Mẹ có khiến con hèn nhát không?

ĐỖ THỊ DIỆU NGỌC |

Giờ tan học, tôi đến đón con tại một trường phổ thông cơ sở. Sân trường xôn xao những lời bàn tán của những nhóm học sinh đang túm tụm với vẻ mặt xanh mét.

Dọc một dãy hành lang, một số người trong sắc phục công an và giáo viên đang đi lại với vẻ mặt đầy nghiêm trọng.

Một lát sau, một vài người có vẻ là phụ huynh đùng đùng ra khỏi phòng với vẻ mặt đầy giận dữ và vẫn sấn sổ với nhau, có vẻ như tranh cãi xem con của ai có lỗi.

Nhếch nhác theo sau là mấy em học sinh quần áo tả tơi, người trầy trụa, xây xước.

Một vụ bạo lực học đường đã xảy ra, có lẽ đã đến mức nghiêm trọng khi nhà trường phải nhờ đến sự can thiệp của chính quyền.

Đó chỉ là một vụ trong số rất nhiều vụ bạo lực học đường đã và đang diễn ra ở nhiều địa bàn trong nước từ thành phố đến nông thôn.

Đối tượng liên quan có xu hướng trẻ hóa về độ tuổi nhưng già hóa về độ "anh chị", không kém gì những vụ thanh toán kiểu giang hồ.

Đã có học sinh phải tìm đến cái chết ở tuổi cấp II. Đã có nhiều học sinh khác bị tổn thương nặng nề về tâm lý và thể chất.

Đổ lỗi cho ai đây? Nhà trường không kiểm soát học sinh chặt chẽ, hay xã hội với những gia tăng độ bạo lực khiến trẻ đang trong quá trình định hình về nhân cách dễ dàng bị kích động, khiêu khích và thậm chí được cổ vũ để xuống tay không thương tiếc với bạn bè mình chỉ vì những lý do nhỏ nhặt?

Theo tôi, sự ảnh hưởng lớn nhất đến hành vi ứng xử của học sinh vẫn đến từ gia đình, nơi nhân cách của các em được hình thành phần lớn do sự giáo dục và làm mẫu của những người nuôi dưỡng.

Ở lứa tuổi này, sự ảnh hưởng của xã hội chưa thể có tác động đáng kể nếu phụ huynh quan tâm, khuyên nhủ và tìm hiểu tâm tư của con mình để có những can thiệp đúng lúc.

Nhiều lần tôi đã nhắn nhủ con trai tôi: "Con đừng bao giờ gây sự hay đánh nhau với bạn nhé.

Nếu con mạnh hơn bạn, hành vi của con rất đáng chê trách vì đã hèn hạ bắt nạt người yếu đuối hơn. Nếu con yếu hơn bạn, con sẽ đau đớn và bị tổn thương nhiều mặt.

Nếu con ngang sức với bạn, đứa này sứt đầu thì đứa kia cũng mẻ trán, kết cuộc lại cũng chỉ thiệt thân mình.

Nếu bạn bè gây sự với con, con hãy tìm cách đến gần các thầy cô hay các bác bảo vệ trong trường để nhờ giúp đỡ".

Một buổi tan trường, con trai tôi lầm lì nhìn tôi đầy trách móc: "Mẹ, con không phải là một người hèn nhát, nhưng chính mẹ đã biến con thành hèn nhát!". Tôi giật mình trước lời kết tội của con mình.

Thủ thỉ với con, tôi mới biết cháu bị một bạn to con, mạnh khỏe hơn bắt nạt và dọa đánh trước mặt bạn bè.

Nghe lời mẹ, cháu nhẫn nhịn không đáp trả, nhưng trong lòng uất ức vì bị sỉ nhục giữa đám đông và vì thế cháu sinh lòng oán trách mẹ.

Ôm cháu vào lòng, tôi khuyên con: "Con không hề hèn nhát khi nhẫn nhịn trước sự bắt nạt đâu con.

Nếu con chống trả bằng tất cả sức mạnh của ý chí để thắng một người to khỏe hơn con, đối với mẹ đó vẫn không phải là chiến thắng bởi mẹ đã thất bại khi không khuyên bảo được con mình.

Đối với con đó vẫn không phải là chiến thắng tuyệt đối vì con sẽ phải sống trong nơm nớp bị trả thù. Có những trận đấu trí tuệ khác khốc liệt hơn mà mẹ sẽ rất mừng nếu con chiến thắng".

Con trai tôi vẫn đang trong độ tuổi muốn khẳng định mình và có thể có hành vi lệch lạc bất cứ lúc nào. Tôi vẫn kiên trì với lời nhắc nhở kiểu "mưa dầm thấm đất" để ngăn ngừa hậu họa rất có khả năng xảy ra.

Khi nhìn mấy học sinh trầy trụa và những bậc phụ huynh bênh vực con mình với vẻ mặt đầy tức giận ấy, tôi tạm thấy an tâm khi con tôi trèo lên sau xe của mẹ, hồ hởi khoe tối nay con không phải học nhiều vì đã cùng các bạn giúp nhau ôn bài trong giờ nghỉ giải lao.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại