Chiến dịch đặc biệt tấn công tiêu diệt một nhóm chiến binh Al-Qaeda tại Yemen diễn ra vào đêm 29/1, lực lượng SEAL của Mỹ tấn công vào một căn nhà tập trung các tay súng chỉ huy thuộc nhóm khủng bố Al-Qaeda nằm trên một khu vực đối núi địa hình phức tạp thuộc tỉnh Bayda, Yemen.
Tuy nhiên, trong quá trình hạ cánh đón lính thủy đánh bộ Mỹ bị thương, một chiếc V-22 Osprey va chạm mạnh với mặt đất và gây ra những hư hỏng đáng kể khiến máy bay không thể cất cánh. Dù đã rút lui thành công nhưng Không quân Mỹ đã buộc phải dùng tên lửa phá hủy chiếc máy bay này để nó không lọt vào tay lực lượng khủng bố.
Theo Topwar.ru, những chiếc V-22 Osprey sử dụng trong chiến dịch quân sự chống khủng bố tại Yemen lần này của Mỹ được sản xuất từ thập niên 80 và mới được đưa vào biên chế trong Hải quân Mỹ từ năm 2005.
Và dù còn khá mới nhưng loạt máy bay này đã không ít lần gặp nạn và đây chính là lý do khiến nhà sản xuất phát triển phiên bản mới từ nguyên mẫu V-22 Osprey. Theo số liệu thống kê của Topwar.ru, chỉ tính riêng trong quá trình thử nghiệm giai đoạn 1991 - 2000, V-22 Osprey chịu nhiều tai nạn khác nhau, làm 30 người thiệt mạng.
Một vấn đề nữa của V-22 Osprey là hệ thống dẫn chất lỏng bằng titan có thể cọ sát vào các dây khác, gây cháy nổ. Đây chính là nguyên nhân của vụ tai nạn năm 2000 khiến 5 lính thủy đánh bộ thiệt mạng. Và lỗi này cũng có thể là nguyên nhân khiến chiếc V-22 rơi ngoài khơi Okinawa hôm 13/12/2016.
Sự thiếu an toàn của V-22 Osprey đã được chính phi công Israel từng trải nghiệm trên máy bay này phàn nàn. Tạp chí IAF Magazine (chuyên san của Không quân Israel) dẫn lời hai phi công đã từng sang Mỹ đào tạo lái máy bay V-22 là Đại tá Nimrod và Avi đăng tải, V-22 có một số nhược điểm rất bất tiện đối với phi công.
Theo lời Đại tá Avi, người từng là phi công trực thăng vận tải hạng nặng CH-53D Sea Stallion, việc chuyển chế độ bay đột ngột từ cánh bằng sang trực thăng của V-22 ở tốc độ cao gây ra sự nhiễu loạn rất khó điều khiển.
"Phi công sử dụng cần điều khiển chuyển trạng thái cánh, nhưng điểm khó chịu là cần điều khiển này cũng dùng để điều khiển lực nâng và hướng của máy bay. Điều bất tiện đó làm phi công mất cảm giác điều khiển", ông Avi cho biết.
Đại tá Avi cũng nhận định, phi công trực thăng khi điều khiển V-22 ở chế độ cánh cố định sẽ rất dễ rơi vào tình trạng thất tốc, mất lực nâng. "Phi công V-22 cần phải nỗ lực để đảm bảo lực nâng", vị này nhấn mạnh.
Hai phi công Israel trên được đào tạo lái máy bay V-22 trong 2 tuần ở căn cứ của lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ tại bang Florida với nhiệm vụ chính là đánh giá khả năng hoạt động và tương thích của V-22 nếu được không quân Israel chọn mua.
Tuy nhiên, sau khi 2 viên phi công này hoàn thành khóa đào tạo tại Mỹ, Israel đã bất ngờ quyết định hủy hợp đồng mua 6 máy bay V-22 Osprey, quyết định này sau đó được Tel Aviv giải thích là do khó khăn về tài chính.