"Bóc phốt" máy bay tàng hình TF-X của Thổ Nhĩ Kỳ: Giật mình với gỗ dán và băng dính!

Hoài Giang |

Thổ Nhĩ Kỳ bị Mỹ gây áp lực đối với thương vụ S-400, nếu không thể tiếp cận với F-35 thì nước này chỉ có phương án duy nhất là phát triển Su-57 cùng với Nga.

Ngày 18/6, tờ National Interest xuất bản bài viết: "Thổ Nhĩ Kỳ muốn chế tạo bản sao của máy bay chiến đấu tàng hình F-22" (Turkey Wants to Build Its Own Version of the F-22 Stealth Fighter) của Biên tập viên David Axe.

Nhằm giúp độc giả có cái nhìn đa chiều về các vấn đề chính trị phức tạp giữa Thổ Nhĩ Kỳ - Mỹ và Nga, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không mua F-35 mà tự phát triển máy bay tàng hình?

Ngày 17/6 truyền thông Phương Tây đưa tin ngành công nghiệp hàng không Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ một nguyên mẫu máy bay chiến đấu tàng hình mới tại Triển lãm hàng không Paris.

Nguyên mẫu máy bay chiến đấu TF-X có nhiều nét tương đồng với máy bay F-22 của Không quân Hoa Kỳ. Nhưng trong khi F-22 đã khẳng định là một máy bay chiếm ưu thế trên không với nhiều thành tích trong thực chiến, tương lai của TF-X lại quá xa vời.

Bóc phốt máy bay tàng hình TF-X của Thổ Nhĩ Kỳ: Giật mình với gỗ dán và băng dính! - Ảnh 1.

Nguyên mẫu máy bay chiến đấu tàng hình TF-X.

Phóng viên Joseph Trevithick của The War Zone đã tổng kết về chương trình máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ như sau:

"Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu tiên công bố chương trình TF-X, hay còn được gọi là Máy bay chiến đấu quốc gia (MMU bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ) vào năm 2010.

Tập đoàn TAI đã giành được hợp đồng phát triển máy bay vào năm 2015.

Không quân Thổ Nhĩ Kỳ có kế hoạch thay thế phần lớn các máy bay chiến đấu Lockheed Martin F-16 C/D "Viper" do Mỹ sản xuất bằng máy bay tự sản xuất này và hy vọng những chiếc đầu tiên được đưa vào trang bị vào năm 2028.

Từ năm 2015, TAI đã đề xuất ít nhất ba cấu hình khác nhau, bao gồm hai thiết kế với động cơ đơn và một động cơ đôi".

TF-X trông rất tuyệt, nhưng vấn đề là tài chính?

Theo một đánh giá của Tướng không quân Nhật Bản Hideyuki Yoshioka, người giám sát chương trình máy bay chiến đấu tàng hình của Nhật Bản vào năm 2011 ước tính chi phí vào khoảng 100 tỷ USD.

Để phát triển một máy bay chiến đấu tàng hình rất tốn kém. Chỉ có ba quốc gia trên lý thuyết có thể làm điều đó mà chi phí khổng lồ không biến thành một cuộc khủng hoảng kinh tế đó là Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga.

Trên thực tế chỉ hai quốc gia là Mỹ và Trung Quốc thực sự đã làm được việc đó. Chương trình Su-57 của Nga đã phải vật lộn với chi phí để sản xuất một số lượng máy bay khiêm tốn.

Thổ Nhĩ Kỳ, với nền kinh tế lớn thứ 17 thế giới, khó có thể tham gia câu lạc bộ của những "đại gia" đó.

Bóc phốt máy bay tàng hình TF-X của Thổ Nhĩ Kỳ: Giật mình với gỗ dán và băng dính! - Ảnh 2.

Nguyên mẫu máy bay chiến đấu tàng hình TF-X.

Từ những con số đối chiếu, Hoa Kỳ đã chi khoảng 70 tỷ USD để phát triển và chế tạo 194 chiếc F-22 cộng thêm hàng tỷ USD cho chi phí hoạt động từ năm 2005.

Lầu năm góc dự kiến ​​chi phí không dưới 400 tỷ USD cho 2.300 chiếc F-35 và chi phí này không bao gồm khoản dành cho vận hành. F-35 sẽ tiêu tốn khoảng 10 tỷ USD trong ngân sách quốc phòng hằng năm tương ứng 700 tỷ USD của Hoa Kỳ(1,5%). Và đó là phần chi hợp lý.

Ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ chi 20 tỷ USD cho toàn bộ lực lượng vũ trang của mình. Thật vô lý khi đưa một dự án máy bay chiến đấu tàng hình trị giá 100 tỷ USD vào ngân sách như vậy.

Xuất khẩu để làm cho giá thành TF-X rẻ hơn? F-35 đã dễ dàng chiếm lĩnh thị trường thế giới của máy bay chiến đấu tàng hình, và nó sẽ tiếp tục như vậy trong nhiều năm.

TF-X là một ví dụ về những gì mà nhà phân tích Richard Aboulafia của Teal Group gọi là khái niệm "máy bay chiến đấu quốc gia" nghĩa là một loại máy bay chiến đấu tiên tiến phù hợp với nhu cầu của một quốc gia nhưng lại thiếu tiềm năng xuất khẩu.

Khái niệm "máy bay chiến đấu quốc gia" gần như luôn luôn kết thúc bằng kết quả tồi tệ. Các ví dụ bao gồm Lavi của Israel, máy bay ném bom chiến đấu đắt đỏ L-159 của Séc.

Và thảm khốc nhất là Ấn Độ, họ đã dành 30 năm để phát triển, tiêu tốn hàng tỷ USD trước khi sản phẩm là một máy bay chiến đấu hạng nhẹ nhưng thô sơ Tejas vào năm 2011.

Bóc phốt máy bay tàng hình TF-X của Thổ Nhĩ Kỳ: Giật mình với gỗ dán và băng dính! - Ảnh 4.

TF-X gần như "copy" thiết kế khí động học của F-22 và F-35.

TF-X là "đòn gió" của Thổ Nhĩ Kỳ dành cho Mỹ?

Máy bay chiến đấu TF-X có thể chỉ là lợi thế khi Ankara dùng nó để gây áp lực với Washington về những nỗ lực bắt quân đội Thổ Nhĩ Kỳ lựa chọn giữa máy bay chiến đấu tàng hình F-35 do Mỹ sản xuất và hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất.

Hệ thống của Nga có thể thu thập các dữ liệu nhạy cảm trên F-35 và khiến loại máy bay này dễ bị tấn công hơn.

Bóc phốt máy bay tàng hình TF-X của Thổ Nhĩ Kỳ: Giật mình với gỗ dán và băng dính! - Ảnh 5.

Hệ thống S-400 có thể khai thác được các nhược điểm của F-35.

Washington đã đình chỉ sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ vào chương trình F-35 trừ khi họ hủy bỏ thỏa thuận của Nga. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ ngược lại đã đe dọa hợp tác với Nga trong chương trình Su-57.

Khi giới thiệu máy bay chiến đấu tàng hình trước radar của riêng mình, Ankara có thể chỉ đơn giản là cố gắng chứng minh với Washington rằng họ có thể đe dọa sự độc quyền của F-35 về xuất khẩu máy bay chiến đấu tàng hình, bằng cách tự chế tạo hoặc giúp Nga hoàn thiện Su-57.

Ngay cả chiến lược đó dường như cũng có nhiều khả năng thất bại.

Chương trình F-35 đủ lớn và hấp dẫn để tồn tại mà không cần tới Thổ Nhĩ Kỳ.

Và đầu tư của Thổ Nhĩ Kỳ có thể không đủ để cứu chương trình máy bay chiến đấu tàng hình Su-57 của Nga.

Ở hiện tại, nguyên mẫu TF-X có thể chỉ là một hình mẫu được thiết kế từ gỗ dán và sơn, và trong tương lai có khả năng nó vẫn như vậy.

Tuy nhiên Giám đốc điều hành TAI Temel Kotil tuyên bố máy bay chiến đấu sẽ bay vào năm 2025, chúng ta hãy chờ xem.

David Axe là Biên tập viên mảng quốc phòng của National Interest. Ông cũng là tác giả của các tác phẩm nổi tiếng có tựa đề War Fix , War Is Bored và Machete Squad .

Một video quảng cáo máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 TF-X của Thổ Nhĩ Kỳ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại