Máy bay Trung Quốc "chiếm sóng" chào sân ĐNÁ: Chốt ngay đơn hàng 40 chiếc, thách thức cuộc đua tam mã

An An |

"Một sự lựa chọn mới đáng tin cậy", dòng máy bay nội địa Trung Quốc đã có ra mắt vô cùng ấn tượng ngay ngày đầu ở triển lãm hàng không lớn nhất châu Á.

Màn ra mắt "chiếm sóng" của C919

Nhà sản xuất máy bay thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc COMAC đã vượt qua hai gã khổng lồ Airbus và Boeing, giành sự chú ý tại Triển lãm hàng không Singapore (20-25/2) bằng các mẫu máy bay phản lực C919 và ARJ21 do hãng tự phát triển.

"Một sự lựa chọn mới đáng tin cậy", quảng cáo trên gian hàng lớn của COMAC ở trung tâm sảnh sự kiện của triển lãm tuyên bố.

Theo Reuters, các chuyên gia trong lĩnh vực hàng không, chính phủ và đầu tư đã đổ xô đến tham dự buổi trưng bày để tìm hiểu về một công ty cho đến nay vẫn còn hạn chế về sự tham gia của công chúng bên ngoài thị trường quê nhà.

Chiếc C919, đối thủ của dòng máy bay một lối đi Boeing 737 MAX và Airbus A320neo, đã bay lần đầu tiên bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc. 

Máy bay Trung Quốc

C919 Trung Quốc có màn ra mắt tưng bừng ở Singapore. Ảnh: Reuters

Những người tham dự triển lãm cho biết, họ coi đây là sự xuất hiện mang tính cơ hội cho COMAC. 

COMAC đã trở thành tiêu điểm hôm 20/2 khi nhận được đơn đặt hàng 50 máy bay (40 chiếc C919 và 10 chiếc ARJ21từ hãng hàng không Tibet Airlines ngay ngày đầu khai mạc triển lãm.

COMAC đã nắm bắt thời điểm hai nhà sản xuất máy bay hàng đầu phương Tây đang giải quyết các vấn đề về chuỗi cung ứng khiến khách hàng hàng không thất vọng.

Michael Szucs, Giám đốc điều hành của hãng hàng không giá rẻ Philippine Cebu Pacific (CEB.PS) cho biết: "Nói chung, tôi hoàn toàn hoan nghênh COMAC đến tham dự buổi tiệc".

Ông cho biết thêm, cách đây 8 tháng, công ty sản xuất máy bay Trung Quốc đã cử một phái đoàn lớn đến thăm hãng hàng không Philippines.

"Tôi chấp nhận thà đó là một cuộc đua giữa ba con ngựa còn hơn là một cuộc đua hai con ngựa", ông nói.

Tuy nhiên, quan điểm chủ yếu của các đại diện hàng không tham dự hội nghị hàng không lớn nhất châu Á là COMAC còn một chặng đường dài phía trước để trở thành đối thủ cạnh tranh nghiêm túc và nó sẽ hoạt động chủ yếu ở thị trường nội địa Trung Quốc trong thời gian tới.

Tổng giám đốc Hiệp hội các hãng hàng không châu Á Thái Bình Dương Subhas Menon cho biết: 

"Tôi nghĩ mọi người sẽ xem xét lại vì tất cả những vấn đề giao hàng mà Airbus và Boeing đang gặp phải nhưng chúng ta phải thực tế vì C919 chưa được một số cơ quan chức năng chứng nhận nên lời kêu gọi hành động bị hạn chế".

Vấn đề chứng nhận đối với Trung Quốc

Theo China Daily (Trung Quốc), cho đến nay, C919 đã thu hút được hơn 1.000 đơn đặt hàng, phần lớn từ các hãng hàng không và bên cho thuê Trung Quốc.

Các giám đốc điều hành hàng không tại triển lãm cho biết, chắc chắn có sự quan tâm đến mẫu máy bay này nhưng những người mua và người cho thuê tiềm năng muốn thấy sự chấp thuận của cơ quan quản lý Hoa Kỳ và Châu Âu. Thiết kế của máy bay hiện mói chỉ được Trung Quốc chứng nhận.

