Một thiếu nữ nông thôn, 15 tuổi đã đi lấy chồng. Mang thai đứa con đầu tiên gặp khó khăn, suýt chút nữa khiến cô mất mạng. Mang thai đứa con thứ hai còn bất hạnh hơn. Trải qua hết khó khăn này đến khó khăn khác, cô bàng hoàng khi biết mình đã bị ung thư.
Trước thông tin sét đánh này, mẹ chồng tối nào cũng bảo cô mang gạo ra ngõ rắc.
Cô không hiểu vì sao nhưng vẫn làm theo, cho đến một ngày, khi được giải thích nguyên nhân, cô đã không kìm nén được cảm xúc của mình. Câu chuyện được đăng tải trên trang ntdtv.com, nội dung câu chuyện như sau:
Tôi sinh ra ở một làng quê, từ nhỏ cuộc sống đã khó khăn thiếu thốn. Bố mẹ tôi sinh được 6 người con, nuôi chúng tôi khôn lớn thật không dễ dàng.
Tôi là con lớn trong nhà nên từ nhỏ đã phải nghỉ học, ở nhà chăm sóc các em giúp bố mẹ.
15 tuổi, tôi được gả chồng. Chồng tôi khi đó 17 tuổi. Vì chúng tôi chưa đến tuổi kết hôn hợp pháp nên hai gia đình chỉ tổ chức hôn lễ chứ không làm thủ tục đăng ký kết hôn với chính quyền địa phương.
Ảnh minh họa.
Khó khăn đầu tiên
Khi sinh đứa con đầu tiên, tôi bị khó sinh. Khi đó, thầy thuốc trong làng đã hỏi người nhà muốn giữ con hay giữ mẹ, cả chồng và mẹ chồng tôi đều muốn giữ tôi lại, sau này vẫn có thể sinh con.
Về sau, mẹ chồng tôi nói với tôi suy nghĩ thật của bà khi đó. Bà nghĩ tôi vẫn còn nhỏ, còn trẻ, nếu giữ đứa bé lại mà để mất tôi, lương tâm bà không cho phép.
Cuối cùng, nhờ có thầy thuốc ra sức cứu chữa, tôi mới giữ được mạng sống còn em bé thì nguy cấp. Thầy thuốc một mực lắc đầu, nói con tôi khó có thể sống được.
Vậy nhưng mẹ chồng tôi vẫn quyết tâm không từ bỏ. Bà quyết tâm giữ con tôi lại, nói không cứu được cũng phải thử mới biết, nói thế nào đi nữa thì đứa trẻ cũng là một sinh mệnh, bỏ đi như thế không sợ báo ứng sao?
Tôi cảm thấy hạnh phúc trước sự thấu tình đạt lý của mẹ chồng. Nhờ có sự chăm sóc tỉ mỉ hết lòng của mẹ chồng, con trai lớn của tôi đã giành lại được mạng sống từ tay tử thần, chỉ có điều từ nhỏ bé đã suy nhược, trời trở gió một chút là đã có thể bị ốm.
Khi đó, gia đình chúng tôi không dư giả gì, nên cũng không có tiền để chữa bệnh cho con. Bố chồng tôi chỉ nói một câu, có đủ ăn, đủ mặc thì có thể lo cho nó, đằng này tiền mua thuốc không có, chỉ biết dựa vào số trời.
Ảnh minh họa.
Khó khăn thứ hai
Năm con lớn của tôi lên 10, tôi mang thai đứa thứ hai. Vì quãng thời gian vài năm trước làm việc quá sức, tôi đã mắc không ít bệnh và phải lên thành phố thăm khám. Các bác sĩ đề nghị tôi dừng việc sinh nở nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Thế nhưng tôi không muốn từ bỏ, dẫu sao đó cũng là mọt sinh mệnh, dù chưa ra đời nhưng thỉnh thoảng, tôi đã có thể cảm nhận được em bé hoạt động trong bụng mình.
Khi đó, bố chồng và chồng tôi đều hy vọng tôi được an toàn nên cũng khuyên tôi bỏ đứa bé. Chỉ có mẹ chồng tôi không nói gì. Khi tôi chia sẻ suy nghĩ của mình với bà, bà nói ủng hộ quan điểm của tôi.
Bởi vì chúng tôi đều là những người từng làm mẹ, bắt tôi phải bỏ con, việc đó còn khó hơn việc từ bỏ chính mình.
Khi tôi mang thai đứa thứ hai được 7 tháng, tôi xuất hiện hiện tượng sinh non. Khi đó, mẹ chồng tôi nóng ruột như ngồi trên đống lửa. Cho đến giờ, tôi vẫn cảm kích và đội ơn trời đất đã chiếu cố cho tôi và hai con. Khi tôi sinh con trong bệnh viện, bác sĩ đã nói đó quả là một kỳ tích.
Vì tôi đã có bệnh sẵn nên sinh xong đứa thứ hai, người tôi nhợt nhạt và yếu đi trông thấy. Ở nhà nghỉ ngơi 3 tháng tôi vẫn cảm thấy mệt. Khi đó, điều kiện kinh tế trong nhà đã khá hơn, cuộc sống không còn khổ như trước, ốm đau cũng đã có điều kiện nằm viện để được chữa trị.
Vài năm sau đó, trong một lần kiểm tra sức khỏe tổng thể được tổ chức trong thôn, tôi được phát hiện đã mắc ung thư tử cung. Bác sĩ nói tôi sẽ khó có thể sống qua tuổi 40. Cả nhà tôi biết chuyện đều "chết đứng", lo lắng và sợ hãi.
Chồng tôi ngày nào cũng ra ngoài, ra sức làm thuê kiếm tiền. Bố chồng tôi tuổi cũng đã cao nhưng vẫn cố gắng tìm việc làm thêm để có tiền trang trải sinh hoạt phí. Mẹ chồng tôi đảm đương việc nhà, không để tôi phải đụng tay, chỉ việc nằm trên giường nghỉ ngơi, xem ti vi và chơi cùng bọn trẻ.
Nhờ có mẹ chồng ủng hộ, người con dâu đã trút bỏ được nhiều tâm sự nặng nề trong lòng. Ảnh minh họa.
Hành động kỳ lạ của mẹ chồng
Từ năm ngoái, mẹ chồng tôi bảo tôi mỗi tối hãy mang một nắm gạo ra đầu ngõ rắc. Tôi có hỏi nguyên cớ nhưng bà không nói, chỉ bảo nó sẽ tốt cho sức khỏe của tôi.
Duy trì việc này suốt nửa năm, một tối nọ, trong lúc mang gạo ra đầu ngõ rắc như ngày thường, tôi gặp một bà cô hàng xóm.
Nhìn thấy tôi làm vậy, bà lẩm bẩm mấy câu không rõ cụ thể là gì. Tôi có chào và hỏi cô nói gì, người đó mới trả lời: "Mẹ chồng cháu là một người tốt. Số gạo này tự tay bà ấy đưa cho cháu phải không?" Tôi gật đầu.
"Chắc cháu không biết, các cụ ngày xưa có quan niệm và tin rằng nếu có ai đó cam tâm tình nguyện tự tay đặt một ít gạo đã ngâm vào tay cháu, sau đó cháu mang gạo đó ra đầu ngõ rắc, người đưa gạo cho cháu ở nhà niệm vài câu, người đó có thể cho cháu mượn tính mạng của họ hay nói cách khác, họ sẽ có thể chết thay cháu", cô hàng xóm nói.
Nghe những lời đó, tôi giật mình sợ hãi. Bình tĩnh lại, tôi không thể ngăn nổi nước mắt.
Mẹ chồng tôi thực sự là một bà mẹ chồng vĩ đại. Từ khi biết tôi bị ung thư, bà giành hết việc nhà không cho tôi làm, bắt tôi nghỉ ngơi dưỡng sức.
Không ngờ bấy lâu nay, bà còn dùng phương pháp này để mong tôi có thể sống lâu hơn. Mặc dù đây là một phương pháp quá đỗi mê tin nhưng với một phụ nữ nông thôn, đó đã là biện pháp tốt nhất mà bà có thể nghĩ đến, vì một người con dâu như tôi.