Tối 2/9, Lý Lâm, người dẫn chương trình nổi tiếng của Đài Phát thanh Truyền hình Trùng Khánh, Trung Quốc, qua đời vì bệnh ở tuổi 42. Thông báo chính thức nói rằng anh vẫn chưa khỏi bệnh cảm lạnh và bị nhồi máu cơ tim đột ngột khi đang tập thể dục vào buổi tối. Sự ra đi đột ngột của anh khiến nhiều người tiếc thương.
Bác sỹ Hoàng Vũ Bằng, Phó Chủ nhiệm khoa tim mạch tại bệnh viện Hanyang, Vũ Hán, Trung Quốc, cho biết sức đề kháng của cơ thể khi bị cảm lạnh vốn đã kém, việc tập luyện quá sức khiến virus dễ dàng lợi dụng, đồng thời làm tăng tải trọng cho tim, từ đó gây ra viêm cơ tim kịch phát, nhồi máu cơ tim, v.v., dẫn đến rối loạn nhịp tim ác tính, suy tim, đột tử và các vấn đề khác.
"Đây không phải là trường hợp duy nhất", bác sỹ Hoàng nhớ lại. Cô cũng từng chữa trị cho một học sinh cấp 2, cậu bé bị cảm lạnh, sốt, nhưng không chú ý, không nghỉ ngơi cho tốt, cuối tuần vẫn đi chơi bóng rổ với các bạn, kết quả bị ngất tại sân, tứ chi lạnh ngắt, môi tím tái, hô hấp khó khăn. Sau khi được đưa vào viện, các bác sỹ phát hiện cậu bị rối loạn nhịp tim, các chỉ số viêm cơ tim tăng bất thường, tình huống vô cùng khẩn cấp. "Những bệnh nhân bị viêm cơ tim nặng như thế này có thể bị ngừng tim bất cứ lúc nào nếu không được cấp cứu kịp thời", bác sỹ Hoàng nói.
Đừng coi cảm lạnh là chuyện nhỏ, coi chừng tổn thương cơ tim nguy hiểm đến tính mạng
"Đừng xem 'cảm lạnh' chỉ là chuyện nhỏ. Trong trường hợp nghiêm trọng, nó thực sự có thể nguy hiểm đến tính mạng" - Bác sỹ Hoàng cho biết. Một số người cho rằng tập thể dục nhiều hơn và đổ mồ hôi sau khi bị cảm có thể thúc đẩy tuần hoàn máu và giúp phục hồi nhanh chóng, nhưng cần lưu ý rằng bạn không thể chỉ dựa vào tập thể dục để giúp bạn khỏi bệnh cảm lạnh. Những rủi ro liên quan cũng cần được đánh giá cẩn thận. Tập thể dục quá sức có thể gây tổn thương cơ tim, gây ra các bệnh nghiêm trọng như viêm cơ tim do virus và dẫn đến bệnh tim mạch xảy ra ngoài ý muốn.
Bác sỹ Hoàng cho biết, khi bị cảm lạnh, khả năng miễn dịch của con người đang ở mức thấp, điều quan trọng nhất cần làm lúc này là nghỉ ngơi, uống nhiều nước, ăn đồ ăn thanh đạm và tránh tập luyện vất vả, chẳng hạn như chạy đường dài, chơi bóng, tập Gym, bơi lội, v.v. Nếu muốn vận động cơ thể, bạn có thể lựa chọn các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, thái cực quyền, giãn cơ... Không nên nghĩ rằng mình cảm thấy khỏe hơn rồi mà hấp tấp chọn những phương pháp tập luyện không phù hợp, nhất là khi cảm thấy đau tức ngực, căng ngực, đánh trống ngực, ho nhiều. Không tập thể dục khi bạn có các triệu chứng như yếu chân tay, vì nó có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng, kéo dài thời gian bệnh và gây tai biến tim mạch.
Bệnh tim mạch ngày càng trẻ hóa, bác sỹ Hoàng đã điều trị cho nhiều bệnh nhân nhồi máu cơ tim khi còn trẻ, ngay cả những người có thói quen tập thể dục.
Giáo sư Dương Quốc Khang, Giám đốc Khoa Tim mạch Bệnh viện Hanyang, Vũ Hán, phân tích, một số người trẻ chỉ chú ý đến tình trạng tập luyện mà bỏ qua tình trạng tim mạch. Do áp lực công việc cao, tinh thần lo lắng, rối loạn giờ giấc giữa công việc và nghỉ ngơi, chế độ ăn uống không lành mạnh,… nhiều người trẻ và trung niên bị cao huyết áp mà không hề hay biết, tình trạng mạch máu cũng kém. Trong quá trình tập luyện quá sức, lượng oxy tiêu thụ của cơ thể tăng lên và gánh nặng của tim trở nên nặng nề hơn, điều này có thể dẫn đến lượng máu cung cấp không đủ cho hệ thống tim mạch và mạch máu não. Nếu có những mảng bám không ổn định "ẩn nấp" trong mạch máu, dễ dẫn đến tải trọng tim mạch đạt "giá trị tới hạn" khi vận động gắng sức, gây vỡ mảng bám, dẫn đến hội chứng mạch vành cấp, trong đó nhồi máu cơ tim cấp là hay gặp nhất.
Bác sỹ Dương đề nghị mọi người nên chú ý hơn đến sức khỏe tim mạch của mình, tốt nhất nên tiến hành đánh giá tim toàn diện để tránh những tai biến tim mạch bất ngờ.