Trong số những con tàu đến được Bắc Mỹ, có tàu May Flower. Đó là chuyến đi khốn khổ nhưng Lễ Tạ ơn của nước Mỹ lại bắt nguồn từ con tàu này đến tận ngày nay…
1. Cũng như tất cả những tàu buôn hồi thế kỷ 17, May Flower được thiết kế để chở gỗ, cá khô, rượu vang và lúa mì chứ không phải là tàu chở khách bởi lẽ với cái hình khối gần như vuông vức và các khoang cao giống tòa lâu đài, May Flower chỉ thích hợp cho những chuyến đi ngắn ngày dọc theo bờ biển châu Âu hơn là chống chọi với những cơn gió mạnh ở bắc Đại Tây Dương.
Tuy nhiên trước làn sóng di cư đến miền đất hứa, thuyền trưởng William Bligh đã quyết định dùng nó để đưa 41 người vượt biển.
Trước đó, ngày 22-7-1620, 61 hành khách khác đã lên tàu Speedwell ở thành phố cảng Delfshaven, Hà Lan. Mặc dù ra đi với ước mơ đổi đời nhưng cuộc chia tay giữa những người lên tàu và những người ở lại diễn ra rất buồn thảm.
Tranh vẽ mô tả tàu May Flower trước ngày lên đường đến Mỹ.
Mục sư Reverend, người cùng đi với họ kể lại: "Tất cả quỳ xuống bên cạnh tôi, những tiếng thở dài, nức nở và những lời cầu nguyện vang lên, những giọt nước mắt tuôn ra cùng những lời từ biệt thấu vào từng trái tim. Tất cả đều biết sẽ khó có ngày trở lại cho dù đến đích".
Ra khỏi cảng Delfshaven, Hà Lan, tàu tàu Speedwell hướng đến Southampton, Anh Quốc, nơi họ gặp 41 người trên tàu May Flower. Cả 2 tàu rời cảng Southampton ngày 6-8 với hy vọng sẽ cập bờ North Virginia, Bắc Mỹ.
Tuy nhiên chỉ vài giờ sau cuộc hành trình, tàu Speedwell bị thấm nước nghiêm trọng nên May Flower phải kéo nó vào cảng Dartmouth. Sửa chữa xong, Speedwell và May Flower một lần nữa lên đường vào ngày 24 nhưng lần này, Speedwell chỉ đi được 300 dặm thì lại bị nước biển tràn vào qua những chỗ rò rỉ mới.
Tiếp tục phải kéo Speedwell quay về cảng Dartmouth, thuyền trưởng William Bligh quyết định sẽ đi một mình chứ không nằm lại đợi tàu Speedwell. 61 người trên tàu Speedwell được chuyển sang May Flower, nâng tổng số là 102 người, trong đó 61 người vừa nói là những thợ thủ công lành nghề, thợ làm bánh, đầu bếp cùng 2 phụ nữ đang mang thai và hơn 10 trẻ em, chưa kể 37 thành viên thủy thủ đoàn.
Với số lượng như vậy, cùng thực phẩm dự trữ của tàu Speedwell được chuyển sang tàu May Flower đã khiến nó trở nên chật chội. Lúc này, May Flower mang theo gần 2 tấn, gồm bánh quy, thịt heo muối, thịt bò sấy khô, bí đỏ, dưa chuột ngâm dấm và 650 lít rượu Rum nấu từ mật mía cùng hơn 2.000 lít bia.
Với chiều dài 33m từ thân đến đuôi, rộng 8m, thuyền trưởng, thuyền phó, bác sĩ và thủy thủ đoàn ở trong những cabin nhỏ phía trên boong chính trong khi hành khách bị nhồi nhét trong khoảng không gian ngột ngạt dài 18m, rộng 8m vì không có cửa sổ, nằm giữa boong chính và hầm chứa hàng bên dưới, gọi là "phòng súng" vì đó là nơi xưa kia đặt súng đại bác.
Conrad Humphreys, thủy thủ trưởng viết trong sổ nhật ký hải hành: "Nó chật chội, lạnh và ẩm ướt vì trần phòng chỉ cao 1,5m. Những người còn khỏe ngồi dựa lưng vào vách tàu còn những người say sóng, họ nằm vật vã ngay trên những thứ mà họ đã nôn ra. Một số gia đình treo rèm lên những thanh gỗ để có chỗ riêng tư…".
Và bởi vì chỉ có 4 buồng vệ sinh nên lắm khi, do không đợi được vì tất cả đều có người, vài hành khách ra phía đuôi tàu, bám vào các gờ gỗ rồi "đi" thẳng xuống biển.
Vài ngày 1 lần, thuyền trưởng William Bligh lần lượt cho họ lên boong để hít thở chút không khí trong lành nhưng nhìn chung, những người ra đi tìm miền đất hứa bị đối xử như một loại hàng hóa vì họ chỉ phải trả mỗi người 12 bảng Anh cho cả chuyến đi thay vì 20 bảng như những tàu khác.
Owen, người xứ Scotland là khách trên tàu kể lại: "Ra đến Đại Tây Dương, chúng tôi liên tục phải chịu những con sóng lớn. Nó quăng quật những kẻ khốn khổ từ vách bên này sang vách bên kia.
Có những con sóng quá lớn, nó đẩy chúng tôi lăn về phía mũi khi tàu chúi xuống rồi lại đẩy ngược về phía đuôi khi tàu ngóc lên. Thoạt đầu, có người còn cố bám vào vách gỗ nhưng sau vài lần sóng nhồi, họ buông xuôi, mặc kệ cho thân thể lăn như bao bột…".
2.Chỉ 1 tuần sau khi khởi hành, thuyền trưởng thông báo thực phẩm tươi gồm bánh mì, rau, trứng, củ cải, cà chua… trên tàu đã hết. Thay vào đó là bánh quy và thịt muối hoặc thịt sấy khô. 3 ngày 1 lần mới có chút súp bí đỏ.
Tàu May Flower chuẩn bị rời cảng Southamton, Anh Quốc.
Williams Cromwell, cũng là hành khách trên tàu nhớ lại: "Bánh quy cứng như viên gạch, làm từ bột với muối. Trước khi ăn, chúng tôi phải ngâm nước cho nó mềm ra".
Hết tháng đầu tiên, nước ngọt cạn, thay vào đó là bia và rượu Rum. Ngay cả trẻ em cũng được cho uống bia, dẫn đến phần lớn hành khách bị suy dinh dưỡng, mất nước, sức khỏe sa sút. Một số người bị phù do thiếu vitamin B1 còn số khác chảy máu chân răng vì bệnh Scorbut do thiếu vitamin C nhưng y học thời điểm ấy chưa phát hiện 2 loại bệnh này. Để chữa trị, bác sĩ trên tàu cho họ… ngậm muối!
Cũng cuối tháng đầu tiên, tàu May Flower gặp bão. Suốt 1 tuần lễ, những cơn gió mạnh đến 120km/giờ liên tục vùi dập con tàu khốn khổ. Những cánh buồm được hạ xuống để tránh lật tàu. Những cơn gió ngang khiến thân tàu rung lắc dữ dội và một thanh đà gỗ ở giữa thân tàu bị cong rồi nứt khiến thuyền trưởng William Bligh sợ rằng con tàu không còn có thể đi tiếp.
Đã vậy, boong tàu lại bị dột. Nước biển do sóng đánh tràn lên và cả nước mưa tí tách nhỏ xuống chỗ ở của 102 hành khách nhưng cũng nhờ vậy, họ được bổ sung thêm chút nước ngọt. Một hành khách tên John Howland vì sợ bị chết đuối nếu chỗ ở ngập nước nên đã liều mạng leo lên boong.
Chỉ trong tích tắc, một con sóng lớn đánh văng Howland xuống biển nhưng may cho anh là có vài thủy thủ nhìn thấy. Họ ném cho Howland cái móc rồi kéo kẻ ngu ngốc lên tàu. Không chỉ thoát chết, Howland còn sống thêm 60 năm và trở thành người thuyết giáo trong nhà thờ.
Cơn bão vừa tan, thuyền trưởng William Bligh tập hợp tất cả hành khách, thông báo cho họ biết về tình trạng của tàu May Flower, nhất là cây đà gỗ giữa thân tàu bị cong và nứt, có thể sẽ không chịu nổi một cơn bão nữa rồi hỏi ý kiến là nên quay về hay đi tiếp.
May mắn thay, một hành khách người Hà Lan khi lên tàu đã mang theo một thiết bị khá lớn, lấy ra từ một máy in, hình dạng giống như một cái kẹp bằng thép có đai ốc để xiết vào nhằm giữ cho tấm bảng chứa những con chữ chì không bị xô lệch khi tấm thép đặt sẵn giấy in áp xuống. Bằng thiết bị này, thuyền trưởng William Bligh tháo 2 thanh gỗ khác, kẹp vào đoạn đà gỗ bị cong và nứt rồi ép nó lại.
Trong nhật ký hải hành, thủy thủ trưởng Conrad Humphreys viết: "Bằng cách náo đó mà cây đà lại chịu đựng được. Chúng tôi cùng hành khách đồng lòng đi tiếp dù bình quân mỗi người đã mất 25% trọng lượng cơ thể".
Tuần lễ thứ 8 kể từ khi tàu May Flower rời cảng Dartmouth, Anh Quốc trôi qua. Người đầu tiên trên tàu và cũng là người duy nhất qua đời là cậu bé William Butten, 16 tuổi. Thi thể cậu được bó chặt bằng vải dầu rồi thả xuống biển trong sự trầm ngâm của mọi người vì ai cũng tự hỏi bao giờ sẽ tới lượt mình đây? Vẫn hành khách John Howland nói: "Lẽ ra người chết phải là tôi. Khi bị sóng đánh văng xuống biển, tôi đã nghĩ tôi chẳng thể nào sống sót. Vậy mà người từ giã miền đất hứa lại là cậu ấy. Tội nghiệp cậu còn quá trẻ".
3.Ngày 19-11-1620, hành khách trên tàu May Flower nhìn thấy mũi Cape Cod nhưng điểm đến của họ là North Virginia vì trước khi khởi hành, họ đã được Bộ Thuộc địa Anh Quốc cho phép họ đến đó. Tuy nhiên do biển động rất mạnh nên May Flower buộc phải cập cảng Cape Cod vào ngày 26-11 với 102 người cùng 37 thành viên thủy thủ đoàn vì một phụ nữ mang thai lúc lên tàu ở cảng Dartmouth đã hạ sinh một bé gái, được đặt tên là Oceanus.
Tàu May Flower cập cảng Cape Cod.
Ngày 27-11, 24 hành khách và 10 thủy thủ lên bờ để tìm kiếm địa điểm định cư thích hợp. Khi đặt chân lên mặt đất, tất cả đều cùng quỳ xuống đọc kinh, tạ ơn Chúa Trời đã cho họ sống sót nhưng họ không hề biết rằng mùa đông khắc nghiệt đang chờ họ. Vài hôm sau nữa tất cả những người còn lại trên tàu cũng vào bờ. Điều may mắn là họ được sự giúp đỡ rất tận tình của người da đỏ bản địa.
Thuyền trưởng William Bligh cho biết những người đến vùng đất hứa nhận được quà tặng gồm 3 chiếc giỏ đựng đầy hạt bắp giống và 10 bao đậu, đủ để cho mùa canh tác đầu tiên. Thế nhưng định mệnh tàn khốc vẫn chưa buông tha họ.
Trong suốt mùa đông, các hành khách gặp phải bệnh viêm phổi và bệnh lao. Đến mùa xuân, 39 người chết, số còn sống chỉ là 53 người. Trong số những người chết có cả bé Oceanus nhưng thay vào đó, lại có 1 bé trai khác chào đời, được đặt tên là là Peregrine. Bây giờ, chắt 4 đời của Peregrine là chủ của một trong những du thuyền sang trọng nhất thế giới: Công chúa Hà Lan.
Sau khi tất cả hành khách đã tạm thời ổn định ở nơi định cư mới, thuyền trưởng William Bligh dự định quay lại Anh Quốc nhưng do gần một nửa thành viên thủy thủ đoàn đã chết vì bệnh nên William Bligh phải chờ cho số còn lại bình phục. Mãi đến ngày 14-4-1621, May Flower mới nhổ neo. Nhờ những luồng gió Tây nên nó về đến London, Anh Quốc ngày 16-5-1621.
Với những người đến được miền đất hứa, nếu không có sự giúp đỡ của người da đỏ địa phương, dạy họ cách khai thác đất đai, săn bắn, chăn nuôi, trồng trọt và các kỹ năng sinh tồn khác, tất cả có thể đã bỏ mạng.
Bà Amis, dân Hà Lan kể: "Trên những mảnh đất cứng như đá vào mùa đông, chúng tôi - cả đàn ông lẫn đàn bà với cây cuốc trên tay, cúi mặt tránh những luồng gió lạnh, bổ từng nhát. Cứ mỗi nhát cuốc bổ xuống, lưỡi cuốc lại nảy lên tê buốt bàn tay còn đất thì chỉ vỡ ra từng mảnh nhỏ".
Ông Charles Roprock, người Anh kế tiếp: "Thoạt đầu ai nấy đều ngạc nghiên vì tại sao lại vỡ đất vào mùa đông nhưng người da đỏ giải thích phải làm như vậy để khi mùa xuân đến, có thể gieo hạt được ngay vì đó là quy luật trồng trọt ở vùng này. Nếu chúng tôi vẫn làm theo cách ở nước Anh thì sẽ có thêm nhiều người chết vì đói…".
Mùa thu năm 1622, những người định cư trên vùng đất mới tổ chức lễ thu hoạch vụ mùa đầu tiên cùng với người da đỏ bản địa, và đó cũng là Lễ Tạ ơn đầu tiên của nước Mỹ, tồn tại đến tận ngày nay. Là một trong những con tàu đến nước Mỹ sớm nhất sau 66 ngày lênh đênh trên Đại Tây Dương, May Flower trở thành một biểu tượng văn hóa trong lịch sử Mỹ.
Lễ kỷ niệm 400 năm ngày May Flower cập cảng Cape Cod dự định sẽ được tổ chức vào ngày 27-11- 2020 ở Mỹ, Vương quốc Anh và Hà Lan nhưng đại dịch COVID-19 đã khiến kế hoạch bị đình trệ. Thay vào đó, bưu điện Mỹ phát hành con tem "May Flower", bán ra cho công chúng.
Cuối cùng là số phận của tàu May Flower, sau chuyến hải hành đưa người đến miền đất hứa, nó về Anh và còn tiếp tục thực hiện thêm nhiều chuyến đi nữa nhưng chủ yếu chỉ để vận chuyển hàng hóa dọc bờ biển Anh Quốc, châu Âu. Năm 1629, do đã quá già nua, May Flower được bán để người chủ mới tháo rỡ, lấy gỗ làm nhà kho chứa lúa mì…