vào những năm 1930. Thuở nhỏ kham khổ và sự bất ổn của thời đại khiến bà khó có thể bình yên mà lớn lên, đến chuyện học hành mà bà còn không dám nghĩ tới.
Năm 20 tuổi, bà vào làm ở một nhà máy sản xuất máy, có công việc ổn định nên cuộc sống cũng dần khá hơn. Cũng tại nhà máy này, bà Vương Uyển Lan đã gặp được chồng của mình.
Sau một năm yêu nhau, cả hai đã tổ chức một đám cưới đơn giản. Một năm sau, Vương Uyển Lan sinh con trai lớn Lý Kiến Kiên. Cuộc sống tưởng chừng hạnh phúc này lại tan vỡ khi đứa con trai thứ hai ra đời khi Vương Uyển Lan 37 tuổi.
Khi Lý Kiến Ân được hơn một tuổi, vợ chồng Vương Uyển Lan dần phát hiện ra vấn đề, cậu bé không thể gọi bố mẹ mà chỉ có thể phát ra những âm thanh ú ớ khác thường, thậm chí còn không biết cách lật người.
Đến 5 tuổi, Lý Kiến Ân vẫn không thể làm được bất cứ điều gì.
Hai vợ chồng vội vàng đưa con trai đến bệnh viện, không ngờ kết quả chẩn đoán của bác sĩ như sét đánh giữa trời quang, Lý Kiến Ân mắc chứng trisomy 21, hay còn gọi là hội chứng Down ở trẻ sơ sinh. Đây là một căn bệnh bẩm sinh không thể chữa khỏi, cả đời đứa trẻ phải cần được người khác chăm sóc.
Nỗ lực để giúp con sống như đứa trẻ bình thường
Với tia hy vọng cuối cùng, hai vợ chồng đưa con trai đến các bệnh viện lớn ở Bắc Kinh và Thượng Hải để khám nhưng kết quả cuối cùng vẫn như nhau.
Thấy không còn hy vọng chữa trị, vợ chồng Vương Uyển Lan cuối cùng cũng chấp nhận sự thật và đưa con trai về nhà.
Để con mình sống khỏe mạnh, họ đã đến gặp bác sĩ y học cổ truyền Trung Quốc, hỏi ý kiến chuyên gia dinh dưỡng, thậm chí còn bỏ ra rất nhiều tiền để mua rất nhiều thực phẩm bổ sung và thuốc. Họ chỉ mong Lý Kiến Ân có thể sống giống một đứa trẻ bình thường nhất có thể.
May mắn thay, bằng sự nỗ lực của hai vợ chồng, Lý Kiến Ân cuối cùng cũng có thể gọi được “bố mẹ” khi gần 20 tuổi.
Nghe thấy tiếng gọi của đứa trẻ, Vương Uyển Lan rất vui mừng, cảm thấy nỗ lực của mình cuối cùng cũng được đền đáp. Bà dành rất nhiều thời gian và công sức để dạy Lý Kiến Ân cách đi và sử dụng nhà vệ sinh.
Cuối cùng, dưới sự dạy dỗ kiên nhẫn của Vương Uyển Lan, Lý Kiến Ân có chỉ số IQ của một đứa trẻ 6-7 tuổi, tuy nói không giỏi nhưng có thể gật đầu, lắc đầu và phản ứng chính xác lời nói của người lớn.
Thấy tình trạng của con trai đã được cải thiện, vợ chồng Vương Uyển Lan dần thoải mái hơn. Tình trạng của con trai đã ổn định, họ mới đang nghĩ đến việc thuê một bảo mẫu để chăm sóc con. Song ai cũng quay đầu bỏ đi ngay khi nhìn thấy Lý Kiến Ân.
Không còn cách nào khác, ở tuổi 49, Vương Uyển Lan đã nộp đơn xin nghỉ hưu sớm để về nhà toàn thời gian chăm sóc con trai.
