Máy CT tiết lộ bất ngờ về thiếu nữ bọc thạch cao trong hầm mộ

Anh Thư |

Gương mặt một thiếu nữ có đôi mắt to tròn và phục sức quý phái được vẽ cẩn thận trên xác ướp chân dung hiếm gặp.

Nhóm khoa học gia đứng đầu bởi giáo sư Stuart R. Stock từ Trường Y Feiberg thuộc Đại học Northwestern (Chicago) đã sữ dụng chiếc máy CT scanner quen thuộc trong y khoa và kỹ thuật nhiễu xạ tia X để kiểm tra một "xác ướp chân dung" quý giá mà không cần mở lớp bọc.

Máy CT tiết lộ bất ngờ về thiếu nữ bọc thạch cao trong hầm mộ - Ảnh 1.

Cận cảnh bức chân dung thiếu nữ bên ngoài xác ướp phủ vữa thạch cao - Ảnh: STUART R. STOCK

Theo Acient Origins, xác ướp chân dung là một kỹ thuật an táng cổ đại ở Ai Cập, thường có niên đại trên dưới 2.000 năm.

Người chết được bọc bằng vải liệm đẹp, không ướp hóa chất như những xác ướp cổ xưa hơn mà được phủ vật liệu chống ẩm, sau đó bọc lại bằng vữa thạch cao, trông giống một bức tượng mang hình người. Lớp thạch cao này thay thế cho quan tài gỗ điêu khắc của thời kỳ trước đó. Và thay vì "mặt nạ tử thần", một bức chân dung sẽ được vẽ lên nơi tương ứng với vị trí mặt người chết bên trong. Sau đó, họ được đặt cẩn thận vào các hầm mộ xây cất công phu.

Xác ướp chân dung lần này 2.000 tuổi, mang dung nhan một thiếu nữ hoặc phụ nữ trẻ tuổi có đôi mắt to tròn, khuôn mặt thanh tú và lối phục sức quyền quý. Tuy nhiên từ lâu cô đã khiến các nhà khoa học đặt nghi vấn bởi thân hình khá bé nhỏ của mình.

Máy CT tiết lộ bất ngờ về thiếu nữ bọc thạch cao trong hầm mộ - Ảnh 2.

Hài cốt bên trong được hé lộ, cho thấy đó là một bé gái chứ không phải thiếu nữ - Ảnh: - Ảnh: STUART R. STOCK

Kết quả chụp CT còn bất ngờ hơn: bên trong lớp thạch cao và vải liệm không phải thiếu nữ, mà chỉ là một bé gái khoảng 5 tuổi, cao 94 cm. Lớp thạch cao đã bị cố ý làm cho to hơn thân hình thực tế. Bên trong lớp vải liệm là một vật tùy táng gây bối rối, được xác định là một mẩu canxi cacbonat nhỏ, tinh khiết.

"Vật thể mờ đục này có hình dạng phù hợp với một con bọ hung" - giáo sư Stock chia sẻ với CNN.

Bọ hung đối với người Ai Cập cổ đại là sinh vật tượng trưng cho quyền lực và cả sự hồi sinh. Nó được đặt trong dạ dày người quá cố trong quá trình ướp xác. Sinh vật này và cách phục sức lộng lẫy của xác ướp cho thấy cô thuộc về một gia đình quyền quý, dù không phải thành viên hoàng gia.

Tử vong ở trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ khá phổ biến ở Ai Cập do các điều kiện vệ sinh hạn chế ở quốc gia cổ đại khô cằn này. Tuy nhiên một đứa trẻ được cố ý tạo hình thành thiếu nữ sau khi qua đời như vậy vẫn là bí ẩn lớn. Điều này cho thấy cần xem xét kỹ càng hơn các xác ướp chân dung tương tự để lấp đầy hiểu biết về phong tục an táng đầy công phu của người Ai Cập cổ đại qua các thời kỳ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại