Máy bay tình báo RC-135U Combat Sent của không quân Mỹ bay sát lãnh thổ Trung Quốc chưa từng có. (Ảnh minh họa)
Một chiếc máy bay tình báo Mỹ được phát hiện xuất hiện gần lãnh thổ Trung Quốc chưa từng có vào hôm 22/3. Theo đó, máy bay Mỹ hoạt động cách lãnh thổ Trung Quốc chỉ 25,3 hải lý (46,8 km).
Viện Sáng kiến Điều tra Biển Đông (SCSPI) thuộc Đại học Bắc Kinh của Trung Quốc cho hay, vào ngày 22/3, máy bay tình báo RC-135U Combat Sent của không quân Mỹ đã bay cách bờ biển Trung Quốc 25,3 hải lý.
“Đây là khoảng cách gần nhất mà một máy bay trinh sát Mỹ từng thực hiện khi có mặt gần bờ biển Trung Quốc”, SCSPI nhấn mạnh.
Theo hình ảnh được SCSPI chia sẻ về hành trình bay của máy bay Mỹ, chiếc RC-135U Combat Sent đã xuất hiện ngoài bờ biển thành phố Sán Đầu thuộc tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc vốn nằm gần cực nam của eo biển Đài Loan.
Cũng vào ngày 22/3, SCSPI còn phát hiện máy bay tuần tra hàng hải P-8A Poseidon cùng máy bay tình báo điện tử EP-3E Aries của hải quân Mỹ xuất hiện trên Biển Đông.
Theo Sputnik, trong vòng hơn 1 năm qua, mỗi ngày Mỹ điều động vài máy bay trinh sát thực hiện các chuyến bay ở Biển Đông.
Còn theo Military.com, không quân Mỹ hiện sở hữu 2 máy bay tình báo RC-135U Combat Sent được trang bị các thiết bị đặc biệt để “xác định và nhận diện tín hiệu radar trên không, trên biển và trên đất liền của quân đội nước ngoài”.
Máy bay RC-135U Combat Sent có thể thực hiện nhiệm vụ thu thập thông tin về các thiết bị radar của quân đội Trung Quốc như hoạt động ở Sân bay Sán Đầu vốn là căn cứ của không quân Trung Quốc ở bờ biển phía đông thành phố Sán Đầu.
Hiện vẫn chưa có thông tin xác nhận những loại máy bay nào của Trung Quốc đang hoạt động ở Sân bay Sán Đầu. Nhưng gần đây có những nguồn tin cho hay, các chiến đấu cơ J-10C và J-7E, cùng máy bay trinh sát điện tử Y-8G cất cánh từ sân bay này.
Đáng nói, máy bay tình báo RC-135U Combat Sent của Mỹ còn được biết tới với khả năng theo dõi radar của các hệ thống phòng thủ bờ biển, hệ thống phòng không và nhiều loại vũ khí khác.
Sân bay Sán Đầu nằm trong tầm bắn của các tên lửa hành trình thuộc quân đội Đài Loan. Do đó, nếu không may quân đội Trung Quốc và Đài Loan xảy ra giao tranh và Sân bay Sán Đầu bị tấn công, những thông tin mà máy bay tình báo Mỹ thu thập được từ trước về căn cứ của quân đội Trung Quốc sẽ vô cùng đáng giá.
Trong thời gian gần đây, các máy bay tình báo Mỹ không chỉ tăng cường tần suất xuất hiện, mà còn bay ngày càng sát lãnh thổ Trung Quốc.
Hồi tháng 7/2020, một máy bay P-8A Poseidon của hải quân Mỹ đã bay cách bờ biển tỉnh Chiết Giang của Trung Quốc nằm ở phía bắc eo biển Đài Loan chỉ 41 hải lý (75 km). Đây là khoảng cách gần nhất mà một máy bay trinh sát Mỹ từng xuất hiện gần lãnh thổ Trung Quốc trong nhiều năm qua.
Thậm chí, SCSPI từng cáo buộc máy bay tình báo Mỹ còn "cải trang" làm máy bay dân sự để thực hiện hành trình bay gần lãnh thổ Trung Quốc.
Hồi tháng Hai, 2 tàu sân bay của Mỹ với mỗi tàu có khả năng chuyên chở gần 160 máy bay đã tiến hành đợt tập trận chung ở Biển Đông cùng với nhiều tàu chiến khác.
Mới đây, trong hội nghị thượng đỉnh 2+2 tại bang Alaska của Mỹ, các quan chức Mỹ cũng đã lên tiếng bày tỏ quan ngại và chỉ trích hành động bành trướng của Trung Quốc. Cụ thể, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cáo buộc Trung Quốc “cưỡng ép và hung hăng” ở Biển Đông.
“Chúng ta cần đoàn kết vì một tầm nhìn tự do và mở cửa ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, nơi các nước tuân thủ các quy định, hợp tác và có thể giải quyết bất đồng một cách hòa bình. Nói cách khác, khi cần thiết chúng tôi sẽ đẩy lùi việc Trung Quốc sử dụng sự cưỡng ép hay hung hăng”, ông Blinken nói.
Hội nghị thượng đỉnh 2+2 tại bang Alaska là lần đầu tiên các quan chức trong chính quyền của Tổng thống Joe Biden gặp mặt trực tiếp với giới chức cấp cao của Trung Quốc.