Năm 2019, Kim Hồng (34 tuổi, quê Cần Giuộc, Long An) sang Brazil, sau đó kết hôn cùng anh José Lazaro Dias Da Silva. Nơi Hồng ở là thành phố Resende, thuộc bang Rio De Janeiro, khí hậu không quá nóng và có đủ 4 mùa xuân, hạ, thu đông. Thành phố này chưa đến 1 triệu dân, khá yên bình, gần nhiều địa điểm du lịch.
Ngày đầu mới sang, Hồng gặp cú sốc bởi không thể hòa hợp được với cuộc sống trời Tây.
“Mùa đông tại Brazil cực kỳ khủng khiếp. Mình mới sang nên không chịu được lạnh, mua đồ mà không có size vừa, phải đi kiếm size con nít mặc. Bước vào cửa hàng bán quần áo trẻ em mà ngượng kinh khủng”, Hồng nói.
Bà mẹ Việt nhận thấy, người Brazil ăn rất mặn. Món ăn hàng ngày chỉ có thịt bò heo, gà, đậu, phô mai… hiếm khi ăn rau. Đặc biệt nơi đây không bán hải sản, muốn ăn chỉ có hàng đông lạnh chứ không có đồ tươi sống. “Nhiều lúc thèm bữa mực, bữa tôm cua… mà kiếm hoài không có”, Hồng ngậm ngùi.
Nơi vợ chồng Kim Hồng sống ở miền Nam Brazil, thiên nhiên có đủ 4 mùa
Nhưng nhập gia thì tùy tục, cô nhanh chóng học cách hòa nhập, tìm hiểu cách nấu những món ăn Brazil. Hồng có thể nấu được một số món rất đặc trưng như đậu hầm, súp ngô, thịt bò hầm kiểu Brazil.
“Bên này cực kỳ thích ăn đồ hầm nhừ hoặc món nướng là nhiều. Họ chỉ ăn cơm vào buổi trưa, sáng ăn bánh mì phô mai, bánh mì nướng”, Hồng cho biết.
Với Hồng, bữa cơm gia đình là một điều cực kì quan trọng trong cuộc sống. Dù ở đất khách quê người thiếu thốn nhiều thứ nhưng cô tâm niệm rằng nhất định không để gia đình trở nên xa cách vì công việc bận rộn và bữa cơm gia đình chính là một phần quan trọng để giữ gìn hạnh phúc.
Trong quãng thời gian làm dâu, Hồng đảm đã tận tay nấu những món ăn Việt cho nhà chồng thưởng thức như cơm tấm, gỏi bò, bánh khoai mì, bánh flan…
Và lần nào cũng vậy, gia đình của José cũng đều rất hào hứng, tò mò nếm thử đồ ăn châu Á. Họ rất ngạc nhiên khi thấy trong món gỏi bò có cả xoài, bắp cải.
“Món nào mọi người cũng cảm thấy thích. Nhưng có lẽ nhất gây nghiện nhất là gỏi bò trộn bắp cải, xoài xanh…. Người Brazil ít ăn rau, nên khi làm các món có nhiều rau, đồ trộn, họ rất ngạc nhiên.
Thấy xoài bào mỏng, mọi người cũng tò mò hỏi đây là gì? Khi biết, tất cả ồ lên và nói, sao lại bỏ được trái cây đồ ăn như vậy?”, Hồng kể lại.
Trong dịp giao thừa đón năm mới 2024, Hồng cũng trổ tài làm hai loại chả giò heo và chả giò tôm, mang qua cho cả nhà thưởng thức. Mẹ chồng và các anh chị em chồng của Kim Hồng đều giơ ngón tay cái giống nút like, bày tỏ sự thích thú và nói bằng tiếng Việt “ngon quá”.
Hồng cho biết, giao thừa tại Brazil thường ăn món thịt nướng, bánh mì phô mai. Cả nhà sẽ quây quần cùng nhau thưởng thức đồ ăn, sau đó uống rượu vang và xem pháo hoa cùng nhau. Trong khi mọi người đợi thịt nướng chín thì khay chả giò của Kim Hồng đã hết veo chỉ sau khoảng 30 phút.
Theo nàng dâu Brazil, khó khăn nhất khi nấu món Việt phải kể đến việc tìm nguyên liệu. Để lùng các loại rau và gia vị, Hồng phải lái xe đi suốt 4 đến 5 tiếng tìm mua.
“Một chai tương ớt mua ở Việt Nam chỉ khoảng 25-30 nghìn. Còn ở đây, một chai tương ớt giá 250 nghìn. Chai nước mắm 290 nghìn mà toàn nước mắm Thái Lan chứ không có mắm Việt Nam.
Bên đây cũng không có rau muống, rau quế, ngò hay trái bầu, trái bí, đậu rồng, khổ qua… Mỗi lần mua, mình thường tích trữ số lượng lớn để vào tủ đồ nấu dần”, Hồng nói.
Nàng dâu cho biết, kỳ công nhất phải kể đến món bánh mì pate. Ở Việt pate rất dễ tìm, nhưng tại Brazil, Hồng phải tự bắt tay làm.
“Mình phải bỏ đầy đủ nguyên liệu, tìm hiểu cách ướp ra sao cho phù hợp khẩu vị mới ra được nước sốt chất lượng. Nếu đã không làm thì thôi, một khi đã làm phải ra đúng hương vị Việt Nam”, Hồng nói.
Thấy con dâu đảm đang, khéo léo, mẹ chồng ngoại quốc vẫn thường khuyên Hồng nấu đồ đem đi bán thử. Những đoạn clip nấu đồ ăn Việt của Kim Hồng được hàng trăm nghìn lượt xem trên Youtube. Không chỉ lan toả về ẩm thực, cô còn chia sẻ về hành trình hòa nhập vùng đất mới của mình tới mọi người để những ai vì một lý do nào đó thay đổi môi trường sống có thêm kinh nghiệm.
“Trong tương lai chắc mình sẽ nghĩ tới việc nấu đồ đem bán, biết đâu lại được mọi người đón nhận. Hạnh phúc với mình đơn giản là mỗi ngày được cùng đại gia đình ngồi bên mâm cơm, thưởng thức “hết sạch” những món ăn mà mình nấu”, Hồng tâm niệm.
Ảnh: Mẹ & Sam cuộc sống Brazil