Mẹ già 70 tuổi dùng phương pháp đặc biệt giúp con trai khuyết tật trở thành "người hùng"

Phương Anh |

Không ai ngờ chàng trai bại liệt từ nhỏ Đỗ Hà Cừ ấy có ngày được Thủ tướng trao bằng khen vì những nỗ lực không ngừng nghỉ.

Năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao bằng khen cho anh Đỗ Hà Cừ.

Năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao bằng khen cho anh Đỗ Hà Cừ.

38 năm chăm sóc một "đứa trẻ"

Năm 1984, sau 7 tháng mang thai, bà Nguyễn Thị Kim Sơn (sinh năm 1953, ở Thái Bình) đẻ con trai đầu lòng, đặt tên là Đỗ Hà Cừ. Con trai bà khi ấy chỉ vỏn vẹn hơn 2kg, không biết khóc cũng chẳng biết bú mẹ. Cừ được 9 tháng tuổi vẫn không bật được tiếng ê a và không cử động được cổ, bà Sơn sốt ruột, đưa con đi khám ở các bệnh viện lớn nhỏ, từ tỉnh lẻ đến thủ đô.

"Ban đầu nghĩ Cừ bị chậm phát triển do đẻ non, nhưng đến khi 5 tuổi vẫn không tiến triển. Người thì liệt, tay chân co quắp, người co lên như con tôm, một từ nói ra cũng không được", bà Sơn kể và cho biết bố của Cừ từng tham gia chiến trường. Anh Cừ bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam.

Bà Sơn sau đó phải chấp nhận sự thật và quyết cùng con chiến đấu. Chồng bà sức khỏe yếu nên hầu như chỉ có một mình người mẹ chăm lo cho con. Vừa đi làm ở cơ quan lại phải cáng đáng việc nhà, bà nhiều lúc thấy chán nản, thậm chí từng nghĩ đến sự giải thoát. Nhưng nghĩ thương con, bà lại cố gắng gồng gánh cả gia đình.

Mẹ già 70 tuổi dùng phương pháp đặc biệt giúp con trai khuyết tật trở thành người hùng - Ảnh 1.

Bà Sơn đang chăm sóc con trai Đỗ Hà Cừ.

Mỗi ngày trước khi đi làm, bà lo cơm nước và vệ sinh cho Cừ. Buổi trưa, bà đạp xe hơn 3km về nhà cho con ăn uống vệ sinh rồi lại đi làm ca chiều. Không có mẹ, anh Cừ không thể đi vệ sinh được.

"Việc đi vệ sinh của Cừ rất khó khăn, hoàn toàn phụ thuộc vào mẹ. Người khác cũng từng thử nhưng họ thường mất kiên nhẫn hoặc nói những câu gây ức chế khiến con không thể đi được", bà Sơn kể.

Có lần bà Sơn ra Hà Nội thăm con trai thứ hai, Cừ ở nhà với bố. Suốt hai ngày mẹ đi vắng, dù bố có giúp, anh cũng bất lực, ngay cả khi bàng quang sắp vỡ tung. Bà Sơn thương con nên chẳng dám đi đâu xa, nếu phải đi thì sẽ đưa anh đi cùng.

Ở nhà, mẹ Sơn đặt anh lên chiếc phản rộng. Cứ 5 phút, bà lại phải nhấc anh về vị trí cũ vì anh bị tụt xuống một cách vô thức. Điều duy nhất anh có thể làm được là cử động một ngón tay và nói từng từ ngọng nghịu ngắt quãng.

Dù con tật nguyền nặng nhưng bà Sơn luôn cố gắng để dạy con học chữ. Việc này đặc biệt khó khăn khi anh Cừ không chỉ hạn chế vận động mà còn hạn chế cả trí óc.

"Không sao, Cừ của mẹ vẫn tuyệt vời", bà Sơn động viên con.

Mẹ già 70 tuổi dùng phương pháp đặc biệt giúp con trai khuyết tật trở thành người hùng - Ảnh 2.

Có những lúc tuyệt vọng, anh Cừ vực dậy được nhờ mẹ động viên. Ảnh: NVCC

Dạy con bằng phương pháp đặc biệt

Năm lên 6 tuổi, thấy các bạn cùng trang lứa đeo ba lô đi học qua nhà mình, Cừ nằm giữa nhà nhìn ra đường rồi khóc. Cậu thèm được đi học. Biết không thể, cậu tự tưởng tượng ra một người bạn bên cạnh mình rồi bắt đầu bập bẹ nói chuyện với "người ấy". 

Thấy con thích học, bà Sơn tìm vài quyển truyện đọc cho con. Đọc hết, bà đi mượn sách của hàng xóm rồi lên thư viện tỉnh thuê. Mỗi lần thuê mượn được sách mới, anh Cừ vui mừng và phấn chấn hẳn. Bà Sơn nằm cạnh con, vừa đọc vừa ghé vào cho con xem hình vẽ. Thế nhưng, sức đọc của mẹ không đủ đáp ứng nhu cầu của anh nên bà quyết định dạy con học chữ để tự đọc.

Bước đầu, bà đọc cho con nghe một số bài thơ để anh nhẩm theo và học thuộc. Buổi sáng đi làm, bà tranh thủ đánh máy và in ra tờ giấy những dòng thơ thật to để anh ở nhà tự ghép từ theo bài thơ đã học thuộc trước đó. Đọc từ này rồi suy ra từ kia, cứ như vậy cho đến năm 13 tuổi, anh đã đọc được chữ. Mỗi ngày từ sáng đến tối, anh nằm đọc sách cạnh chiếc bàn đặc biệt do mẹ thiết kế.

Mẹ già 70 tuổi dùng phương pháp đặc biệt giúp con trai khuyết tật trở thành người hùng - Ảnh 3.

Chiếc bàn được mẹ Sơn thiết kế dành riêng cho Cừ đọc sách.

Chiếc bàn nghiêng 45 độ, có dây chun cố định để khi giở sách không bị rơi ra. Cừ mỗi lần giở sách đều khó khăn vì tay co quắp, có khi công giở được một trang sách nhiều hơn công đọc, nhưng anh vẫn kiên trì. Đến nay, anh không nhớ nổi mình đã đọc được bao nhiêu cuốn, có thể đã lên đến vài nghìn.

Học chữ đã vất vả, học vi tính với Cừ còn cực hơn nhiều. Anh đã tìm đủ mọi cách nhưng không thể đánh chữ bằng bàn phím như người khác. Mẹ Sơn phải thiết kế con chuột bay để anh đánh từng chữ trên bàn phím ảo ở tivi, nhưng cũng rất chậm. Đến nay, Cừ vẫn dùng chuột bay để đánh chữ như vậy.

"Việc đọc sách giúp Cừ phát triển trí não. Con có thể sáng tác thơ, dùng điều khiển tivi viết đoạn văn dài. Giờ con có thể dùng nó để kết nối với bạn bè, dù tay vẫn hơi chậm và thường vô thức quăng điều khiển ra xa", bà Sơn nói và cho biết phải luôn túc trực bên con cả ngày lẫn đêm để nhặt điều khiển khi anh cần.

Mẹ già 70 tuổi dùng phương pháp đặc biệt giúp con trai khuyết tật trở thành người hùng - Ảnh 4.

Anh Cừ không ngừng tìm tòi cái mới trên internet để nhân rộng văn hóa đọc.

"Người hùng thầm lặng"

Dù đã kết nối được internet nhưng anh Cừ vẫn giữ thói quen đọc sách. Đọc hết sách mượn, không có tiền mua sách mới, hai mẹ con đi xin sách của các nhà hảo tâm. 

"Tôi đã đọc tất cả những cuốn sách mình nhìn thấy, có nhiều cuốn đọc đi đọc lại 2-3 lần nhưng vẫn thấy thiếu. Sau đó, tôi viết một email gửi cho nhà xuất bản nhưng không có kết quả", Cừ nói.

Một nhà hảo tâm mách Cừ liên hệ với anh Trần Thiện Tùng, người đồng sáng lập không gian đọc trên cả nước. Anh Tùng gợi ý Cừ mở không gian đọc để có thêm nhiều sách và nhiều người bạn. Cừ đồng ý ngay. Nhờ sự giúp đỡ mọi người, anh Cừ đã khai trương không gian đọc Hy Vọng ngay tại phòng khách, vào ngày 24/7/2015.

Mẹ già 70 tuổi dùng phương pháp đặc biệt giúp con trai khuyết tật trở thành người hùng - Ảnh 5.

Không gian đọc Hy Vọng được mở ngay tại phòng khách nhà anh Cừ. Ảnh: NVCC

Lúc đầu, thư viện Hy Vọng chỉ có hơn 300 cuốn sách do mẹ Sơn mua và các nhà hảo tâm, họ hàng tặng. Đến nay, Cừ đã vận động được hơn 4000 cuốn sách và cho độc giả mượn thường xuyên. Ngoài ra, anh còn có khoảng 3000 cuốn sách để luân chuyển làm mới thư viện của mình và gửi đi các tủ sách khác.

"Kể từ khi mở thư viện tại nhà, tôi có rất đông bạn bè tự tìm đến. Các bạn đến giao lưu, nói chuyện sách vở, trường lớp, học hành, yêu đương rất vui vẻ. Những chuyện đó đối với mọi người là chuyện thường ngày nhưng với tôi điều đó rất khó có được", anh Cừ tâm sự.

Còn bà Sơn, ngoài nhiệm vụ chăm sóc con hàng ngày, bà kiêm chức thủ thư, giới thiệu sách hay cho các cháu học sinh và cùng kêu gọi nhà tài trợ. Đối với Cừ, mẹ là đôi chân, đôi tay, là tình nguyện viên nhiệt tình nhất của không gian đọc 24/24. Bà cũng là nhà tài trợ chính của thư viện bất cứ khi nào cần.

Mẹ già 70 tuổi dùng phương pháp đặc biệt giúp con trai khuyết tật trở thành người hùng - Ảnh 6.

Thư viện Hy Vọng thu hút được sự quan tâm của mọi lứa tuổi.

Bà Sơn nhận ra tủ sách này giúp Cừ được giao lưu với xã hội nhiều hơn và không còn tự ti nữa. Từ đó, hai mẹ con lên kế hoạch xây dựng dự án nhân rộng mô hình "Lập tủ sách miễn phí do người khuyết tật quản lý".

Dự án đã và đang thực hiện, mặc dù kinh phí dành cho mỗi tủ sách còn khiêm tốn nhưng các tủ sách đều hoạt động tốt. Về chi phí hoạt động, Cừ nói sẽ vận động dần dần. Sách cũng đang được kêu gọi hàng ngày.

Hiện tại Câu lạc bộ Không gian đọc của Cừ có 26 tủ sách ở nhiều tỉnh: Hòa Bình, Nam Định, Thái Bình,... Trong đó có 18 tủ sách do người khuyết tật hoặc liên quan đến người khuyết tật quản lý.

"Mấy người hàng xóm nói tôi không lo cho bản thân lại còn làm chuyện bao đồng, thêm phiền phức cho mẹ. Tôi cũng suy nghĩ rất nhiều, sợ mẹ mệt mỏi nên cũng có lúc muốn dừng lại nhưng mẹ lại động viên và ủng hộ tôi, cho tôi thêm động lực để tiếp tục", anh Cừ nói.

Mẹ già 70 tuổi dùng phương pháp đặc biệt giúp con trai khuyết tật trở thành người hùng - Ảnh 7.

Anh Cừ và mẹ thường kêu gọi quyên sách và luân chuyển những cuốn sách đến các tỉnh thành để làm mới không gian đọc.

Với nỗ lực của hai mẹ con, tháng 11/2020, anh Cừ được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng bằng khen "Những tấm gương thầm lặng vì cộng đồng". Ngoài ra, anh còn được giải thưởng "Tuổi trẻ cống hiến vì cộng đồng 2018" của Cộng đồng tình nguyện Việt Nam.

"Thực ra những bằng khen đó nên được trao cho mẹ tôi, bởi những tủ sách ấy đều có công sức lớn của mẹ", anh Cừ cười và nói.

Hiện ở tuổi 70, bà Sơn vẫn chăm sóc anh Cừ như một đứa trẻ. Nếu anh Cừ thức đêm để làm dự án, mẹ Sơn cũng phải nằm cạnh để nhặt điều khiển và giúp con khi cần. Mỗi lần mở thư viện mới ở các tỉnh, bà đều đưa con đi dù bản thân bị say xe.

Mẹ già 70 tuổi dùng phương pháp đặc biệt giúp con trai khuyết tật trở thành người hùng - Ảnh 8.

Ở mỗi sự kiện, bà Sơn đều đi theo con để chăm sóc, dù tuổi bà đã gần 70.

"Tương lai nếu tôi không còn khỏe, không biết Cừ sẽ thế nào?", bà nghĩ và nói đã từng tìm viện dưỡng lão và những nơi chăm sóc người khuyết tật ở Thái Bình nhưng chưa có nơi nào nhận. Nếu có thì chi phí quá cao, không thể chi trả.

Anh Cừ thì không dám nghĩ đến ngày ấy. "Việc không có mẹ bên cạnh có thể khiến tôi gặp cú sốc lớn. Tôi biết cả cuộc đời này đã làm phiền mẹ, nhưng chỉ mong mẹ được khỏe mạnh để làm chỗ dựa cho tôi", anh Cừ nói. 

Mẹ già 70 tuổi dùng phương pháp đặc biệt giúp con trai khuyết tật trở thành người hùng - Ảnh 9.

2 mẹ con anh Đỗ Hà Cừ tại một sự kiện

Để mẹ có thêm động lực, anh Cừ viết những vần thơ tặng bà: 

"Cha mẹ ơi, cho con xin lỗi nhé

Từ khi sinh con chưa được một ngày vui

38 tuổi đời con vẫn như đứa trẻ

Vẫn vui tươi vẫn khờ dại thế thôi

Không gia đình không một chút sự nghiệp

Không làm mẹ vui hay cha được tự hào

Không thêm được một nàng dâu hiền thảo

Hay là thêm một đàn cháu bế bồng

Khi tết đến mang chút tiền mừng tuổi

Mong mẹ cha tuổi mới mạnh khỏe hơn

Không chăm nom lúc cha già mẹ yếu

Hay tiễn đưa về chốn bình yên

Nếu kiếp này con chỉ làm được thế

Hẹn kiếp sau con xin trả được không?"

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại