Mazda CX-50 nhưng trong bộ khung bán tải hạng sang - Ảnh: Theottle
Mazda, từ khi Mazda3 thế hệ mới chào sân hồi năm 2019, đã triển khai kế hoạch biến mình thành một thương hiệu hạng sang (hoặc ít nhất là bán sang) với đội hình sản phẩm hoàn toàn mới.
Nhiều cái tên cũ sẽ phải ra đi với khả năng cao là CX-8, CX-9 và có thể là cả Mazda6 và ở chiều ngược lại, Mazda sẽ trông cậy vào đội hình SUV mới từ CX-50 tới CX-90.
Có một phân khúc mà Mazda có thể trông cậy trong chiến lược mới của mình, đó là bán tải. Trên thị trường hiện tại, giá các dòng bán tải cỡ lớn giàu trang bị ở phân khúc phổ thông còn ngang bằng, hoặc thậm chí vượt lên nhiều mẫu xe sang truyền thống.
Tuy nhiên, Mazda không thể dùng BT-50 - mẫu bán tải họ đang có trong đội hình - tại một số khu vực dùng chung khung gầm Isuzu D-Max. Mẫu xe này thuần túy là "ngựa thồ" với ít trang bị, kết cấu khung gầm cũ và thiết kế không thể phổ thông hơn.
Không như giai đoạn đầu thập kỷ trước, bán tải giá ngang xe sang đã được chấp nhận nhiều hơn - Ảnh: Theottle
Nếu muốn khai thác triệt để phân khúc hạng sang và thậm chí là đi tiên phong ở một hạng mục kích thước, Mazda cần một mẫu xe hiện đại, giàu trang bị và thiết kế chắc chắn không thể tầm thường. Họ hoàn toàn có thể sử dụng bộ khung CX-50 ở phân khúc cỡ trung hay CX-90 ở phân khúc cỡ lớn để làm bán tải.
Nếu không chấp nhận rủi ro, Mazda có thể sử dụng ngoại thất CX-50, nhưng là trong một bộ khung nhỏ nhắn hơn ở phân khúc bán tải cỡ nhỏ đang rất hot nhờ những Ford Maverick hay Hyundai Santa Cruz. Người dùng trên toàn cầu đã bắt đầu nhận ra sự thiết thực của bán tải cỡ nhỏ nhờ 2 cái tên này, và đây là điểm thương hiệu Nhật có thể tận dụng.