Theo Bộ Y tế, tỉ lệ mổ lấy thai ở Việt Nam tăng lên tới gần 37% trong năm 2022, cao hơn rất nhiều so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Đáng chú ý tại một số cơ sở chuyên khoa tuyến cuối tỉ lệ mổ đẻ chiếm khoảng 50%. Điều tra đo lường các chỉ số Mục tiêu Phát triển Bền vững của Việt Nam về trẻ em và phụ nữ 2020-2021 cho biết tỉ lệ sinh mổ tại Việt Nam chiếm 34,4% tổng các ca đẻ, tăng gần 7% so với năm 2014.
Trong đó, hơn 20% trường hợp quyết định trước khi chuyển dạ và gần 14% quyết định sau đó. Hiện nay, không ít mẹ bầu dù đẻ thường được nhưng vẫn chọn phương pháp sinh mổ. Vậy lý do dẫn tới điều này là gì và có ảnh hưởng như thế nào. Dưới đây là giải đáp từ ThS.BS. Tạ Việt Cường - Phó giám đốc Trung tâm khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Thông thường, những trường hợp nào mẹ bầu cần phải mổ?
Thường một số trường hợp, sản phụ sẽ tiến hành đẻ mổ khi có chỉ định về y khoa. Cụ thể:
- Thai nhi quá to hơn 4kg.
- Ngôi và thế thai bất thường.
- Có bất thường ở phần xương chậu.
- Cổ tử cung không tiến triển sau 3 tiếng, mở 5-6 phần nhưng không mở nữa.
- Cấp cứu do thai suy...
Các chỉ định mổ này sẽ được các bác sĩ phát hiện và trao đổi với sản phụ và người nhà trong quá trình khám thai hoặc quá trình chuyển dạ.
Đẻ thường đau tới mức nào mà nhiều sản phụ sợ?
Đẻ thường hay đẻ mổ đều đau nhưng ở các giai đoạn khác nhau. Với những mẹ đẻ thường lần đầu quá trình từ lúc bắt đầu có dấu hiệu chuyển dạ, cổ tử cung mở dần cho đến lúc em bé ra ngoài đều phải chịu những cơn gò tử cung. Cơn đau tăng dần, mức độ đau tuỳ từng sản phụ, cơn đau là do thai dưới tác dụng của cơn co nong mở cổ tử cung. Ở bệnh viện chuyên khoa, có sự trợ giúp của phương pháp giảm đau trong đẻ như tê ngoài màng cứng giúp người phụ nữ dễ dàng hơn trong cuộc chuyển dạ.
Tuy nhiên, khi cổ tử cung mở hết, đầu lọt vào tiểu khung, sản phụ sẽ phải rặn để em bé dần dần ra ngoài qua đường âm đạo. Quá trình này rất vất vả, đau, khó khăn vì đầu em bé thì vốn to hơn kích thước ban đầu của âm đạo rất nhiều (đầu em bé đường kính khoảng 9-9,5 cm, đường kính âm đạo phụ nữ chưa sinh khoảng 2-3cm) thành âm đạo sẽ bị nong giãn từ bên trong từng cm để đưa em bé ra ngoài từng cm.
Đây là hành trình gian nan, khó khăn dù có sự trợ giúp của y tế thì thời điểm này sản phụ phải hoàn toàn xác định là phải dựa vào bản thân mình, nhân viên y tế không thể rặn hộ được.
ThS.BS. Tạ Việt Cường - Phó giám đốc Trung tâm khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Qua quá trình làm việc tôi cũng nhận thấy một số bạn có mong muốn tại sao em lại phải làm việc khó khăn vất vả như vậy, việc đẻ mổ hợp với em hơn, và các bạn ý nhất quyết muốn xin đẻ mổ mặc dù đã biết những nhược điểm mà đẻ mổ mang lại.
