Tuy nhiên, một điểm đáng ngạc nhiên là thiết kế của B-21 Raider lại có nhiều điểm vay mượn từ nguyên mẫu máy bay ném bom Horten Ho 229 V3 được Đức quốc xã phát triển trong những năm 1940, trong Thế chiến 2. Đây cũng không phải là lần đầu tiên Mỹ ứng dụng công nghệ của máy bay Đức quốc xã lên sản phẩm quốc phòng nội địa.
Hồi tháng 9-2008, trong quá trình chuẩn bị phim tài liệu "Máy bay chiến đấu tàng hình của Hitler", phóng viên kênh truyền hình National Geographic đã ghi lại cảnh nhóm kỹ sư Northrop Grumman đang tháo rời các thành phần của nguyên mẫu máy bay ném bom Horten Ho 229 V3 duy nhất thu được từ Đức quốc xã, đang trưng bày tại Bảo tàng Hàng không và Vũ trụ quốc gia Mỹ ở Maryland.
Nguyên mẫu này được Northrop Grumman sử dụng để thử nghiệm khả năng tàng hình của thiết kế máy bay.
Với công nghệ hiện đại, đội ngũ kỹ sư của Northrop Grumman đã mô phỏng khả năng hoạt động thực tế của nguyên mẫu Horten Ho 229 V3 trước hệ thống radar của Anh. Kết quả thu được sẽ giúp đánh giá máy bay ném bom của Đức quốc xã liệu có đạt hiệu quả cao nếu thực sự tham chiến.
Chuyên gia nghiên cứu về nguyên mẫu Ho 229 V3, Sebastien Roblin cho biết, thiết kế của máy bay ném bom này cho phản xạ sóng radar tương đương 80% so với máy bay tiêm kích chủ lực của Không quân Đức quốc xã (Luftwaffe), Messerschmitt Bf. 109.
Thiết kế dạng con dơi của máy bay giúp nó có tốc độ và tầm bay tốt nhất, thay vì khả năng tàng hình.Tuy nhiên, những kết quả thu được không như mong đợi và được công bố trong năm 2010.
Thiết kế của nguyên mẫu Horten Ho 229 V3 không tối ưu cho khả năng tàng hình, mà là để giúp máy bay có thể đặc tính khí động học và tốc độ bay tốt nhất.
Theo yêu cầu của chỉ huy Luftwaffe, Hermann Gotring công bố năm 1943, máy bay Ho 229 phải có khả năng bay với tốc độ 1.000km/giờ, tầm bay 1.000km và khả mang mang theo các quả bom nặng tới 1 tấn.
Thiết kế của máy bay đảm bảo nó có thể xuyên qua hệ thống phòng không của đối phương ở cả mặt trận phía Đông và Tây để gây ra sự tàn phá khốc liệt ở hậu tuyến.
Các chuyên gia của Northrop Grumman đánh giá, việc Ho 229 không được trang bị là may mắn cho đồng minh. Tốc độ bay của máy bay ném bom Đức quốc xã nhanh hơn 33% so với các máy bay tiêm kích của đồng minh, trong đó có Anh.
Điều đó nghĩa là dù bị radar phát hiện, các phi đội Ho 229 vẫn đủ khả năng vượt mặt máy bay đánh chặn để mang lại sự tàn phá khủng khiếp lên đảo quốc sương mù.
"Thiết kế cánh máy bay mang tính cách mạng giúp cải thiện đặc tính khí động học, tiết kiệm nhiên liệu và tăng tốc độ bay trong quá trình hoạt động của Ho 229. Thiết kế này đã được phía Mỹ áp dụng và bổ sung thêm tính năng tàng hình vào các mẫu máy bay quân sự phát triển trong giai đoạn 1980", chuyên gia Sebastien Roblin đánh giá.
Với sự sụp đổ của Đức quốc xã, quá trình phát triển máy bay Ho 229 đã bị hủy bỏ. Tuy nhiên, thiết kế của dòng máy bay mang tính cách mạng này nhận được sự quan tâm lớn từ nhiều quốc gia trên thế giới ở thời điểm đó.
Quân đội Mỹ đã phải tổ chức một chiến dịch tuyệt mật mang tên Paperclip để giành lấy hàng loạt công nghệ quân sự bí mật của Đức quốc xã, trong đó có Ho 229, trước khi chúng rơi vào tay Liên Xô.
Horten Ho 229 V3 được vận chuyển về Mỹ. |
Nguyên mẫu YB-35 được cho là vay mượn ý tưởng từ Ho 229 |
Điểm đáng chú ý là chỉ một năm sau khi có được công nghệ của Ho 229, Tập đoàn Northrop đã giới thiệu nguyên mẫu YB-35 với thiết kế gần như tương đồng với máy bay tuyệt mật của Đức quốc xã.
Dù kiểu thiết kế cánh liền thân đã được phía Mỹ theo đuổi từ đầu những năm 1940, nhưng ảnh hưởng của Ho 229 lên các thiết kế của YB-35 là rất rõ ràng. Nguyên mẫu YB-35 sau đó đã bị hủy bỏ vì những giới hạn kỹ thuật vào năm 1949.
Nhiều khả năng, giới chuyên gia quân sự Mỹ quan tâm tới khả năng tàng hình của Ho 229 liên quan tới các tuyên bố của một trong 2 anh em nhà Horten là Reimar Horten, những người phát triển dòng máy bay ném bom tuyệt mật này.
Sau Thế chiến 2, Reimar Horten đã đào tẩu sang Argentina. Năm 1983, ông này tiết lộ thông tin rằng, thiết kế của Ho 229 có khả năng tàng hình nhờ sử dụng vật liệu hấp thụ sóng radar, trong đó có thành phần chiết suất từ than đá.
Tuy nhiên, sau những thử nghiệm của chuyên gia Northrop Grumman, tuyên bố trên đã bị bác bỏ. Quan điểm này cũng được chuyên gia công nghệ hàng không thuộc Bảo tàng Hàng không và Vũ trụ quốc gia Mỹ, Russell Lee đồng thuận:
"Họ không thể nói máy bay này có khả năng tàng hình chỉ căn cứ vào các tài liệu trên giấy".