Ngày nay, cuộc sống dần trở nên cởi mở, nhiều tư tưởng cổ hủ, không phù hợp đã dần được loại bỏ, song vẫn còn tồn tại ở một số nơi quan niệm cho rằng vợ chồng khi kết hôn nên sinh con trai để nối dõi tông đường. Điều này khiến các trẻ em gái khi sinh ra đã gặp nhiều bất công trong cuộc sống.
Một bà mẹ ở Trung Quốc tên Tôn Tú có hai người con một gái và một trai. Vì không có nhiều thời gian chăm sóc cho hai con nên chị đã nhờ và đón mẹ chồng từ dưới quê lên thành phố để giúp hai vợ chồng chăm nom cháu.
Với quan điểm nuôi dạy con cái rằng cả con trai lẫn con gái đều cần nhận được mọi quyền chăm sóc, nuôi nấng bình đẳng nên từ nhỏ, cả hai bé đều cảm nhận được tình yêu của bố mẹ dành cho mình.
Tuy nhiên, một hôm Tôn Tú phải tăng ca nên về muộn. Chưa kịp bước vào nhà chị đã thấy con gái của mình đứng khóc nức nở trước cửa. Bên trong vọng lời mắng nhiếc của bà nội: "Con gái con đứa mà đòi ăn thịt, ăn vào chỉ tốn tiền thôi chứ chẳng được tích sự gì!"
Lúc này, chị dẫn con gái vào nhà và tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra. Thì ra, trong bữa cơm chiều, bà nội không cho phép cháu gái ăn thịt mà chỉ làm một đĩa riêng cho cháu trai.
Cô bé vì thấy đĩa thịt ngon lành nên đã lén gắp lấy một miếng. Hành động này đã bị bà nội phát hiện nên cô bé bị bà mắng nhiếc và đuổi ra khỏi nhà.
Biết được sự thật, Tôn Tú tỏ ra vô cùng tức giận. Ngay lập tức, chị đã thẳng thắn mời mẹ chồng về quê và nói rằng sau này không để bà can thiệp vào chuyện nuôi dạy hai đứa bé nữa.
Trên thực tế, dù đã hạn chế được phần nào tư tưởng trọng nam khinh nữ nhưng một bộ phận người trung niên ở Trung Quốc vẫn còn đặt nặng quan niệm cháu trai mới là lộc trời cho, mới là cháu của gia đình. Điều này thật sự không tốt cho quá trình giáo dục con trẻ của các gia đình.
Sinh ra trong các gia đình có truyền thống trọng nam khinh nữ, trẻ sẽ gặp phải điều gì?
1. Con trai rất dễ trở nên ích kỷ
Vì nhận được sự ưu tiên trong cuộc sống dễ khiến con trai trong nhà có tính cách ngạo mạn và không biết chia sẻ hay yêu thương chị em của mình. Một cậu bé, từ nhỏ đã được chiều chuộng quá mức bởi người lớn sẽ xem mình là trung tâm của cả gia đình và tự cho phép bản thân làm những điều mình muốn mà không phải câu nệ hay tỏ ra tôn trọng người lớn.
2. Con gái sẽ cảm thấy tự ti và nhút nhát
Những bé gái bị đối xử bất công ở nhà từ nhỏ sẽ có xu hướng trở nên nhạy cảm và tự ti vì ngay từ khi chào đời, gia đình đã không cho em cảm giác được bảo vệ và tôn trọng. Điều này sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khi trẻ lớn lên như bị ám ảnh ký ức tuổi thơ, có mối quan hệ không tốt với các thành viên trong gia đình,...
3. Anh chị em ruột sẽ có khoảng cách
Trong các gia đình có tư tưởng gia trưởng, mối quan hệ giữa anh chị em ruột thịt hiếm khi hòa thuận, và sự khác biệt trong cách đối xử của cha mẹ thực sự đặt hai người vào hai phía đối lập nhau.
Nếu con trai được dạy dỗ rằng con gái sinh ra là vô ích, tất nhiên đứa trẻ ấy chẳng hề dành sự tôn trọng hay quan tâm đến chị/ em gái của mình. Ở chiều ngược lại, các bé gái cảm thấy điều đó rất bất công và đặt câu hỏi rằng tại sao cùng là con của bố mẹ mình mà em lại phải chịu đựng những định kiến này?
Suy cho cùng, trọng nam khinh nữ là một tư tưởng đã không còn phù hợp ở xã hội hiện đại. Muốn gia đình - những tế bào của xã hội trở nên êm ấm, các thành viên hòa thuận với nhau thì hãy bỏ qua những quan niệm bất bình đẳng giới mà người xưa đã đặt ra.
Theo Sohu