Nói rõ thêm về vấn đề này, vị này cho hay: “Xí nghiệp 8 (Thanh Hóa) của Công ty chúng tôi từ ngày 4 đến 10-7-2016 phải tiếp đến 3 đoàn thanh, kiểm tra của thuế, bảo hiểm xã hội và liên ngành.
Chỉ trong 1 tuần mà phải tiếp đến 3 đoàn kiểm tra thì chúng tôi còn đâu thời gian sản xuất kinh doanh”.
Trong khi đó, Nhà nước vẫn kêu gọi giảm buổi thanh, kiểm tra và kết hợp các đoàn kiểm tra với nhau để tiếp kiệm thời gian cho doanh nghiệp.
“Các nội dung thanh tra, kiểm tra có khi còn trùng nhau. Tôi nghĩ rằng, các cơ quan nên có kế hoạch thanh tra để tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Ví dụ, năm nay dự định kiểm tra doanh nghiệp trong 1 tuần với các nội dung kèm theo để doanh nghiệp bố trí người tiếp”, ông Trịnh nói.
Đây cũng là một vấn đề được nhiều doanh nghiệp dệt may khác đề cập đến.
Ông Nguyễn Khánh Quyền, Giám đốc điều hành Công ty Dệt Minh Khai cho rằng, có quá nhiều đơn vị quản lý doanh nghiệp nên doanh nghiệp phải thường xuyên tiếp các đoàn đến “thăm hỏi”, có thể chỉ là kiểm tra thông thường cũng mất thời gian cho doanh nghiệp.
Ngoài khó khăn về vấn đề thanh, kiểm tra, một số khó khăn về bảo hiểm, tăng lương, chi phí "lót tay" cũng đã tạo áp lực không nhỏ cho các doanh nghiệp dệt may. Chưa kể, vấn đề thị trường đang là bài toán khiến nhiều doanh nghiệp phải “đau đầu”.
Theo ông Quyền, trong 6 tháng đầu năm 2016, thị trường của doanh nghiệp dệt may khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng.
“Thị trường xuất khẩu chính của chúng tôi là Nhật Bản tuy nhiên, tôi cảm thấy thị trường này thời gian qua có sự suy thoái nhất định đã ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu”, ông Quyền nói.
Ông Trịnh cho biết thêm, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dệt may năm 2016 dự kiến có tăng nhưng tăng bao nhiêu còn phải chờ. Tuy nhiên, mục tiêu xuất khẩu 31 tỷ USD sẽ khó có thể đạt được.