Khi những bệnh nhân mắc hội chứng Down già đi, họ không những không khỏi bệnh mà còn dễ bị biến chứng hơn. Lý Kiến Ân cũng không ngoại lệ. Những từ và động tác mà anh đã học được cũng dần biến mất.
Vài năm sau, chồng nghỉ hưu, con trai lớn lấy vợ và có gia đình riêng, cuộc sống hàng ngày của hai vợ chồng già chỉ xoay quanh con trai nhỏ nằm trên giường.
Lúc này, vợ chồng Vương Uyển Lan đều đã ngoài 60 tuổi, dù có cố gắng thế nào cũng không thể đánh bại được thời gian, rồi cũng đến ngày họ nhắm mắt xuôi tay. Lo con không có người chăm sóc, hai vợ chồng quyết định tìm vợ cho Lý Kiến Ân.
Đối với cô con dâu này, cặp vợ chồng già không có yêu cầu gì ngoài việc đối phương có thể chăm sóc con trai họ đến hết cuộc đời. Vì lý do này, họ đã đổ dồn tất cả tiền tiết kiệm cả đời, tiền trợ cấp và căn nhà vào sính lễ.
10 năm dài đằng đẵng
Sính lễ “hời” nhưng chẳng cô gái nào hứng thú khi nhìn thấy mình phải lấy một người đàn ông mắc bệnh Down. Cuối cùng, vợ chồng Vương Uyển Lan chỉ đành từ bỏ hoàn toàn ý định này, gia đình ba người tiếp tục chung sống.
Tuy nhiên, chỉ vài năm sau, chồng bà qua đời vì bệnh tật, gánh nặng chăm sóc con trai út hoàn toàn đổ lên vai Vương Uyển Lan. Ngay sau đó, Vương Uyển Lan cũng gặp phải nhiều vấn đề về sức khỏe.
Thấy mẹ đã già, con trai lớn nhiều lần đề nghị đưa bà và em trai về nhà mình để sống chung, nhưng Vương Uyển Lan từ chối.
Bà thực sự cảm thấy có lỗi, từ khi Lý Kiến Ân sinh ra, toàn bộ tâm sức đều dồn hết cho đứa con trai nhỏ, sau này con trai lớn lo việc học, công việc và hôn nhân, vợ chồng Vương Uyển Lan không có thời gian quan tâm. Bây giờ dù thế nào đi chăng nữa, bà cũng không thể khiến con trai lớn bị liên lụy.
Một ngày nọ, Vương Uyển Lan đang bận nấu ăn trong bếp thì đột nhiên nghe thấy trong nhà có âm thanh nghèn nghẹt, bà vội chạy vào nhà thì thấy Lý Kiến Ân đang nằm co giật trên mặt đất, mặt tím tái.
Vương Uyển Lan nhanh chóng gọi xe cấp cứu và đưa con trai đến bệnh viện, sau nhiều nỗ lực cứu chữa, cuối cùng cũng cứu được mạng sống, nhưng đồng thời cũng nhận được tin dữ, tình trạng của Lý Kiến Ân ngày càng trở nên tồi tệ hơn.
Quả nhiên sau khi tỉnh lại, Lý Kiến Ân không những không nói được, thậm chí ngay cả những việc cơ bản như lật người, ra khỏi giường, nhai cũng không thể làm được.
Thấy tình trạng của Lý Kiến Ân rất tệ, mẹ không còn trẻ nữa, bác sĩ đề nghị bà gửi Lý Kiến Ân đến một tổ chức phúc lợi chuyên nghiệp.
Nhưng Vương Uyển Lan lắc đầu từ chối, cảm thấy điều kiện ở đó không tốt bằng ở nhà.
Cuối cùng, bà trở về nhà cùng đứa con trai bị bệnh. Từ đó trở đi, Lý Kiến Ân nặng hơn 140kg, suốt ngày chỉ biết nằm trên giường, ăn uống, vệ sinh đều chờ mẹ về chăm. Quá trình chăm sóc con trai bị bệnh Down khổ sở đến mức người ngoài thật khó mà tưởng tượng được.
Cứ thế 10 năm trôi qua, giày vò và dài đằng đẵng.
Nước mắt của người mẹ già
Vương Uyển Lan càng ngày càng già đi, việc chăm sóc Lý Kiến Ân ngày càng khó khăn, ngay cả lật người cho con, bà cũng lật không nổi.
Lúc này Vương Uyển Lan phải bắt đầu suy nghĩ về phần đời còn lại của con trai mình, sau khi bà qua đời, ai có thể giúp bà gánh vác trách nhiệm này?
Cho đến năm 2017, Vương Uyển Lan, 83 tuổi, được chẩn đoán mắc bệnh tim nặng và huyết áp cao.
Từ bệnh viện trở về nhà, Vương Uyển Lan nhìn con trai mình đang bị bệnh nằm trên giường đau đớn, bà gục xuống khóc, cảm thấy tuyệt vọng. Đầu bà xuất hiện một kế hoạch chưa từng có.
Trong một lần nằm viện, bà nghe thấy bác sĩ mắng người nhà bệnh nhân khác rằng uống thuốc ngủ quá liều sẽ chết người.
Sau đó, Vương Uyển Lan lấy lý do mất ngủ lấy tổng cộng 70 viên thuốc ngủ từ các bệnh viện lớn rồi bí mật giấu trong ngăn kéo, chờ thời cơ để thực hiện kế hoạch.
Ngày 9/5/2017, Vương Uyển Lan đã để lại một lá thư thú tội, mô tả con trai út của bà đã bị bệnh tật hành hạ suốt 46 năm như thế nào, vợ chồng bà đã làm việc chăm chỉ như thế nào để chăm sóc con và giờ đây bất lực như thế nào. Cuối cùng, bà cũng nhấn mạnh rằng những việc này đều do chính bà làm và không liên quan gì đến con trai cả của bà.
Sau đó, Vương Uyển Lan nghiền nát thuốc ngủ, hòa vào cháo rồi đút cho Lý Kiến Ân. Bà không muốn tự tay kết liễu mạng sống của con trai mình, nhưng bà không còn cách nào khác, nếu không làm như vậy, con trai sẽ còn đau khổ hơn nữa trong tương lai.
Và thế là, Lý Kiến Ân ngủ thiếp đi và không bao giờ tỉnh lại nữa. Cuộc đời 46 năm bất hạnh cuối cùng cũng đã kết thúc.
Sau khi xác nhận Lý Kiến Ân đã chết, Vương Uyển Lan đã ra đầu thú. Kết quả khám nghiệm tử thi và thu thập chứng cứ hoàn toàn trùng khớp với lời kể của cụ bà.
Cuối cùng sau khi hiểu rõ sự việc, người cảnh sát xử lý vụ án đã nhiều lần rơi nước mắt, anh cảm thấy tiếc cho những gì đã xảy ra với gia đình Vương Uyển Lan và vô cùng cảm động trước tình mẫu tử vĩ đại.
Tháng 10/2017, vụ án giết con trai của Vương Uyển Lan được xét xử tại tòa án quận Việt Tú, Quảng Đông. Vương Uyển Lan ngồi trước tòa bình tĩnh kể lại cuộc đời của mình và con trai út. Những ai có mặt tại phiên tòa hôm ấy cũng đều rơi nước mắt, cả thẩm phán cũng không ngoại lệ
Mặc dù lý lẽ lấn át tình cảm nhưng xét tình hình thực tế, cuối cùng tòa án đã tuyên mức án nhẹ cho Vương Uyển Lan và kết án bà 3 năm tù giam cùng 4 năm án treo.
Người phụ nữ 83 tuổi đã khóc nhẹ nhõm khi nghe bản án.
Nguồn: Sohu