Máy xét nghiệm 7,23 tỉ đồng ở Quảng Nam: Thanh tra, kết luận trước 20-5

Trần Thường |

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu thanh tra việc mua máy xét nghiệm với mức giá 7,23 tỉ đồng ở tỉnh này.

Chiều 29-4, kết luận cuộc họp nghe báo cáo về việc mua sắm hệ thống máy xét nghiệm Real - time PCR tự động, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết đã ký quyết định yêu cầu Thanh tra tỉnh vào cuộc thanh tra việc mua hệ thống máy này.

Ông Thanh yêu cầu Thanh tra tỉnh khẩn trương vào cuộc, đến ngày 20-5 phải có báo cáo cho UBND tỉnh để kết luận. Ngoài ra, Thanh tra tỉnh phải xây dựng kế hoạch thanh tra việc mua sắm thiết bị y tế phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. "Cần có kết quả sớm để minh bạch cái này, đúng chỗ nào, sai chỗ nào" – ông Thanh nói.

Máy xét nghiệm 7,23 tỉ đồng ở Quảng Nam: Thanh tra, kết luận trước 20-5 - Ảnh 1.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu kết thúc cuộc họp

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo rrong quá trình thanh tra, Sở Y tế tạm thời chưa chuyển tiền cho công ty bán máy.

"Trong quá trình thanh tra, nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chuyển hồ sơ sang cho cơ quan điều tra làm rõ. Tinh thần rất thẳng thắn, nếu có công phải được tuyên dương, khen thưởng, ghi nhận, nếu vi phạm phải được nghiêm khắc xử lý nghiêm minh. Chúng ta là những người thừa hành công vụ vừa là trách nhiệm, vừa là lương tâm, đạo đức trước xã hội, trước nhân dân, đặc biệt trong công tác phòng chống dịch hiện nay" – ông Lê Trí Thanh yêu cầu.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam lưu ý công tác phòng chống dịch còn dài, còn nhiều khó khăn trước mắt. Từ việc mua sắm máy móc, dù chưa rõ đúng sai thế nào nhưng chúng ta đã có những bài học kinh nghiệm trong triển khai các công việc tiếp theo, nhất là việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ cho những người khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 sắp tới đây.

"Cuộc họp hôm nay để nghe các bên báo cáo giải trình, chưa nói đúng sai, còn kết quả thế nào, yêu cầu Chánh thanh tra khẩn trương làm, hoàn thiện báo cáo cho UBND tỉnh sớm nhất, đúng quy định, quy trình để sớm công bố cho dư luận được rõ" – ông Lê Trí Thanh kết luận.

Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, chiều 29-4, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức buổi họp để nghe báo cáo về tình hình mua sắm hệ thống máy xét nghiệm Real - time PCR tự động.

Máy xét nghiệm 7,23 tỉ đồng ở Quảng Nam: Thanh tra, kết luận trước 20-5 - Ảnh 2.

Máy xét nghiệm 7,23 tỉ đồng ở Quảng Nam

Trước khi các đơn vị liên quan phát biểu, ông Lê Trí Thanh nói rõ, về việc mua máy, UBND đồng ý về mặt chủ trương để Sở Y tế thực hiện chứ UBND tỉnh không nói mua như thế nào, mua của ai, giá bao nhiêu. Về nội dung cuộc họp, ông Thanh cho biết hiện nay nội dung được dư luận quan tâm nhất là mua máy có tiêu cực không, mức giá 7,23 tỉ có cao hơn các địa phương khác không? Hợp đồng này quy định nội dung cơ bản như thế nào, dư luận đang rất quan tâm đến giá cả. Hình thức thực hiện đã đúng chưa, đúng chỗ nào, chưa chỗ nào.

Ông Thanh cũng yêu cầu doanh nghiệp bán máy trả lời về mức giá 7,23 tỉ đồng là cao hay thấp, vì sao cao hơn giá của một số địa phương khác, có phải tiền nào của nấy hay vấn đề khác. Có tiêu cực không, có cấu kết để nâng giá hay không?

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam nói về việc cần thiết phải mua sắm máy xét nghiệm, máy này ngoài chống dịch Covid-19 còn có thể sử dụng lâu dài, xét nghiệm được nhiều loại bệnh khác. Ông Hai khẳng định việc mua máy là đúng quy định, đúng quy trình, đã tham khảo giá ở các địa phương, máy mua về kịp thời để phòng chống dịch. Ông Hai khẳng định không hề có tiêu cực gì và nói rằng luôn sẵn sàng chịu trách nhiệm. Khi đang phát biểu, ông Hai đã bật khóc.

Ông Phan Văn Chín, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Quảng Nam, cho biết quy trình mua máy, thẩm định máy là đúng. Về mức giá 7,23 tỉ thì sở không thể đánh giá đó là đắt hay rẻ. Theo ông Chín, hiện nay máy này chưa nghiệm thu, chưa thanh lý, chưa thanh toán, số tiền cấp cho Sở Y tế chưa rút, Sở Y tế chưa chi tiền, nếu có tiêu cực xảy ra thì chưa thất thoát tiền.

Bà Lê Thị Tuyến, Giám đốc Công ty CP Thương mại và đầu tư Giải Pháp Việt cho biết công ty bà mua lại từ công ty khác chứ không phải trực tiếp nhập máy về bán. Khi mua máy từ đơn vị nhập khẩu, công ty bà không hề biết được mức giá họ nhập khẩu bao nhiêu.

Theo bà Tuyến, công ty bà mua máy từ đơn vị nhập khẩu với giá 5,2 tỉ đồng, chí phí hóa chất ước tính 550 triệu đồng, chi phí kỹ sư, chuyên gia… ước tính 50 triệu đồng. Khi bán cho tỉnh Quảng Nam, công ty bà thu lợi nhuận trước thuế 1,43 tỉ đồng, trừ tiền thuế và một số chi phí công ty bà còn lời hơn 1,04 tỉ đồng.

Tại cuộc họp, bà Tuyến đề xuất giảm giá hợp đồng xuống còn 4,853 tỉ đồng vì 3 lý do. Thứ nhất, sau khi đàm phán lại, công ty nhập khẩu đồng ý giảm giá cho công ty bà. Thứ hai, sau quá trình thực hiện hợp đồng, các chi phí rủi ro thấp hơn chi phí dự kiến. Thứ ba, "công ty nhất trí giảm tỷ suất lợi nhuận xuống còn 0% như một sự đóng góp nhỏ bé để cùng chung ta phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam" – bà Tuyến nói rằng đó là "cái tình".

Sau khi bà Tuyến phát biểu, ông Nguyễn Văn Hai đứng lên xin nói thêm và cho hay muốn trả lại máy cho công ty bà Tuyến.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại