Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cho biết như vậy tại cuộc làm việc với Công ty Samsung điện tử Việt Nam Thái Nguyên (SEVT), thuộc Tổ hợp Samsung điện tử Việt Nam, đơn vị đóng góp hơn 20% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Đi vào hoạt động từ năm 2014, đến nay, SEVT có 66.500 nhân viên (tăng 700 lần), vốn đầu tư 5 tỷ USD (tăng 250 lần), doanh thu đạt 20,4 tỷ USD (tăng 250 lần).
Cùng với nhà máy ở Bắc Ninh, SEVT là một trong những cơ sở sản xuất lớn nhất toàn cầu của Samsung. Hiện nay, Tổ hợp điện tử Samsung Việt Nam, trong đó có SEVT, với 170.000 người, đóng góp 22% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2016 (39,9 tỷ USD).
Dự kiến năm 2017, Samsung Việt Nam sẽ xuất khẩu 50 tỷ USD. Tỉ lệ nội địa hóa của Samsung Việt Nam đạt 57%, với 215 nhà cung cấp là doanh nghiệp Việt Nam.
Sau khi tham quan dây chuyền sản xuất, nhà ở cho công nhân, khu nhà phúc lợi (nhà ăn, khu giải trí, thư viện, siêu thị…), Thủ tướng đánh giá cao sự đầu tư của Samsung, bao gồm tổng mức đầu tư và tỉ lệ giải ngân cao, nhất là cam kết của Samsung xuất khẩu hơn 50 tỷ USD trong năm nay.
Thủ tướng bày tỏ ấn tượng với Samsung về một số điểm như chú trọng đầu tư cho công tác nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam, chứ không chỉ đơn thuần là lắp ráp. Samsung cũng quan tâm đến công tác đào tạo cán bộ, công nhân, kỹ thuật hết sức bài bản.
Đời sống công nhân, người lao động ngày càng được nâng cao, trong đó công ty quan tâm đến khu ăn ở, giải trí, lao động nữ… Điều ấn tượng nữa là tỉ lệ nội địa hóa của Samsung đạt 57%.
Về vấn đề máy giặt Samsung sản xuất tại Việt Nam bị điều tra bán phá giá tại thị trường Mỹ, Thủ tướng thể hiện quan điểm ủng hộ Samsung và giao Bộ Công Thương tiến hành các thủ tục cần thiết để bảo vệ doanh nghiệp, bảo vệ các thành quả mà Samsung đầu tư ở Việt Nam.
Trước đó, Tập đoàn sản xuất đồ gia dụng Whirlpool của Mỹ đã đệ đơn kiện chống bán phá giá đối với sản phẩm máy giặt thương hiệu LG và Samsung, cho rằng 2 nhà sản xuất này đã dùng “mánh khóe” để bán máy giặt “Made in Vietnam” tại Mỹ với giá thấp.
Trong đơn kiện của mình, tập đoàn Whirlpool cho biết máy giặt nhập khẩu vào Mỹ đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 2012–2016, từ 1,6 triệu chiếc lên 3,21 triệu chiếc, chiếm lĩnh đáng kể thị phần và khiến các hãng sản xuất của Mỹ chịu thiệt hại nghiêm trọng về doanh số bán hàng, lợi nhuận, sử dụng công suất và việc làm.