Con trai học ngành Khoa học máy tính năm 3 ở Mỹ, chăm chỉ, GPA cao, năng động, chơi với nhiều bạn nước ngoài nhưng ba mùa hè rồi không xin được vị trí thực tập nào. Không có vị trí thực tập nào trong CV thì ra trường khả năng cao là sẽ không xin được việc để ở lại Mỹ. Nhà lại không có đủ điều kiện tài chính để cho con học lên thạc sĩ, đã đổ hết tiền lực vào cho cháu để đi học, giờ rất sợ con sẽ phải về Việt Nam và canh bạc gia đình bỏ ra sẽ tan tành mây khói. Đó là câu chuyện được một phụ huynh chia sẻ mới đây trong một diễn đàn du học, hiện đang "viral" trên mạng xã hội.
Chị cho biết, giờ đây lần nào gọi về con cũng khóc, bảo rằng khả năng quay về Việt Nam là rất cao.
"Con bảo các bạn xin được thực tập năm 2, nhất là các bạn xin vào được những công ty lớn, thường phải là người xuất chúng và đã học code từ nhỏ. Còn các bạn bình thường như con thì chỉ mong năm 3 có thực tập ở một chỗ nho nhỏ rồi mới bắt đầu mơ đến những chỗ đó được. Con bảo thực tập bên Mỹ khó lắm, ngoài trình độ ra còn phải nắm rõ về quy trình tuyển sinh, nộp đơn và đôi khi còn phải là quen đúng người, chỉ giỏi trong sách vở thôi là chưa đủ.
Giờ bạn bè con đã dần ổn định chỗ thực tập cho hè sau, nhìn con khóc mà em đau xót ruột. Nước Mỹ không phải màu hồng" , phụ huynh này chia sẻ.
Ảnh minh họa
"Cha mẹ và con càng không nên làm con bạc khát nước"
Đọc tâm sự của người mẹ này, Tiến sĩ (TS) Nguyễn Yến Khanh, Giảng viên Đại học Erasmus University Rotterdam (Hà Lan), đồng thời là quản trị viên của Pathfinders cho rằng, chị thấy thương cho đứa con. Con được bố mẹ đầu tư cho ăn học nhưng phải gánh trên vai hòn đá tảng, chính là kỳ vọng của cha mẹ, rằng cha mẹ bỏ ra khoản tiền lớn đến vậy thì con phải cố mà ở lại được nước Mỹ.
"Chẳng có gì tan thành mây khói cả. Nếu học xong mà không xin được việc, con có chí thì tự trau dồi chuyên môn để quay lại Mỹ. Không quay lại được cũng vẫn có thể sống tốt. Gia đình kỳ vọng quá càng gây áp lực cho con, dù bố mẹ có nói ra hay không" , chị nói.
Theo một số liệu, chỉ có 10,2% du học sinh Việt nam tại Mỹ tìm được việc làm thực tập Optional Practical Training (OPT). Tất nhiên, có OPT cũng không phải là sự đảm bảo để ở lại Mỹ. Một Giáo sư Việt tại Mỹ từng cho biết, tỷ lệ du học sinh Việt Nam ở lại được Mỹ chỉ chiếm 3% tổng số du học sinh. Con nhà mình có xuất sắc ở nhóm 3% đó không thì hãy kỳ vọng con ở lại.
Tiến sĩ Nguyễn Yến Khanh
Theo TS Nguyễn Yến Khanh, cha mẹ cho con đi du học thì hãy mong con học hành nghiêm túc, có trải nghiệm văn hóa, hiểu biết xã hội để mở rộng nhãn quan, ở lại được thì tốt, không ở lại được thì về Việt Nam cũng nhiều cơ hội.
Một số người bình luận dưới bài viết của phụ huynh trên, nói rằng du học không phải một canh bạc, cha mẹ và con càng không nên làm con bạc khát nước, không tìm được việc ở Mỹ thì tìm việc ở các nước khác, hoặc về Việt Nam cũng không có gì là bất ổn cả.
Nghiên cứu của Nielsen cách đây mấy năm cho biết, người Việt dành tới 35% chi tiêu gia đình cho giáo dục. Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra, người Việt buộc phải thắt lưng buộc bụng đầu tư tới tận 47% chi tiêu gia đình cho giáo dục. Tỷ lệ chi tiêu cho giáo dục ở nhiều gia đình cho con du học có lẽ còn cao hơn mức trung bình nói trên.
Học ở Việt Nam cũng không hề thua kém
Thực ra nếu gia đình không thật dư giả thì nên cho con học đại học ở Việt Nam. Bây giờ ở Việt Nam cũng có rất nhiều lựa chọn tốt. RMIT đã chứng minh sự thích ứng và phù hợp với nhu cầu đào tạo và môi trường lao động ở Việt Nam hơn 20 năm, hai đại học quốc tế khác cũng khá tốt. Các chương trình liên kết đào tạo ở các đại học lớn cũng có những chương trình ổn.
Con giỏi và chịu khó tìm kiếm cơ hội thực tập thì học Bách Khoa, Kinh tế, Ngoại thương còn giỏi hơn đi du học. Con học mấy ngành Marketing, Truyền thông, PR hay Kinh doanh thì có khi học chương trình tốt ở trong nước thì còn phù hợp với môi trường Việt Nam hơn học ở nước ngoài vì sẽ được học case study từ Việt Nam, trên thực tế kinh doanh, luật pháp và văn hóa Việt Nam.
"Tôi đã dạy và làm việc với đủ cả sinh viên học đại học quốc tế tại Việt Nam và du học sinh Anh, Mỹ, Canada và Úc. Có bạn du học về cũng vào làm vị trí "í ẹ" ở công ty "í ẹ", không học hỏi được gì từ quản lý và đồng nghiệp nhưng cũng cứ yên vị ở đó mãi cho yên thân.
Nếu cha mẹ có mức tài chính trung bình thì nên cân nhắc cho con học tại một số nước châu Âu như Đức, Bỉ, Pháp, Ý, Áo hay Hà Lan. Các nước này có nhiều chương trình trong ngành Khoa học máy tính và Kinh doanh dạy bằng tiếng Anh, mà học phí thì giao động từ 0 tới khoảng 15 ngàn euro/năm.
Hà Lan là nước có học phí đắt nhất trong các nước nhắc tới ở trên, nhưng học phí ngành Khoa học máy tính hay Trí tuệ Nhân tạo cũng thường dao động trong khoảng 8-17 ngàn euro/năm, các ngành khác thường có học phí thấp hơn" , TS Khanh cho biết.
Theo TS, nếu đếu đầu tư cho con du học 4 năm đại học là quá sức của gia đình thì cha mẹ nên cho con học ở Việt Nam. Đi làm 2 năm, rồi xin học bổng hoặc đầu tư cho con học thạc sĩ, ở Anh chỉ 1 năm, ở các nước khác thì 2 năm vẫn là sự đầu tư hiệu quả hơn. Khi đã có kinh nghiệm làm việc và học thạc sĩ, du học sinh sẽ tối ưu hóa lợi ích của chương trình học hơn, và khả năng xin được việc có thể cao hơn. Kinh nghiệm làm việc ở Việt Nam, nếu ở các vị trí tốt, tại các công ty lớn cũng rất có giá trị.
Du học rất căng thẳng, du học sinh không cần phải gánh thêm hòn đá tảng là kỳ vọng của gia đình nữa.