Máy bay tàng hình FCAS của Châu Âu: "Chết từ trong trứng" nếu so với F-35 Mỹ hay J-20 TQ?

Hoài Giang |

FCAS là hệ thống vũ khí mới, không chỉ là máy bay chiến đấu mà còn tích hợp vệ tinh trinh sát, UAV và các máy bay phụ trợ.

Hệ thống FCAS liệu có phải là đối thủ của F-35 hay J-20 trên thương trường?

Sáng 17/6, hãng tin AFP đưa tin Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ tham dự lễ khai mạc Triển lãm hàng không Paris. Triển lãm thường được tổ chức vào các năm lẻ tại Sân bay Paris-Le Bourget, gần thủ đô Paris của Pháp.

Tại đây, dự kiến các Bộ trưởng quốc phòng của Pháp, Đức và Tây Ban Nha sẽ ký thỏa thuận khung về việc hợp tác trong nghiên cứu sản xuất Dự án "Hệ thống không quân chiến đấu tương lai" (FCAS).

FCAS là một phần trong nỗ lực lớn hơn để thống nhất sức mạnh quân sự của Liên minh Châu Âu (EU) và giảm sự phụ thuộc vào vũ khí của Mỹ. Dự án không chỉ là máy bay chiến đấu mà bao gồm máy bay không người lái (UAV) và tên lửa hành trình.

Dự án được trao cho Airbus và Dassault Aviation, nhằm mục đích cuối cùng là triển khai hệ thống không quân mới vào năm 2040. Điểm tương đồng với dự án F-35 của Mỹ là các quốc gia khác trên thế giới cũng có thể tiếp cận FCAS với cương vị khách hàng.

Tuy nhiên, máy bay phản lực thế hệ thứ 6 FCAS đã có một đối thủ ngay trên sân nhà, đó là Dự án "Tempest" của Anh, Ý và Hà Lan. Nó thể hiện một phần của "sự phân rã" chính trị của chính EU.

Máy bay tàng hình FCAS của Châu Âu: Chết từ trong trứng nếu so với F-35 Mỹ hay J-20 TQ? - Ảnh 1.

Dự án máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 6 "Tempest".

Hơn nữa, khi châu Âu chuẩn bị chính thức ra mắt FCAS, các nhà phân tích cảnh báo "lục địa già" đang ngày càng bị bỏ xa trong khi ngành công nghiệp hàng không vũ trụ Mỹ và Trung Quốc đang "bơi giữa biển" bằng động cơ là tài chính khổng lồ.

Chi tiêu quốc phòng của châu Âu vẫn thua xa nếu so với hàng tỷ USD được chi tiêu ở Mỹ cũng như Trung Quốc, điều này không có gì bí mật bởi mục tiêu mong muốn tăng cường chất lượng quân đội của hai cường quốc này.

Trong thương mại vũ khí, các Công ty châu Âu cũng phải đối mặt với các đối thủ khổng lồ của Mỹ, đặc biệt là sự hợp nhất của Raytheon và United Technologies vào đầu tháng 6. Philippe Plouvier tại Tập đoàn tư vấn Boston, Paris nói:

"Có sự mất cân bằng ngày càng rõ rệt giữa ngành công nghiệp hàng không, vũ trụ và quốc phòng của Châu Âu và hai "đối thủ" đang thách thức là Hoa Kỳ và Trung Quốc".

Máy bay tàng hình FCAS của Châu Âu: Chết từ trong trứng nếu so với F-35 Mỹ hay J-20 TQ? - Ảnh 2.

Các UAV hỗ trợ máy bay chiến đấu trong Hệ thống FCAS.

Châu Âu có thể khiến FCAS chết từ "trứng nước"

Ông Plouvier nói tiếp: "Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tăng cường chi tiêu quốc phòng, trong năm nay là 700 tỷ USD. Đây là mức cực kỳ cao nếu so sánh với 200 tỷ USD năm 2002".

Đây sẽ là lợi nhuận "khổng lồ" cho các Công ty dẫn đầu ngành công nghiệp quốc phòng Hoa Kỳ như Lockheed Martin, Northrop Grumman và General Dynamics. Đó là chúng ta chưa đề cập đến Raytheon-UTC trong tương lai.

Trung Quốc cũng đã đầu tư mạnh mẽ, trở thành nước có chi tiêu quốc phòng lớn thứ hai thế giới vào năm 2018 với con số khoảng 250 tỷ USD.

Để so sánh, 5 quốc gia lớn nhất Châu Âu là Đức, Pháp, Anh, Ý và Tây Ban Nha - đã chi tổng cộng 200 tỷ USD vào năm 2018, theo phân tích của IHS Markit.

Máy bay tàng hình FCAS của Châu Âu: Chết từ trong trứng nếu so với F-35 Mỹ hay J-20 TQ? - Ảnh 3.

Máy bay tàng hình F-35 (Mỹ) và J-20 (Trung Quốc).

Trong khi đó, việc các công ty châu Âu hợp nhất, chẳng hạn như thương vụ mua lại Zodiac Aerospace của nhà sản xuất động cơ Safran, phần lớn do phản ứng đối với các dự án máy bay thương mại đang giảm sút.

Người khổng lồ Châu Âu Airbus, do những khó khăn tương tự đã phải kiềm chế các tham vọng nghiên cứu và phát triển máy bay mới của mình bằng việc nâng cấp cho các máy bay chở khách A320.

Nicolas Beaugrand, một chuyên gia hàng không tại Alix Partners cho biết:

"Tương lai ảm đạm của các dự án lớn đang thúc ép các công ty (Châu Âu) tìm kiếm các cơ hội mới ... để chống lại áp lực về giá cả. Và giải pháp duy nhất là sáp nhập và mua lại".

Nhưng việc thành lập một đối thủ nặng ký ở châu Âu để đối đầu với các "đại gia quốc phòng" Hoa Kỳ có vẻ là việc "Bất khả thi".

Airbus và BAE Systems đã thử sáp nhập vào năm 2012 để tạo ra một công ty khổng lồ với các hoạt động thương mại và quốc phòng cân bằng, nhưng sự phản đối từ Đức đã làm thất bại thỏa thuận này.

Sau cùng là mối đe dọa cạnh tranh của "kẻ địch mới nổi", Trung Quốc.

Các công ty hàng không vũ trụ nội địa của Trung Quốc trước đây bị đánh giá cách xa một thập kỷ về công nghệ nhưng nay cũng bắt đầu trở thành mối đe dọa trong lĩnh vực quốc phòng của Châu Âu.

Thách thức lớn nhất vẫn là tài chính cho các chu kỳ phát triển vũ khí dài hơi và áp dụng liên tục các công nghệ mới, trong tương lai có thể các lợi thế này hoàn toàn nằm trong tay các công ty Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa với việc châu Âu không còn nhiều thời gian.

Máy bay tàng hình FCAS của Châu Âu: Chết từ trong trứng nếu so với F-35 Mỹ hay J-20 TQ? - Ảnh 4.

Một chiến lược phát triển của FCAS.

Vấn đề đầu tiên và cuối cùng là tiền?

Các nhà phân tích chỉ ra một vấn đề khác đang kìm hãm châu Âu: Hạn chế sử dụng thặng dư để tài trợ cho phát triển công nghệ mới sẽ là "tử huyệt". Ông Plouvier nói:

"Khi so sánh Airbus, Safran hoặc Thales với các tay chơi lớn của Mỹ. Các công ty Châu Âu có sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn, thậm chí có thể có lợi nhuận lớn hơn.

Nhưng mặt khác họ không tích lũy thặng dư, họ gần như sử dụng tất cả tài chính thu được để thúc đẩy tăng trưởng".

Airbus kiếm được tạo ra khoảng 4 tỷ USD thặng dư mỗi năm, trong khi đối thủ Hoa Kỳ Boeing là khoảng 12 tỷ USD.

Máy bay tàng hình FCAS của Châu Âu: Chết từ trong trứng nếu so với F-35 Mỹ hay J-20 TQ? - Ảnh 6.

Một biểu đồ so sánh đơn hàng giữa Boeing và Airbus của Forbes.

Sự kết hợp giữa Raytheon và UTC sẽ tạo ra một "gã khổng lồ" công nghiệp Hoa Kỳ với các công nghệ máy bay, tên lửa, thiết bị điện tử và động cơ Pratt & Whitney. Dự kiến "gã khổng lồ" này sẽ có doanh thu gần 75 tỷ USD và tạo ra thặng dư 8 tỷ USD.

"Nếu không có tiền, sẽ không thể hiện đại hóa, điều đó đồng nghĩa với khả năng tự tài trợ cho các nghiên cứu hay chuyển đổi kỹ thuật số kém hơn.

Vì vậy, rõ ràng là các công ty (Châu Âu) không chuẩn bị cho tương lai", Plouvier nói.

Nhưng các công ty châu Âu thường phải chấp nhận lợi nhuận thấp cho các dự án quốc phòng, đặc biệt là khi các quốc gia EU vẫn tiếp tục tranh cãi về việc mỗi nước phải trả bao nhiêu khi các dự án vượt ngân sách.

Ví dụ như chương trình máy bay vận tải quân sự A400M, Airbus đã phải mất 2 năm đàm phán để ngăn chương trình này đổ vỡ vì những khó khăn trong sản xuất.

Plouvier nói: "Chúng ta không thấy điều đó ở Mỹ. Tất cả các chương trình đều vượt ngân sách nhưng các công ty vẫn có được mức lợi nhuận vào khoảng 15%".

Các công ty Mỹ cũng có thể sử dụng lợi nhuận từ vũ khí để giảm giá thành hàng thương mại của họ, gây thêm áp lực cho các đối thủ châu Âu.

"Điều đó có nghĩa là các công ty châu Âu duy trì cơ sở công nghiệp của họ không phải từ quốc phòng mà từ hàng không thương mại. Rõ ràng (so với Hoa Kỳ) chúng tôi chỉ đứng bằng một chân", Plouvier nói.

Dự án FCAS của Châu Âu bao gồm Máy bay chiến đấu, UAV và các hệ thống phụ trợ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại