Đám cưới giữa Hoàng tử Harry và Meghan Markle từng được ca tụng là câu chuyện cổ tích giữa đời thực. Một cô gái da màu bình thường tới từ Los Angeles đã kết hôn với hoàng tử nước Anh.
Tuy nhiên, gia thế của Meghan không đơn giản như mọi người vẫn nghĩ. Cô xuất thân từ tầng lớp trung lưu: học trường tư, du học và thực tập tại nước ngoài, có nhiều mối quan hệ trong Hollywood. Vào thời điểm lấy chồng, Meghan đang sở hữu số tài sản trị giá 3,5 triệu bảng Anh, cùng mức thu nhập lên tới 330.000 bảng Anh/năm, theo thống kê của nhiều trang chuyên về giới giải trí.
Khác với chuyện cổ tích Lọ Lem, trường hợp của Meghan Markle chính là điều vẫn đang xảy ra hàng ngày trong xã hội: một người phụ nữ giàu có lấy một người đàn ông giàu có. Điểm khác biệt duy nhất là đằng gái thuộc tầng lớp nhà giàu mới nổi, còn đằng trai xuất thân từ dòng dõi quý tộc.
Vợ chồng Meghan Markle - Hoàng tử Harry
Người giàu rồi cũng sẽ kết hôn với người giàu
Với những người sành sỏi về các cặp đôi giàu có, Wedding Announcements của The New York Times là mục không thể bỏ qua. Năm 2017, tờ báo này đã quyết định thay đổi truyền thống. Họ tuyên bố: "Chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến chỉ trích, cho rằng báo chỉ đăng tin tức đám cưới của các trâm anh thế phiệt trong tầng lớp thượng lưu. Chúng tôi biết mình có thể làm tốt hơn thế".
Rhymer Rigby – nhà báo của Financial – cảm thấy thất vọng vì sự thay đổi này. Ông thích các tin cũ hơn, bởi nó phản ánh sự thật rằng mây tầng nào gặp mây tầng đó, "người giàu rồi sẽ kết hôn với người giàu".
Có gì sai khi Meghan lấy Harry? Có gì sai khi CEO Snapchat Evan Spiegel (tài sản: 2,8 tỷ USD) lấy siêu mẫu Miranda Kerr (tài sản: 45 triệu USD)? Có gì sai khi nữ diễn viên Salma Hayek (tài sản: 85 triệu USD) kết hôn với "thái tử" LVMH François-Henri Pinault (tài sản: 25,5 tỷ USD). Ngay cả ở tầng dưới của giới thượng lưu, chủ ngân hàng cũng cưới chủ ngân hàng, luật sư cũng cưới luật sư?
Đây chính là một kiểu "phối ngẫu chọn lọc", khi những người ở cùng tầng lớp lấy nhau, "mây tầng nào gặp mây tầng đó". Theo nhiều nghiên cứu, hiện tượng này đã trở thành xu hướng trong vài thập kỷ gần đây.
Nhà kinh tế học Tyler Cowen cho biết, người giàu kết hôn với người giàu để tập trung của cải, tạo ra một khối tài sản khổng lồ. "Giàu + giàu = siêu giàu". Tầng lớp thượng lưu có xu hướng kết hôn với những người giống mình, hoặc đến từ tầng lớp trung lưu, thay vì những người bình thường.
Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Chính sách Công có trụ sở ở London (IPPR), phụ nữ ngày nay ít mơ mộng đến chuyện "kết hôn với những người ở tầng lớp cao hơn mình". Bản thân họ có thể tự phấn đấu để trở thành lãnh đạo, nâng cao địa vị của bản thân trong xã hội.
IPPR cũng cho biết, số lượng người kết hôn trong cùng tầng lớp đang tăng cao. Từ thập niên 80, việc làm cho tầng lớp trung lưu giảm, bất bình đẳng gia tăng và giáo dục trở nên quan trọng. Vì thế, "các tầng lớp xã hội ngày càng kén chọn hơn về đối tượng gặp gỡ và kết hôn".
Vợ chồng Evan Spiegel - Miranda Kerr
Độ tuổi kết hôn tăng đồng nghĩa với chuyện mọi người sẽ gặp bạn đời tương lai ở nơi làm việc hơn là trường học. Các ứng dụng hẹn hò online như Match.com hay Tinder cũng giúp mọi người dễ dàng tìm kiếm được đối tượng tương xứng với mình hơn.
Người giàu kết hôn với nhau không chỉ để tích lũy của cải. Họ còn muốn gia tăng cơ hội học tập, ý chí tiến thủ và khả năng tiếp cận việc làm tốt nhất. Những cặp đôi xuất thân từ tầng lớp ưu tú thường sống trong cùng khu vực, chủ yếu là vùng nội đô nhộn nhịp. Họ tạo ra và duy trì một vòng tròn bạn bè tách biệt hẳn so với phần còn lại của xã hội.
Người giàu lấy nhau sẽ đảm bảo hạnh phúc dài lâu?
Trung Quốc là một trong những nơi có nhiều tỷ phú nhất thế giới. Trên diễn đàn Zhihu, chủ đề người giàu kết hôn với người giàu được khá nhiều người dùng mạng quan tâm. Họ cho rằng hôn nhân chỉ có thể bền vững khi cả vợ và chồng đều tương xứng về học vấn, tài sản và địa vị xã hội.
"Một gia đình giàu có sẽ khó mà chấp nhận kiểu hôn nhân ‘xóa đói giảm nghèo’. Cuộc sống vốn dĩ đã gian nan, ai cũng muốn dễ thở hơn một chút, đời nào lại tạo thêm gánh nặng cho bản thân", một cư dân mạng bày tỏ.
Một số khác lại chỉ ra, người giàu từ lúc sinh ra đã nhận được sự giáo dục vượt trội so với các tầng lớp dưới. Họ ý thức được số tài sản mình nắm giữ và biết cách tiêu tiền rất sớm. Xung quanh họ cũng toàn những người ưu tú có xuất thân tương tự. Tất cả những yếu tố này đều tác động đến tiêu chuẩn chọn bạn đời của họ.
Do đó, không có gì khó hiểu khi người giàu thường kết hôn với người giàu. Đặc biệt là với tầng lớp "phú nhị đại" (con cái của thế hệ giàu có đi lên từ hai bàn tay trắng), việc cưới một người giàu có giống mình sẽ là lựa chọn tốt nhất để duy trì và phát triển sản nghiệp gia đình.
Một ví dụ điển hình về "kết hôn không tương xứng" chính là cuộc hôn nhân giữa thiên kim tiểu thư Samsung Lee Boo Jin và "chàng Lọ Lem" Lim Woo Jae. Khi ấy, chú rể chỉ là một nhân viên IT bình thường của tập đoàn.
Sau thời gian dài phản đối, cuối cùng gia đình nhà gái cũng nhượng bộ với một điều kiện: Lim Woo Jae phải sang Mỹ du học. "Thời điểm chuẩn bị du học là quãng thời gian khó khăn nhất trong đời. Tôi đã khủng hoảng tới mức từng tự tử’, ông nhớ lại.
Thiên kim tiểu thư Lee Boo Jin và chàng rể Lim Woo Jae
Suốt 7 năm sau đó, cặp đôi phải sống xa nhau vì bị cuốn vào vòng xoáy công việc, chỉ gặp nhau trong những dịp đặc biệt. Cuối cùng, họ không thể vượt qua khoảng cách địa lý và sự khác biệt về tầng lớp nên đã ly hôn vào năm 2014.
Ngoài ra, đôi khi chỉ người giàu mới hiểu được tư duy người giàu. Năm 2015, Justine Wilson - vợ cũ của tỷ phú Elon Musk - đã viết trên diễn đàn Quora: “Thành công xuất sắc là kết quả của một tính cách cực đoan... Hạnh phúc nhiều hay ít không quan trọng với họ. Những người này thường rất kỳ quặc, trong khi một số khác cho rằng họ bị điên”.