Chính vì điều trên mà nhiều mẹ mong muốn được lựa chọn mổ ngay từ đầu do lo lắng không biết bản thân có đủ sức không. Trong thời đại ngày càng phát triển về cả sức khoẻ lẫn thông tin thì điều này cũng rất dễ hiểu. Tuy nhiên, mỗi phương pháp lại có ưu/nhược điểm riêng nên không thể khẳng định phương pháp nào tốt hơn cả, mà chỉ là phù hợp nhất với tình hình của sản phụ và người nhà mà thôi.
Đẻ mổ với đẻ thường, đẻ kiểu nào tốt hơn?
Khi đẻ thường, vùng kín bị ảnh hưởng nhiều hơn. Sau cuộc đẻ, toàn bộ ống sinh sản của sản phụ bị giãn ra (cổ tử cung - âm đạo). Và càng sinh nhiều lần thì việc sinh em bé ra ngoài càng dễ dàng nhưng cũng đồng nghĩa là âm đạo sẽ không còn chặt chẽ, khít như những phụ nữ sinh mổ, hay khi chưa sinh con; điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng của việc "quan hệ", cũng như một số hoạt động thể chất do một số sản phụ bị sa thành trước âm đạo, sa thành sau âm đạo nên gần đây có xu hướng đi "thẩm mỹ" vùng kín là vì vậy. "Thẩm mỹ" ở đây là phẫu thuật tái tạo, phục hồi thành âm đạo do bị giãn bởi quá trình sinh nở.
Với đẻ mổ, sẽ rạch một đường khoảng 10cm trên thành bụng vào tử cung để đưa em bé ra ngoài. Sau khi liền lại vị trí này có để lại sẹo, sẹo bên ngoài thành bụng, sẹo bên trong tử cung, một số trường hợp sẽ bị một số vấn đề như khuyết sẹo mổ đẻ cũ, thai làm tổ vào vết mổ cũ... Tuy nhiên, chọn đẻ mổ thì sản phụ sẽ không phải trải qua quá trình chờ sinh, rặn đẻ vất vả, mà sẽ vất vả sau khi mổ.
Ở đây, bác sĩ Cường muốn mọi người nhìn một cách toàn cảnh, theo cả hai hướng, dù là đẻ theo phương pháp nào cũng có ưu/nhược điểm của nó. Thế nên đứng trên tư cách là một bác sĩ, mình khuyên các mẹ nên tìm hiểu thật kỹ trước khi đưa ra quyết định cho việc sinh mổ hay sinh thường. Để mà nói phương pháp nào tốt thì không có cách nào tốt hơn hẳn, chỉ có cách phù hợp nhất với hoàn cảnh, tình trạng, điều kiện, mong muốn sản phụ mà thôi, và mục tiêu là một cuộc đẻ an toàn mới là mục tiêu hàng đầu. Đẻ thường hay mổ thì đều gây ra những tổn thương nhất định cho người mẹ.
Sản phụ đẻ thường được nhưng thích đẻ mổ thì có được không?
Đây là mong muốn cá nhân. Dù theo mình thì những trường hợp này không nhiều. Tuy nhiên, là bác sĩ, mình có nhiệm vụ giải thích về ưu, nhược điểm, nói rõ cho sản phụ biết họ hoàn toàn có thể đẻ thường. Tuy nhiên, nếu sản phụ vẫn không đồng ý, quyết đẻ mổ thì bác sĩ Cường sẽ đồng thuận. Vì trong mọi trường hợp, tôn trọng quyền quyết định của sản phụ vẫn là quan trọng nhất, bản thân bác sĩ sẽ có trách nhiệm tư vấn thông tin đầy đủ để họ tự đưa ra được lựa chọn phù hợp nhất với mình mà thôi.
Con số những mẹ chọn đẻ mổ dù biết có thể đẻ thường là không nhiều. Hầu hết các mẹ khi sinh mổ sẽ tìm và chọn giờ sinh cho phù hợp với tuổi, mệnh của gia đình, đây cũng là mong muốn hợp lý, cá biệt có một số trường hợp thì mong muốn mổ một số cung giờ vào ban đêm (3-4h sáng) hay mổ sớm hơn thời điểm về chỉ định y khoa có thể lấy em bé ra an toàn, nhưng số này không nhiều.