Cơ quan hàng không Trung Quốc tiết lộ, họ sẽ quảng bá mẫu máy bay này trên phạm vi quốc tế trong năm nay và theo đuổi chứng nhận của Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh Châu Âu (EASA).

GallopAir, một hãng hàng không mới có trụ sở tại Brunei đã đặt mua 30 máy bay COMAC nói với Reuters rằng, hãng đang làm việc với COMAC để nhận được sự chấp thuận cần thiết nhằm đưa máy bay phản lực ARJ21 vào hoạt động ở Brunei.

Tuy nhiên, giám đốc điều hành Cham Chi cho biết, quy trình chứng nhận cho C919 ở Brunei phải mất ít nhất hai đến ba năm nữa. 

"COMAC cần hoạt động nhiều giờ hơn...Chúng tôi cần chờ đợi và sau đó chúng tôi có đủ tự tin để thực hiện".

Hãng hàng không giá rẻ TransNusa của Indonesia đã khai thác hai máy bay ARJ21.

Christian Scherer, Giám đốc điều hành máy bay thương mại Airbus, cho biết nhà sản xuất máy bay châu Âu hoan nghênh sự cạnh tranh nhưng lưu ý rằng C919 trông giống như các sản phẩm hiện có của Boeing và Airbus và sẽ không gây ảnh hưởng đáng kể đến tình hình.

"Nó thực sự không mang lại bất kỳ sự khác biệt cụ thể nào cho thị trường", ông nói trước các phóng viên quốc tế.

Một phát ngôn viên của Boeing cũng cho biết nhà sản xuất máy bay hàng đầu nước Mỹ hoan nghênh sự cạnh tranh từ COMAC bởi điều này "có lợi cho ngành".

Phụ tùng phương Tây và nội địa

Một điều không chắc chắn lớn khác xung quanh C919 là sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp phương Tây đối với các bộ phận chính như động cơ và hệ thống điện tử hàng không, khiến nó gặp rủi ro địa chính trị, đặc biệt là khi mối quan hệ của Bắc Kinh với Washington và Brussels gia tăng áp lực.

Những bộ phận này cũng phải đối mặt với các vấn đề tương tự về chuỗi cung ứng khi chúng cũng đã nhiều lần cản trở tốc độ sản xuất của các đối thủ phương Tây, vốn có quy mô kinh tế lớn và mối quan hệ lâu dài hơn với các nhà cung cấp chính.

Máy bay Trung Quốc

Máy bay nội địa Trung Quốc phụ thuộc phần lớn vào phụ tùng phương Tây. Ảnh: Reuters

COMAC cho biết, hãng sẽ đầu tư hàng chục tỷ nhân dân tệ trong vòng 3 đến 5 năm tới để mở rộng năng lực sản xuất C919.

 Các nhà phân tích kỳ vọng, hãng này cũng sẽ nghiên cứu các sản phẩm thay thế nội địa cho các bộ phận của phương Tây nhưng cảnh báo, nỗ lực này có thể mất nhiều thập kỷ.

"Tôi nghĩ rằng [COMAC] sẽ tiến bộ hơn nữa về khung máy bay nhưng lại tụt hậu hơn nữa về công nghệ động cơ. Công nghệ động cơ là rất, rất khó", Ewen McDonald, Giám đốc khách hàng của Civil Aerospace tại Rolls-Royce cho biết trong một cuộc phỏng vấn.

"Họ [Trung Quốc] sẽ cần động cơ phương Tây trong thời gian tới".

Động cơ C919 được cung cấp bởi CFM International, một liên doanh giữa General Electric (Mỹ) và Safran (Pháp) nhưng Tập đoàn Động cơ Hàng không Trung Quốc (AECC) đang phát triển một sản phẩm thay thế trong nước là CJ-1000A, tuy vậy sản phẩm này vẫn chưa được chứng nhận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại